SINH HOẠT TƯ TƯỞNG

 “Chính sách trên trời, cuộc đời dưới đất”

09:56 - Thứ Tư, 29/07/2020 Lượt xem: 5118 In bài viết

ĐBP - Tại Nghị quyết hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đã chỉ ra 9 biểu hiện suy thoái đạo đức lối sống. Trong số đó, biểu hiện quan liêu, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình... được chỉ ra rất rõ. Song thực tế, nhiều cán bộ vẫn còn mắc những lỗi này, thậm chí là để sai sót thành dây chuyền; làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào sự nghiêm túc, minh bạch trong thực hiện chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước. 

Xã Y. thuộc địa bàn vùng cao, vùng sâu có diện tích rộng, là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Với mặt bằng dân trí chưa cao, chưa đồng đều; việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất của người dân còn kém. Vì chưa biết cách cải tạo, bổ sung dinh dưỡng trong đất để canh tác thường xuyên, nhiều hộ sau mấy mùa trồng ngô, sắn lại bỏ không cho đất nghỉ, rồi vài năm sau trở lại gieo trồng. Cũng có nhiều trường hợp, đồng bào bỏ nương đi làm thuê, đi xuất khẩu lao động... Gần đây, vấn đề nảy sinh khi một số trường hợp sau khi trở lại phát nương cũ của gia đình thì bị chính quyền bản yêu cầu dừng, thậm chí lập biên bản để xử lý vì đã xâm hại đến đất rừng nằm trong quy hoạch...

Sau khi tìm hiểu ngọn ngành thì thấy rằng, vấn đề phát sinh từ nhiều phía. Thực tế là, đất nương dù trước đó là đất canh tác của dân, nhưng sau thời gian dài bỏ hoang thì nay đã thành rừng tái sinh. Và theo quy hoạch gần nhất, diện tích này đã được đưa vào diện khoanh nuôi bảo vệ rừng. Bên cạnh câu chuyện phải làm gì để giúp dân nâng cao trình độ, nhận thức, ổn định sản xuất, từ đó có chất lượng đời sống tốt hơn; cũng cần phải xem lại trách nhiệm của cán bộ. Nếu cán bộ thực sự sâu sát cơ sở, có kiểm tra, giám sát... thì việc tham mưu chắc chắn đã “chuẩn” hơn. Sẽ không có chuyện quy hoạch “trên giấy”, xa rời thực địa. Cũng sẽ không có tình trạng cán bộ cơ sở lương không quên nhận, nhưng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thì... sơ suất chưa triển khai. Rồi “cái sảy nảy cái ung” dẫn đến các tình huống phức tạp: Một số người dân thực sự vì không biết chủ trương, chính sách nên vô tình xâm hại rừng, xảy ra xô xát, song nó cũng là cơ hội cho một số đối tượng, dù biết vẫn cố tình làm sai; thậm chí là kẽ hở để các phần tử xấu xúi giục, kích động gây mất đoàn kết...

Để không có tình trạng “chính sách trên trời, cuộc đời dưới đất”, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII dù đã góp phần làm thay đổi mạnh mẽ về tư tưởng, nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên, song vẫn cần thực hiện nghiêm túc hơn nữa, gắn vào vai trò, trách nhiệm cụ thể của từng cán bộ, đảng viên.

Thảo Vi
Bình luận
Back To Top