Tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Tám

08:55 - Thứ Tư, 19/08/2020 Lượt xem: 8188 In bài viết

ĐBP - Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thắng lợi là một trong những trang chói lọi nhất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm mấy nghìn năm của dân tộc ta. Thắng lợi đó có ý nghĩa vô giá không chỉ đối với cách mạng Việt Nam mà còn mang tầm vóc thời đại; không chỉ đối với trước kia mà hiện nay và mãi mãi sau này.

Cuộc mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19/8/1945. Ảnh tư liệu

Thắng lợi của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám đã đã chứng minh một chân lý: Một dân tộc dù nhỏ bé nhưng biết đoàn kết một lòng, kiên cường, buất khuất và có đường lối đúng đắn, sáng tạo của một Đảng chân chính sẽ giành thắng lợi trước bất kỳ kẻ thù xâm lược nào, cho dù chúng lớn mạnh đến đâu.

Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính lật đổ Pháp trên toàn cõi Đông Dương, nhân dân Việt Nam phải chịu cảnh “một cổ hai tròng”. Đảng ta mới 15 tuổi, quân đội mới ra đời chưa tròn một năm, lực lượng chủ yếu từ các đội Tự vệ đỏ, Xích vệ đỏ từ trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931 và cuộc vận động dân chủ 1936 - 1939… Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nhất tề đứng lên đập tan bộ máy của giai cấp thống trị, giành chính quyền về tay nhân dân. Sự nổi dậy của toàn dân tộc trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám là một minh chứng sinh động cho tinh thần yêu nước, ý chí tự hào, tự tôn của dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam được hun đúc suốt tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc; khẳng định sức mạnh to lớn của  dân tộc trước kẻ thù xâm lược.

Sở dĩ Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 quy tụ được sức mạnh toàn dân, tiến hành cách mạng thành công là bởi Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có quan điểm và đường lối cách mạng đúng đắn, sáng suốt ngay từ đầu; điều này đã được xác định từ trong Cương lĩnh Chính trị của Đảng tháng 10/1930, tiếp đó là các Nghị quyết của Đảng trong suốt thời kỳ 1930 - 1945, tất cả đều thể hiện rõ phương pháp cách mạng đúng đắn. Đặc biệt là tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước, ý chí toàn dân tộc đã được Đảng ta phát huy cao độ lên tầm cao mới. Đây là yếu tố có ý nghĩa quyết định nhất dẫn đến thành công của Cách mạng Tháng Tám. Do biết phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nên ngay trong những ngày đầu tháng Tám năm 1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào (Tuyên Quang) đã quyết định phát động toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Tiếp đó, tại Đại hội quốc dân họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự tham gia của đại biểu 3 miền Bắc, Trung, Nam, tất cả các đại biểu của các đảng phái chính trị, các đoàn thể nhân dân, đại biểu kiều bào, dân tộc, tôn giáo trong cả nước đều nhất trí rất cao chủ trương khởi nghĩa của Đảng; thông qua lệnh Tổng khởi nghĩa và 10 chính sách lớn do Tổng bộ Việt minh khởi thảo, đồng thời cử ra Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

Hưởng ứng lời kêu gọi tổng khởi nghĩa của Việt Minh và lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công”, nhân dân cả nước từ nông thôn đến thành thị, từ Bắc chí Nam, từ miền xuôi đến miền ngược, không phân biệt già trẻ, trai gái, giai cấp, dân tộc, tôn giáo… triệu người như một, nhất tề đứng lên giành chính quyền trong cả nước. Như một dòng thác lớn, chỉ trong 15 ngày cuối tháng Tám năm 1945, cao trào cách mạng của quần chúng đã nhấn chìm và cuốn phăng cả ách thống trị của bọn thực dân, đế quốc cùng với bè lũ tay sai bán nước, lập nên chính quyền nhân dân trên cả nước.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một điển hình về nghệ thuật quy tụ sức mạnh toàn dân tộc rất sắc sảo và nhạy bén của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh; phát huy cao độ tinh thần, trí tuệ và truyền thống văn hoá Việt Nam. Từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lịch sử dân tộc đã sang trang mới, chấm dứt ách áp bức nô lệ của chủ nghĩa thực dân, phong kiến; thực sự làm chủ vận mệnh đất nước và chính bản thân mình; dân tộc Việt Nam sánh vai cùng các dân tộc trên thế giới với tư cách là dân tộc đi tiên phong trong đấu tranh cách mạng.

Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.

Từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, với ý nghĩa và tầm vóc lịch sử cùng những bài học kinh nghiệm vô cùng quý giá, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ suốt 30 năm, đánh thắng hai đế quốc lớn là Pháp và Mỹ, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, đưa nước Việt Nam lên một vị thế và tầm cao mới như hiện nay.

Đối với thế giới, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là dấu chấm hết, mở đầu thời kỳ tan rã không gì cứu vãn nổi của chủ nghĩa thực dân cũ, tạo nên làn sóng mạnh mẽ cổ vũ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc trên phạm vi toàn thế giới.

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, các dân tộc, thuộc địa và phụ thuộc trên thế giới đều phải chịu cảnh áp bức nô lệ với tư tưởng hoang mang, lo sợ trước sức mạnh của chủ nghĩa đế quốc, thực dân; chưa có bất kỳ một quốc gia, dân tộc nào trên thế giới dám đứng lên làm cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam đã tạo niềm tin, cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa trên khắp các lục địa Á, Phi, Mỹ Latinh vùng lên làm cách mạng. Thắng lợi của cách mạng ở các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc trên khắp thế giới đã thực sự làm thay đổi thế giới của các ông hoàng, bà chúa…, biến các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc thành các nước độc lập, tự do; thu hẹp trận địa của chủ nghĩa đế quốc, báo hiệu một sự sụp đổ không gì cứu vãn nổi của chủ nghĩa thực dân cũ và mới. Điều đó đã phản ánh sinh động tính chất của thời đại mới, mang lại những nhận thức mới và triệt để trong quan niệm cũng như trong giải pháp để giải quyết vấn đề độc lập dân tộc. Bên cạnh đó, Cách mạng Tháng Tám cũng đã làm sáng tỏ hàng loạt các luận điểm cơ bản của Học thuyết Mác - Lênin về phương pháp tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa.

Ngày nay, đất nước đang tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh cơ hội và thách thức đan xen. Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại đang không ngừng phát triển với những bước tiến nhảy vọt; cuộc đấu tranh giai cấp, dân tộc vẫn diễn ra gay gắt dưới nhiều hình thức; tình hình thế giới và khu vực đã và đang biến đổi sâu sắc, chứa đựng nhiều yếu tố khó lường nhiều vấn đề vượt ra ngoài dự báo; các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình” với nhiều thủ đoạn tinh vi, thâm độc mới. Không chỉ xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các thế lực thù địch còn gây chia rẽ, tạo nên tình trạng đối đầu giữa các tầng lớp dân cư trong xã hội; việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc đang đứng trước những thách thức lớn… Ôn lại Cách mạng Tháng Tám, chúng ta nhận thức được rằng, nhiều bài học cũng như tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị. Trong đó, bài học về xây dựng Đảng, về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại… vẫn còn nguyên giá trị và cần phải được kế thừa và phát huy và nâng lên tầm cao mới.

Tình hình hiện nay đòi hỏi Đảng ta phải nâng cao hơn nữa cả tầm trí tuệ và bản lĩnh để luôn có những quyết sách đúng đắn, sáng suốt, kiên định lãnh đạo toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng ta cần phải thấm nhuần sâu sắc hơn nữa lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là làm cho Đảng ta thực sự trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân; chỉ đạo thực chất, thực hiện thực chất, có hiệu quả các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về “Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay” và Chỉ thị 03/CT-TW, Chỉ thị 05/CT-TW của Bộ Chính trị.

Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều quyết sách quan trọng, đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc vẫn được phát huy cao độ.

Trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực diễn biến phức tạp, Đảng ta luôn đặt cách mạng Việt Nam gắn liền với cách mạng thế giới, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ quốc tế; đề cao tinh thần độc lập tự chủ, tránh lệ thuộc; đặc biệt là phải hết sức tỉnh táo, linh hoạt, tranh thủ thời cơ, tránh nguy cơ, có hình thức và biện pháp thích hợp trong giải quyết các vấn đề tranh chấp, bất đồng. Bài học này đã được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng rất thành công trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã phát huy được vai trò của nhân tố đoàn kết sức mạnh của dân tộc. Ngày nay, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc lại được Đảng ta phát huy lên tầm cao mới. Trước những khó khăn, thách thức mới, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu giành được nhiều những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, giữ vững ổn định chính trị; kinh tế  - xã hội có bước chuyển biến tích cực; quốc phòng, an ninh được tăng cường; quan hệ đối ngoại tiếp tục được mở rộng; hệ thống chính trị được củng cố; dân chủ xã hội được phát huy. Có thể khẳng định rằng, những thành tựu đó là kết quả của truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng, được hun đúc từ nghìn năm, từng được thử lửa và ngày càng được phát huy cao độ trong thời đại mới.

Kỷ niệm 75 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2020), mỗi chúng ta có quyền tự hào về tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của mốc son chói lọi đó, song lại càng khắc ghi bài học “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”; phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; “tận dụng thời cơ và nắm bắt thời cơ; chăm lo xây dựng Đảng vững mạnh về mọi mặt”… Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc cũng có nghĩa là tăng cường liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức; đồng thời làm cho toàn dân tộc nhận thức sâu sắc việc củng cố, bảo vệ chính quyền, bảo vệ thành quả cách mạng là quyền lợi và trách nhiệm, là ý chí và tình cảm của mọi giai cấp, tầng lớp nhân dân.

T.K (tổng hợp)
Bình luận
Back To Top