Ngày làm việc thứ 17, kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV

Bảo vệ, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

09:51 - Thứ Năm, 18/06/2020 Lượt xem: 6347 In bài viết

Hôm qua 17-6, các đại biểu Quốc hội (QH) tiếp tục chương trình làm việc tại Hội trường.

Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường. Ảnh: Quang Hoàng

Nâng cao vị thế quốc gia qua các thỏa thuận quốc tế

Thảo luận về dự án Luật Thỏa thuận quốc tế, đa số ý kiến bày tỏ đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật, đồng thời cho rằng, trong bối cảnh đất nước đã và đang hội nhập sâu rộng, sự ra đời của Luật Thỏa thuận quốc tế sẽ trở thành một trong những cơ sở pháp lý quan trọng nhằm tạo thuận lợi cho việc ký kết các thỏa thuận với nhiều đối tác quốc tế, giúp các chủ thể ký kết giảm sai sót, mang lại lợi ích trên nhiều mặt cho quốc gia. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo dự án Luật cần cân nhắc thêm về một số quy định liên quan đến chủ thể ký kết các thỏa thuận quốc tế. Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) và một số đại biểu khác đề nghị quy định theo hướng mở hơn để các chủ thể với đủ năng lực thực tiễn có thể chủ động quyết định ký kết thỏa thuận quốc tế nhằm bảo đảm thời gian, cơ hội hợp tác, đặc biệt là trong những lĩnh vực như giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học…

Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo dự án Luật nên xem xét bổ sung một số chủ thể quan trọng như các đơn vị sự nghiệp công lập, cơ sở giáo dục, y tế… Có đại biểu dẫn báo cáo của Bộ Ngoại giao về 10 năm thực hiện Pháp lệnh Ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế cho thấy, các đơn vị sự nghiệp công lập đã triển khai ký kết nhiều thỏa thuận quốc tế hiệu quả và hoàn toàn có thể phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Do đó, dự án Luật cần xem xét bổ sung một số chủ thể có năng lực cao trong thực hiện các thỏa thuận quốc tế theo hướng mở về thẩm quyền và lĩnh vực thỏa thuận, nhằm mang lại nhiều thuận lợi hơn trong việc ký các thỏa thuận phù hợp xu hướng thế giới và phù hợp với lợi ích quốc gia.

Đồng tình với những ý kiến nêu trên, đại biểu Đôn Tuấn Phong (An Giang) cho rằng, dự án Luật còn thiếu một số chủ thể ký kết như: các tổ chức khoa học công nghệ, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, hiệp hội ngành nghề và những tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp đặc thù chỉ có ở cấp tỉnh, cấp huyện. Ngoài ra, nhiều thỏa thuận quốc tế hiện nay có liên quan mật thiết đến công tác viện trợ, bao gồm cả viện trợ ODA, viện trợ phi chính phủ, viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài cũng như các tiếp nhận của Việt Nam từ nước ngoài… với nhiều lĩnh vực như kỹ thuật, tài chính, tài trợ trực tiếp… Vì vậy, dự án Luật cần được điều chỉnh để tránh gây mâu thuẫn với thực tiễn cũng như mục đích xây dựng Luật là “tranh thủ nguồn lực bên ngoài cả về công nghệ, kỹ năng, kinh nghiệm và nguồn vốn của các nước, tổ chức quốc tế phục vụ cho công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước”.

Liên quan đến việc phân biệt các khái niệm “Điều ước quốc tế” và “Thỏa thuận quốc tế”, một số đại biểu lưu ý: dự án Luật đang cho thấy sự chồng lấn nhất định đối với Luật Điều ước quốc tế hiện hành. Cụ thể, Điều 9 của dự án Luật xác định: Chủ tịch nước quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Chính phủ. Trong khi đó, Luật Điều ước quốc tế hiện hành cũng có những quy định đề cập đến nội dung “nhân danh Chính phủ” và “nhân danh Nhà nước”. Có ý kiến cho rằng, tiêu chí để phân biệt giữa “Điều ước quốc tế” và “Thỏa thuận quốc tế” phụ thuộc vào việc điều ước hoặc thỏa thuận đã ký kết có làm thay đổi, phát sinh hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo các luật quốc tế hay không. Tuy nhiên, trên thực tế, việc sử dụng tiêu chí này còn thiếu rõ ràng, thiếu khả thi. Vì vậy, cần xác định rõ mục tiêu của việc sử dụng công cụ “Thỏa thuận quốc tế” để xây dựng khung pháp luật phù hợp việc ký kết và thực hiện các thỏa thuận quốc tế. Đồng thời, thiết kế cơ chế thực thi phù hợp, bảo đảm hiệu quả thực hiện các thỏa thuận quốc tế phù hợp với đặc điểm, điều kiện của đất nước.

Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Buổi chiều, các đại biểu QH cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH để hoàn thiện dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Về nội dung này, nhiều đại biểu cho rằng, cần tăng cường bảo vệ người lao động bằng cách giao thêm thẩm quyền, trách nhiệm cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, với mục tiêu cao nhất là bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người lao động làm việc ở nước ngoài và trở về nước an toàn.

Một số đại biểu cho rằng, hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, vì vậy cần tăng vốn điều lệ và tăng tiền ký quỹ. Để phù hợp với Luật Doanh nghiệp mới được QH thông qua, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) đề nghị sửa lại vốn điều lệ 10 tỷ đồng, không thấp hơn năm tỷ đồng, tiền ký quỹ không dưới ba tỷ đồng. Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) nêu thực trạng, một số điều kiện cấp phép hiện nay chưa chặt chẽ, dẫn tới tình trạng doanh nghiệp thành lập nhưng không hoạt động, có doanh nghiệp thực hiện không nghiêm túc chế độ thống kê, báo cáo theo quy định... Để quản lý tốt thì cần quy định chặt chẽ đầu vào và tăng cường kiểm tra, giám sát.

Bên cạnh đó, một số đại biểu cho rằng, nếu dự án Luật quy định cho phép người có kinh nghiệm hoạt động dịch vụ việc làm trên 5 năm được hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài sẽ có thể làm “nở rộ” dịch vụ này, khó kiểm soát chất lượng và dẫn tới những hệ quả không tốt đối với người lao động, chất lượng lao động… Vì vậy, nếu muốn cho phép thêm đối tượng được phép đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Ban soạn thảo nên nghiên cứu, bổ sung các yêu cầu chặt chẽ hơn. Nếu không, không nên mở quá rộng đối tượng làm dịch vụ bởi thực tế cho thấy, có những đơn vị không đủ điều kiện, năng lực khi thực hiện dịch vụ này đã dẫn đến tình trạng người lao động bỏ trốn, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh người Việt Nam.

Đại biểu Đinh Công Sỹ (Sơn La) và một số đại biểu nêu ý kiến: Mặc dù, Chính phủ đã có những chính sách ưu tiên, chú trọng đưa người đi lao động ở nước ngoài đối với vùng, nhất là đối với các huyện nghèo với mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, giúp người lao động có điều kiện tiếp xúc và xây dựng tác phong lao động công nghiệp, thực tế cho thấy hiệu quả của các chương trình đi lao động ở nước ngoài cho thanh niên vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế và hiệu quả chưa cao. Đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục quan tâm tăng cường công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin kỹ lưỡng chương trình đào tạo, định hướng nghề nghiệp và lựa chọn lĩnh vực lao động phù hợp với người lao động ở vùng này; đồng thời tiếp tục có chính sách hỗ trợ thích đáng về tín dụng để giúp người lao động là người dân tộc thiểu số đủ tự tin khi tham gia lao động tại thị trường lao động nước ngoài...

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top