Cần xem xét, nghiên cứu kỹ tác động của dự án Luật Cư trú (sửa đổi)

10:26 - Thứ Tư, 10/06/2020 Lượt xem: 7150 In bài viết

Chiều 9-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về dự án Luật Cư trú (sửa đổi).

Tại phiên thảo luận tổ, đa số đại biểu bày tỏ sự đồng tình với sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Cư trú. Đại biểu Đào Tú Hoa (Đoàn thành phố Hà Nội) cho biết, phương thức bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú là phương thức quản lý hiện đại, trên thế giới áp dụng cũng không nhiều.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, đến nay có khoảng 18 triệu công dân được cấp mã số định danh cá nhân, việc cấp mã số cho hơn 80 triệu dân còn lại sẽ khó có thể thực hiện xong trước thời hạn Luật Cư trú (sửa đổi) dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-7-2021. Đại biểu Trần Văn Quý (Đoàn Hưng Yên) lo lắng về việc sẽ cần khoảng 3.500 tỷ đồng để cấp mã số định danh cá nhân cho 80 triệu dân.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn thành phố Hà Nội) bày tỏ quan điểm đồng tình với quan điểm Chính phủ bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó việc quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú nhằm mục đích hạn chế tăng dân số cơ học nhưng thực tế không giảm được sự gia tăng dân số đô thị. Do đó, để bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật, đại biểu cũng đề nghị bãi bỏ khoản 3, khoản 4 Điều 19 Luật Thủ đô quy định về điều kiện đăng ký thường trú ở Thủ đô.

Về vấn đề này, theo đại biểu Leo Thị Lịch (Đoàn Bắc Giang), việc bỏ điều kiện đăng ký thường trú tại các thành phố trực thuộc Trung ương bảo đảm quyền tự do cư trú của người dân theo quy định của Hiến pháp. Tuy nhiên cần làm rõ tác động tiêu cực của giải pháp này.       

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn thành phố Hà Nội) cho rằng, việc quy định xóa đăng ký thường trú công dân vắng mặt tại nơi thường trú từ trên 12 tháng liên tục mà không đăng ký tạm trú ở nơi nào hoặc không khai báo tạm vắng với công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú (trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài) sẽ gây nhiều khó khăn cho người dân, bởi có những trường hợp được cử đi công tác dài hạn không thể tự xác định thời gian. Đại biểu cho rằng không thể vì quản lý chưa tốt mà gây ra khó khăn cho người dân trong vấn đề này.

Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội

Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cũng lo ngại, việc xóa đăng ký thường trú sẽ khiến nhiều người dân sẽ chuyển từ thường trú thành tạm trú với con số khoảng 1,2 triệu người. Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đặt ra câu hỏi, như vậy thì sẽ thống kê dân cư của một địa phương ra sao, thống kê dân số liệu có thay đổi không sau tổng điều tra dân số năm 2019. Bên cạnh đó, vấn đề này liên quan đến nhiều vấn đề như phân bổ ngân sách địa phương.

Với việc bỏ quy định điều kiện đăng ký thường trú, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cũng lo ngại việc sẽ gia tăng dân số cơ học tại các thành phố, gây áp lực cho hệ thống y tế và giáo dục. Đồng chí Vương Đình Huệ cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cần xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng tác động của một số nội dung được nêu trong dự thảo Luật đến tình hình kinh tế - xã hội của các địa phương.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top