Nỗ lực xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh

09:03 - Thứ Tư, 19/08/2020 Lượt xem: 6135 In bài viết

ĐBP - Phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, những năm qua, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã thẳng thắn nhìn nhận thực trạng, đề ra những giải pháp, kế hoạch phù hợp, nỗ lực xây dựng chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh. Qua đó hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành được nâng cao; ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức chuyển biến tích cực.

Cán bộ bộ phận “Một cửa” huyện Điện Biên Đông giải quyết hồ sơ, giấy tờ cho người dân. Ảnh: Văn Tâm

Để thực hiện tốt công tác xây dựng chính quyền vững mạnh, huyện Điện Biên Đông đã triển khai đồng bộ các giải pháp như: Đổi mới phương pháp lãnh đạo, điều hành; nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy công quyền; đẩy mạnh cải cách nền hành chính Nhà nước trên tất cả các phương diện (thể chế, tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức và tài chính công)… Đặc biệt, huyện Điện Biên Đông xác định yếu tố quan trọng nhất trong công tác xây dựng chính quyền là việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Theo ông Bùi Ngọc La, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông, cán bộ, công chức, nhất là cán bộ cơ sở là những người gần dân, sát dân nhất nên người cán bộ, công chức mẫn cán trong công việc chuyên môn, có phẩm chất đạo đức, lối sống chuẩn mực, gương mẫu sẽ luôn được nhân dân tin tưởng, kính trọng. Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (cả về chuyên môn, ý thức trách nhiệm), huyện chú trọng công tác đào tạo, tập huấn. Hiện nay, toàn huyện có 35 cán bộ, công chức, viên chức có trình độ chuyên môn thạc sĩ; 1.161 cán bộ, công chức, viên chức có trình độ chuyên môn đại học… Trong 5 năm qua, huyện đã cử 429 người tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước; hơn 1.600 cán bộ, công chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị. Sau đào tạo, bồi dưỡng, cán bộ, công chức nhất là cán bộ cấp xã có sự chuyển biến tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần trách nhiệm cao trong công việc. 100% cán bộ, công chức cấp huyện thực hiện tốt quy chế văn hóa công sở, quy tắc ứng xử, quy chế tiếp dân; 100% các xã đạt mục tiêu về đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức… Cùng với đó, công tác cải cách hành chính đã có chuyển biến tích cực, nhất là công tác chỉ đạo, điều hành; nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức. Vì vậy, số lượng các xã, thị trấn đạt tiêu chuẩn chính quyền trong sạch, vững mạnh ngày càng nâng cao. Theo kết quả, đánh giá xếp loại chính quyền cơ sở năm 2019, huyện Điện Biên Đông có 9/14 xã, thị trấn đạt trong sạch, vững mạnh; 4 đơn vị xếp loại khá và 1 đơn vị xếp loại trung bình. Kết quả này cho thấy chuyển biến tích cực so với những năm trước (năm 2016 toàn huyện có 5 xã bị nhắc nhở và yêu cầu chấn chỉnh vì 2 năm liên tiếp xếp loại trung bình; năm 2017 có 10/14 xã, thị trấn bị xếp loại trung bình).

Tương tự, với nhiều giải pháp, huyện Mường Nhé đạt được nhiều kết quả trong công tác xây dựng chính quyền với 8/11 xã đạt trong sạch vững mạnh, 3 xã xếp loại khá và không có xã xếp loại trung bình, yếu kém. Để có được kết quả này, huyện Mường Nhé đã không ngừng tăng cường vai trò chỉ đạo của cấp ủy Đảng; sự giám sát chặt chẽ của ban, ngành, đoàn thể các cấp và nhân dân tham gia xây dựng chính quyền. Trong thực hiện nhiệm vụ, hàng năm huyện căn cứ xếp loại, đánh giá các năm trước để xác định nguyên nhân, hạn chế, từ đó khắc phục. Cụ thể, đối với các xã đạt trong sạch, vững mạnh thì xây dựng kế hoạch, tiếp tục phát huy; đối với các xã đánh giá từ mức khá trở xuống, xã bị phê bình, nhắc nhở hoặc có tiêu chí đạt điểm thấp thì làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, trách nhiệm của cá nhân lãnh đạo, cán bộ phụ trách lĩnh vực để đưa ra hướng khắc phục. Nếu năm sau không khắc phục được những hạn chế đó thì cán bộ, lãnh đạo có liên quan chịu trách nhiệm, không tín nhiệm, giới thiệu vào vị trí cao hơn. Nếu quá trình thực hiện nhiệm vụ mà cán bộ, công chức để xảy ra sai phạm, vi phạm kỷ luật, kỷ cương, trước hết Chủ tịch UBND cấp xã phải yêu cầu người vi phạm viết thư xin lỗi, kiểm điểm; đồng thời, 1 lãnh đạo xã trực tiếp cùng người vi phạm đến nhà dân để xin lỗi…

Điện Biên Đông, Mường Nhé là hai trong số những đơn vị đã đạt được một số kết quả tích cực trong đổi mới phương thức xây dựng chính quyền. Theo kết quả xếp loại, đánh giá năm 2019, toàn tỉnh có 18 xã xếp loại tốt; 105 xã đạt loại khá (tăng 16 xã so với năm 2018); 7 xã xếp loại trung bình (giảm 13 xã) và không có xã xếp loại yếu, kém; toàn tỉnh có 75/130 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn chính quyền cơ sở “trong sạch vững mạnh” (tăng 11 xã so với năm 2018). Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số huyện: Tủa Chùa, Mường Chà và Nậm Pồ có xã xếp loại trung bình liên tiếp từ 3 - 9 năm liên tục như: Tủa Thàng và Tả Phìn (huyện Tủa Chùa); Hừa Ngài (huyện Mường Chà); xã Nậm Nhừ (huyện Nậm Pồ).

Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, tồn tại, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, đặc biệt là các xã có nhiều năm liên tiếp xếp loại trung bình và bị phê bình, cần thực hiện ngay việc rà soát, đánh giá nguyên nhân đạt kết quả thấp để có biện pháp khắc phục; đồng thời xác định rõ trách nhiệm và tổ chức kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân có liên quan. Đối với lãnh đạo xã phụ trách lĩnh vực và công chức lĩnh vực có điểm đánh giá tiêu chí từ 9 điểm trở xuống phải làm biên bản kiểm điểm, làm cơ sở để theo dõi, đánh giá cán bộ, công chức cuối năm. Đồng thời, kịp thời thay thế những người kém năng lực, phẩm chất đạo đức, không đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn, không hoàn thành nhiệm vụ được giao; nếu kết quả đánh giá năm 2020 không chuyển biến tốt, yêu cầu không cơ cấu, quy hoạch, giới thiệu tái cử, ứng cử chức vụ cao hơn, đặc biệt đối với những người đứng đầu chính quyền các xã bị phê bình năm 2020, yêu cầu không giới thiệu tái cử nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Văn Tâm
Bình luận
Back To Top