Thành công nhờ sự đồng thuận cao

09:58 - Thứ Tư, 29/07/2020 Lượt xem: 5792 In bài viết

ĐBP - Trước khi tiến hành sáp nhập thôn, bản, tổ dân phố, đơn vị sự nghiệp huyện Tủa Chùa có 143 thôn, bản, tổ dân phố; 6 đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND huyện, 1 đơn vị trực thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường, 42 đơn vị trường học trực thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện.

Một cuộc họp dân triển khai các nhiệm vụ của thôn Pằng Dề B, xã Xá Nhè (huyện Tủa Chùa). Ảnh: Lan Phương

Ông Vũ Đức Biểu, Trưởng phòng Nội vụ huyện Tủa Chùa cho biết: Khi mới triển khai sáp nhập, huyện gặp một số vướng mắc như: Một số thôn có quy mô số hộ nhỏ hơn 50% tiêu chí nhưng không thể sáp nhập với thôn khác do ở vùng sâu, vùng xa có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn; hoặc là cụm dân cư biệt lập. Ngoài ra còn liên quan đến yếu tố dòng họ, tôn giáo; sự khác nhau về văn hóa, phong tục, tập quán giữa các dân tộc. Các thôn, bản sau khi sáp nhập có địa bàn rộng, dân cư phân bố không tập trung nên việc quản lý, sinh hoạt, hội họp cũng gặp nhiều khó khăn. Việc sắp xếp lại cơ sở vật chất thôn, bản sau khi sáp nhập (ví dụ như nhà văn hóa thôn); phân chia rừng, tài nguyên, đất đai sau khi sáp nhập đảm bảo hài hòa giữa các hộ gia đình, cụm dân cư; sắp xếp lại bộ máy tổ chức của thôn, bản đảm bảo cân đối giữa các cụm dân cư, giữa các dân tộc là những việc không đơn giản. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, thời gian đầu cũng gặp những khó khăn nhất định, chủ yếu liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị. Do hệ thống văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan và các cấp chưa rõ ràng, cụ thể và đầy đủ nên tạm thời chỉ dừng lại ở việc gộp chức năng, nhiệm vụ hiện có của các đơn vị. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ hiện vẫn còn một số nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý Nhà nước dẫn đến một số nhiệm vụ chồng chéo với các cơ quan chuyên môn nhưng có những phát sinh do yêu cầu công việc và xã hội thì lại chưa có văn bản hướng dẫn.

Trước thực tế như vậy, giải pháp đầu tiên huyện chú trọng triển khai là công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng nghị quyết, kế hoạch, các chương trình hành động thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả. Đồng thời rà soát, bố trí quy hoạch đội ngũ cán bộ, công chức, thực hiện tinh giản hợp lý, đúng với quy định; xây dựng vị trí việc làm theo cơ cấu công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị; thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch. Phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, người có uy tín, già làng, trưởng dòng họ trong tuyên truyền và vận động nhân dân đồng thuận việc sáp nhập; giải quyết tốt việc sắp xếp đội ngũ cán bộ để đảm bảo hài hòa giữa nhân sự thôn, bản mới với đội ngũ cán bộ thôn bản đương nhiệm.

Đến nay huyện Tủa Chùa đã thực hiện sáp nhập bộ phận sự nghiệp văn hóa - thể thao thuộc Phòng Văn hóa và Thông tin huyện với Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện để thành lập Trung tâm Văn hóa - Truyền thanh - Truyền thông huyện; sáp nhập Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất và Tổ chức Phát triển quỹ đất để thành lập Trung tâm Quản lý đất đai huyện; sáp nhập Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư, Trạm Thú y và Trạm Bảo vệ thực vật huyện thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện; sáp nhập 9 đơn vị trường học để thành lập 5 đơn vị trường. Như vậy, số đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND huyện còn 5, giảm 1 so với trước; không còn đơn vị sự nghiệp trực thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường; số đơn vị trường học trực thuộc Phòng GD&ĐT huyện còn 37 (giảm 5 trường); tiến hành sáp nhập 46 thôn, bản thành 24 thôn, bản (giảm từ 143 thôn, bản, tổ dân phố xuống còn 121 thôn, bản, tổ dân phố).

Xá Nhè là một trong những xã thực hiện tốt việc sáp nhập thôn, bản. Ông Lờ A Tráng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã Xá Nhè có địa bàn rộng, dân cư không tập trung. Trước đây xã có 15 thôn, bản sau khi sáp nhập còn 12 thôn, bản. Nên sau khi sáp nhập công tác quản lý chung, tổ chức các cuộc họp tập trung để đông đủ các thành phần, người dân gặp nhiều khó khăn. Về mặt nhân sự thì nhiều đồng chí không muốn nghỉ. Tuy nhiên, qua thực hiện tuyên truyền, vận động để người dân nắm được chủ trương chung của Nhà nước, bước đầu nhân dân ủng hộ và thực hiện tốt công tác sáp nhập. Đối với tổ chức bộ máy thôn, bản thì ưu tiên nhân sự do người dân bầu, người dân tín nhiệm ai thì bầu cho người đó. Các bước thực hiện sáp nhập đều được cấp ủy, chính quyền xã thực hiện công khai, dân chủ, lắng nghe ý kiến của người dân. Nhờ vậy, việc sáp nhập thôn, bản và tổ chức, sắp xếp lại bộ máy tại thôn, bản trên địa bàn diễn ra thuận lợi, nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của nhân dân. Tuy nhiên sau khi sáp nhập, một số khó khăn hiện nay là thôn, bản chỉ còn 3 chức danh là trưởng thôn, bí thư và trưởng ban công tác mặt trận được hưởng phụ cấp theo quy định nên mọi hoạt động đều dồn lên vai 3 người này. Những tổ chức đoàn thể khác tuy vẫn có chức danh nhưng không có phụ cấp hoạt động nên còn có vướng mắc.

Lan Phương
Bình luận
Back To Top