Thực hiện dịch vụ công trực tuyến còn hạn chế

08:33 - Thứ Sáu, 10/07/2020 Lượt xem: 8322 In bài viết

ĐBP - Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông, đến nay đã có gần 3.800 tài khoản kết nối, quan tâm đến Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh đã cung cấp thủ tục hành chính của các cơ quan Nhà nước từ tỉnh đến xã với tổng số 1.488 thủ tục; trong đó 254 thủ tục ở mức độ 3 và 95 thủ tục ở mức độ 4. Tuy nhiên, qua theo dõi hồ sơ trực tuyến mức độ 3 và 4 phát sinh trên Cổng dịch vụ công, tỷ lệ trễ hạn, quá hạn còn cao. Ðiển hình tại huyện Mường Nhé, từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận 544 hồ sơ phát sinh qua Cổng dịch vụ công trực tuyến. Song mới có 50 hồ sơ được giải quyết đúng và sớm hơn so với thời hạn; 20 hồ sơ chưa đến hạn; 431 hồ sơ trễ hạn; 32 hồ sơ quá hạn và 1 hồ sơ dừng xử lý. Hồ sơ tiếp nhận trực tuyến chủ yếu thuộc lĩnh vực thành lập và hoạt động của hộ kinh doanh, thi đua khen thưởng, tư pháp, hộ tịch, y tế. Nguyên nhân trễ, quá hạn do trang tin điện tử của huyện chưa kết nối liên thông với Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh nên việc cung cấp đầy đủ các dịch vụ công trực tuyến đến cán bộ, công chức, người dân còn hạn chế.

Tâm lý e ngại, sợ thất lạc hồ sơ khiến nhiều người chưa sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Trong ảnh: Người dân xã Mường Nhà, huyện Ðiện Biên làm thủ tục hành chính tại bộ phận “Một cửa” UBND xã.

Từ đầu năm đến thời điểm ngày 7/7, toàn tỉnh đã tiếp nhận 37.541 hồ sơ qua cổng dịch vụ công trực tuyến, đã xử lý đúng hạn đạt 80,84%. Hiện nay vẫn còn nhiều cơ quan đơn vị, đặc biệt là cấp xã chưa thực hiện nghiêm túc việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính qua cổng dịch vụ công trực tuyến; số lượng hồ sơ mức độ 3, 4 còn thấp. Nguyên nhân số lượng hồ sơ còn thấp chủ yếu là do nhiều người dân và doanh nghiệp chưa biết hoặc chưa thực sự quan tâm nhiều đến các dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan Nhà nước. Mặt khác, do thói quen dùng giấy tờ, trình độ và điều kiện sử dụng thiết bị công nghệ thông tin của người dân còn nhiều hạn chế (đặc biệt là khu vực nông thôn), tâm lý còn lo ngại về sự mất an toàn thông tin khi sử dụng dịch vụ trực tuyến... Trong các cuộc khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng người sử dụng dịch vụ công, khi được hỏi về việc nộp hồ sơ trực tuyến còn ít, đa số tổ chức, công dân cho biết họ luôn có tâm lý e ngại, sợ thất lạc hồ sơ khi gửi qua mạng, không yên tâm như nộp trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Mặt khác, do dữ liệu thông tin liên quan đến thủ tục hành chính được cung cấp ở mức độ 3 và 4 trên website của các địa phương, đơn vị còn thiếu, cập nhật chưa đầy đủ, khó tra cứu, khó sử dụng; hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ.

Ðể thúc đẩy quá trình sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 cần tăng cường tuyên truyền về lợi ích, hiệu quả người dân, doanh nghiệp sẽ được thụ hưởng khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Thường xuyên rà soát, cập nhật kịp thời các thủ tục hành chính thuộc cơ quan, đơn vị quản lý lên cổng dịch vụ công của tỉnh; đồng thời rà soát, lựa chọn các thủ tục hành chính lên dịch vụ công mức độ 3 và 4 (ngoài các dịch vụ công trực tuyến đã được cấu hình theo quy định bắt buộc). Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị Nhà nước cần quán triệt đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu thực hiện sử dụng dịch vụ công trực tuyến khi giải quyết thủ tục hành chính cũng như giới thiệu, hướng dẫn cho người thân cùng thực hiện. Các cấp chính quyền quan tâm đầu tư trang thiết bị cần thiết tại bộ phận “Một cửa” cấp huyện, xã để người dân, doanh nghiệp có thể thao tác, sử dụng việc nộp hồ sơ thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến của các ngành, địa phương; lấy kết quả triển khai dịch vụ công trực tuyến làm tiêu chí đánh giá, bình xét thi đua khen thưởng...

Bài, ảnh: Thu Phương
Bình luận
Back To Top