Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:

Quyết liệt phòng chống dịch ở thời kỳ cao điểm

14:49 - Thứ Sáu, 07/08/2020 Lượt xem: 5948 In bài viết

Sáng 7-8, tại Trụ sở Chính phủ, Thường trực Chính phủ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc họp trực tuyến với các bộ, ngành, cơ quan T.Ư; các địa phương có ca nhiễm về công tác phòng, chống dịch (PCD) Covid-19. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp.

Phát biểu ý kiến mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chúng ta đang ở thời điểm bắt đầu thời kỳ cao điểm của làn sóng dịch Covid-19 giai đoạn 2; số ca nhiễm, người tử vong, địa phương có ca nhiễm đang tăng. Tuy nhiên, chúng ta cần bình tĩnh lắng nghe các dự báo từ Ban Chỉ đạo quốc gia PCD Covid-19, từ đó đưa ra giải pháp tốt hơn nữa, yêu cầu tốt hơn để phục vụ PCD kịp thời hơn nữa; huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, vật lực để PCD tốt nhất, nhất là những trung tâm dịch được xác định là Đà Nẵng, tiếp theo là Quảng Nam.

Vấn đề quan trọng là làm sao máy móc, thiết bị, sinh phẩm chống dịch không được thiếu thốn; nguồn nhân lực, nhất là các chiến sĩ áo trắng có thể có mặt kịp thời hơn, tập trung hơn.

Thường trực Chính phủ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc họp trực tuyến với các bộ, ngành, cơ quan T.Ư; các địa phương có ca nhiễm về công tác phòng, chống dịch (PCD) Covid-19.

Chúng ta cần thảo luận để những thiết bị hay phương tiện nào phổ cập hơn đến với người dân, để người dân cảnh giác, thực hiện nghiêm các biện pháp PCD, ứng dụng những công nghệ phổ cập để đạt hiệu quả cao hơn. Một tinh thần quyết liệt, không chủ quan, lơ là. Địa phương, ngành nào lơ là, không thực hiện quyết liệt các chỉ đạo sẽ bị xử lý nghiêm. Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các địa phương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ trong công tác PCD.

Thủ tướng cũng đặt yêu cầu, Thường trực Chính phủ muốn nghe phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT an toàn nhất, tốt nhất, bảo đảm không lây nhiễm đối với thí sinh, người nhà, giáo viên. Kỳ thi đã cận kề, công tác tổ chức đã được thực hiện nhiều khâu. Vai trò của các địa phương, trách nhiệm chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế trong công tác này là hết sức quan trọng.

Tuần cao điểm được xác định là những ngày tới, do đó chúng ta phải đồng tâm hiệp lực, giảm thiểu số người tử vong. Chưa bao giờ, ngành y tế đứng trước thử thách to lớn như thế này, nhất là hệ thống y tế cơ sở. Hà Nội, TP Hồ Chí Minh là địa bàn quá đông dân cư, cho nên phải đặt ra những phương án, có giải pháp mạnh trong PCD.

* Tại cuộc họp, Bộ Y tế kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư khẩn trương, tăng tốc hơn nữa thực hiện việc truy vết các trường hợp đi về từ TP Đà Nẵng từ ngày 1-7 và các địa điểm có nguy cơ lây nhiễm cao, theo các thông báo khẩn của Bộ Y tế, các trường hợp tiếp xúc gần với các trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh, tiến hành ngay việc cách ly y tế phù hợp quy định, lấy mẫu thực hiện xét nghiệm và giám sát chặt chẽ tình hình sức khỏe. Đẩy mạnh việc mở rộng năng lực thực hiện xét nghiệm, tăng công suất xét nghiệm, huy động các cơ sở y tế có khả năng, thực hiện xét nghiệm bao gồm cả các cơ sở y tế tư nhân để triển khai xét nghiệm trên diện rộng, thực hiện việc thanh toán BHYT cho xét nghiệm Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam.

Các địa phương chủ động xây dựng kịch bản đáp ứng dịch; tập huấn cho cán bộ y tế; chuẩn bị sẵn sàng về vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm để thực hiện tốt công tác khoanh vùng, xử lý ổ dịch, thu dung, điều trị bệnh nhân trong trường hợp phát hiện ca bệnh trên địa bàn. 

Chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, vật tư, trang thiết bị bảo đảm cho việc thu dung, điều trị các trường hợp mắc bệnh; tăng cường công tác quản lý nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế, phân luồng, phân tuyến, bảo đảm người đến khám và nhân viên y tế thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch; không để xảy ra lây nhiễm tại các khoa điều trị bệnh nhân nặng, bệnh nhân mắc bệnh mãn tính; thực hiện điều trị hiệu quả và tăng cường phối hợp, trao đổi chuyên môn kỹ thuật giữa các tuyến trong việc điều trị bệnh nhân Covid-19.

Chuẩn bị nhân lực y tế bảo đảm đầy đủ cho công tác PCD bao gồm cả việc huy động sinh viên các Trường đại học Y, cán bộ y tế đã nghỉ hưu và phối hợp hỗ trợ nhân lực giữa các tuyên, các địa phương... 

Tăng cường năng lực, thành lập các tổ, đội giám sát cách ly, theo dõi sức khỏe người dân tại cộng đồng, giao trách nhiệm phụ trách các hộ dân trên địa bàn. Giao chính quyền cơ sở tổ chức giám sát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp PCD tại từng khu phố, từng hộ gia đình, thành lập các tổ PCD dựa vào cộng đồng; phối hợp các lực lượng công an, y tế thực hiện phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" với tất cả các trường hợp có nguy cơ mắc bệnh, không để lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Chính quyền địa phương phối hợp y tế cơ sở lập danh sách theo dõi, quản lý sức khoẻ các đối tượng có nguy cơ cao bao gồm người cao tuổi, người có bệnh mãn tính, người yếu thế. 

Bộ Y tế cũng cho biết, hiện nay, nhu cầu hóa chất, vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm… để PCD là rất cấp bách. Tuy nhiên, một số địa phương, đơn vị có tâm lý e ngại, chưa thực hiện đầy đủ việc mua sắm.  Do đó, Bộ Y tế đề nghị: 

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chủ động quyết định theo thẩm quyền các hình thức mua sắm phù hợp nhằm đáp ứng nhanh nhất có thể hàng hóa phục vụ PCD tại địa phương, trong đó có chỉ định thầu, mua sắm trực tiếp, chào hàng cạnh tranh qua mạng, không để xảy ra tình trạng thiếu vật tư, trang thiết bị, hóa chất, sinh phẩm… Về xây dựng giá gói thầu, đề nghị tham khảo kết quả đấu thầu đã đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Y tế để khẩn trương thực hiện mua sắm. 

Về việc tổ chức mua sắm đối với một số hàng hóa PCD, nếu thực hiện theo các hình thức lựa chọn nhà thầu hiện hành là chưa phù hợp, không đáp ứng tính cấp bách của công tác PCD. Bộ Y tế xin ý kiến Thủ tưởng Chính phủ cho phép thực hiện một số cơ chế, hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt (đàm phán giá, chào hàng cạnh tranh/chào hàng cạnh tranh qua mạng không quy định hạn mức, yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu...). Bộ Y tế sẽ phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất. 

Về xuất cấp hàng hóa, Bộ Y tế đề nghị được chủ động xuất cấp một số vật tư, trang thiết bị, hóa chất, sinh phẩm... (nguồn mua dự phòng, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước) cho các địa phương, đơn vị có nhu cầu. Các thủ tục điều chuyển tài sản theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công sẽ được thực hiện sau. 

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top