Ðại Thủy nông Nậm Rốm

Bản hùng ca bất diệt

08:53 - Thứ Năm, 09/07/2020 Lượt xem: 7522 In bài viết

ĐBP - Gần 6 thập kỷ đi qua, lớp lớp thanh niên xung phong (TNXP) từ khắp mọi miền Tổ quốc, những người đặt “nền móng” cho công trình Ðại Thủy nông Nậm Rốm nay người còn, người mất, có những người vĩnh viễn ở lại tuổi hai mươi..! Nhưng dấu ấn Ðại Thủy nông Nậm Rốm không những trường tồn trong “ký ức hoa lửa” của biết bao thế hệ TNXP mà còn là công trình huyết mạch, là “mạch sống” không thể thiếu cho sản xuất nông nghiệp vùng lòng chảo Ðiện Biên.

Cựu TNXP gặp gỡ, ôn lại truyền thống hào hùng của lực lượng TNXP Ðại Thủy nông Nậm Rốm.

Sau ngày giải phóng, để dựng xây và kiến thiết, khắc phục hậu quả nặng nề do chiến tranh để lại, năm 1963 nhân dân các dân tộc đón hơn 2.000 cán bộ, đội viên lên với tỉnh Lai Châu (cũ) nay là tỉnh Ðiện Biên. Họ gồm hơn 800 người thuộc lực lượng “Thanh niên tháng 8 Thủ đô” và thanh niên nhiều tỉnh miền xuôi: Thái Bình, Nghệ An, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Nam Ðịnh, Thanh Hóa... với sứ mệnh “Chân đất, tay thô, xẻ dọc núi đồi” gấp rút hoàn thành công trình Ðại Thủy nông Nậm Rốm để tạo nên “mạch sống” cho cánh đồng Mường Thanh.

Ngày ấy, khi tuổi đời vừa tròn mười tám, nghe theo tiếng gọi của Ðảng, Bác Hồ, TNXP Nguyễn Duy Khang (tổ dân phố 8, phường Nam Thanh, TP. Ðiện Biên Phủ) đã tình nguyện rời xa Thủ đô hoa lệ lên với Ðiện Biên hoang vu, diệu vợi để xẻ đồi, đắp đập làm nên Ðại Thủy nông Nậm Rốm. Bồi hồi nhớ lại chuyện xưa, ông Nguyễn Duy Khang chậm rãi kể lại: Cùng với đoàn “Thanh niên tháng 8 Thủ đô” năm 1963 tôi đặt chân đến Ðiện Biên vào những ngày đầu khởi công Ðại Thủy nông Nậm Rốm. Khi đó, tôi được phân công về Phòng Cung ứng vật tư xây dựng (Ðại Thủy nông Nậm Rốm). Vững tay lái trên những xe “mô nô”, “Din 3 cầu”... chúng tôi đã vượt qua mưa bom, bão đạn băng băng qua các ngọn đồi, khe suối chở hàng an toàn (cát, xi măng, sỏi đá...) từ Mường Ảng, Tây Trang, Pắc Nậm... đến chân công trình, xây dựng đập tràn bê tông dài 60m, cao 9,5m và hai tuyến kênh chính tả - hữu. Ngày ấy, cánh lái xe chúng tôi cũng phải vượt qua muôn vàn khó khăn từ thiên nhiên khắc nghiệt “ruồi vàng, bọ chó, gió Tây Trang...” và những trận sốt rét núi rừng hoành hành. Có những ngày xe hỏng giữa rừng, cả người và xe phải nằm lại chịu cảnh ăn không đủ no, nước không đủ uống, ăn ngô thay cơm triền miên. Gian khó là vậy, nhưng chúng tôi ai nấy vẫn bền gan, vững chí như người lính chẳng rời trận địa; mệt nhưng hăng say, yêu đời lắm! Anh hò, chị hát để át đi những vất vả, khổ cực. 

Là lớp TNXP thứ hai bổ sung cho công trường Ðại Thủy nông Nậm Rốm, ông Trần Công Chính (hiện là Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh) không bao giờ quên những ngày tháng cùng với đồng đội trên công trường. Với biệt danh Chính “trâu”, ngày ấy, mỗi lần ông có thể gánh sọt đất nặng tới 100kg để đào, đắp kênh. Ông Chính hồi tưởng: “Lúc rời quê hương lên với Ðiện Biên, chúng tôi hồ hởi lắm! Khi lên đây mới thấy cuộc sống khó khăn, vất vả. Chúng tôi được bố trí ăn, ở trong những lán trại dựng tạm bợ bằng tre, nứa. Khó khăn là vậy, nhưng với tinh thần sục sôi của tuổi trẻ, bản thân là Tổ trưởng tổ Lao động Xã hội chủ nghĩa tiêu biểu, ông Chính đã cùng với đồng đội hô vang khẩu hiệu “Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt”, “Giành cờ đỏ, bỏ cỏ xanh” hay “Ba bù: Bù ốm, bù mưa, bù phòng không”... vượt mức trên giao để trở thành tổ, đội xã hội chủ nghĩa. Cùng với đó là phong trào thi đua cải tiến công cụ nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả lao động. Tiêu biểu là việc làm cán xẻng khoằm để cào đất vào sọt, dùng bàn trang gỗ để san, gạt di chuyển đất... Nhờ đó mà năng suất lao động vượt từ 200 - 300%, đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Những năm tháng lao động xây dựng công trình Ðại Thủy nông Nậm Rốm cũng là lúc mà đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc ác liệt nhất. Chúng tôi vừa phải lao động, vừa phải bảo vệ vững chắc thành quả xây dựng, doanh trại sơ tán vào rừng tránh máy bay địch, ban đêm lại ra đào đắp, đổ bê tông... Ðặc biệt, để bảo vệ đập tràn đầu mối, lực lượng TNXP đã đưa ra sáng kiến cùng với bộ đội công binh, chặt tre dài khoảng 5m, buộc thành từng bó vừa người ôm, xếp chồng thành nhiều tầng cao từ 5 - 7m, chống bom Mỹ phá hại kết cấu bê tông, bề mặt đập đầu mối. Sau 7 năm (1963 - 1969) ròng rã thi công bằng sức người, trí tuệ và máu xương, đại công trình thủy nông Nậm Rốm (đập tràn bê tông dài 60m, cao 9,5m, rộng 11m, tuyến kênh chính dài 823m, kênh tả dài 15,017km, tuyến kênh hữu dài 18,051km, 100km kênh cấp II, 95 cống đầu kênh cấp II dẫn nước vào đồng ruộng) hoàn thành và đi vào hoạt động trong niềm vui khôn xiết của lớp lớp TNXP. “Mạch sống” được thông suốt, dòng nước tươi mát mang theo phù sa đổ về từng thửa ruộng vốn hoang hóa, khô cằn. Cả cánh đồng Mường Thanh như được đánh thức, bừng lên sức sống để đón những mùa vàng bội thu.

Vậy là gần 6 thập kỷ trôi qua, giờ đây công trình mang tầm vóc thế kỷ - Ðại Thủy nông Nậm Rốm, dấu mốc chói lọi của lực lượng TNXP vẫn ngày đêm đưa dòng chảy êm thuận tưới tiêu cho cánh đồng Mường Thanh, góp phần quan trọng vào công cuộc kiến thiết, dựng xây quê hương Ðiện Biên. Ông Nguyễn Văn Duyên, Chủ tịch Công ty TNHH Quản lý thủy nông Ðiện Biên chia sẻ: Có thể khẳng định, từ khi công trình Ðại thủy nông Nậm Rốm đi vào hoạt động đã là “mạch sống” giữ vị trí quan trọng đối với cánh đồng lớn nhất khu vực Tây Bắc này. Từ sản xuất 1 vụ lúa đến nay đã nâng lên 2 vụ lúa và cây trồng vụ đông, diện tích khu vực vùng lòng chảo Ðiện Biên được mở rộng lên trên 6.000 ha/năm, năng suất lúa tăng từ 20 tạ/ha lên trên 60 tạ/ha.

Trân trọng và gìn giữ những giá trị lịch sử mà lớp lớp TNXP đã ngã xuống để xây dựng và bảo vệ công trình Ðại Thủy nông Nậm Rốm, chúng tôi - những thế hệ trẻ nguyện tiếp tục quản lý, vận hành và khai thác hiệu quả công trình Ðại Thủy nông Nậm Rốm; tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện nghiêm quy trình vận hành, điều tiết nước trong và sau những mùa bão lũ. Ðặc biệt, chú trọng việc đầu tư, sửa chữa, nâng cấp, kiên cố hóa các công trình kênh mương và công tác khắc phục hậu quả sau lũ. Từ đó, phát huy hiệu suất tối đa của công trình, góp phần đảm bảo lượng nước tưới tiêu phục vụ nông dân; đặc biệt hun đúc nên một thương hiệu gạo Mường Trời.

Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top