Khoa học công nghệ là yếu tố trọng tâm trong phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS

12:59 - Thứ Tư, 26/08/2020 Lượt xem: 5895 In bài viết

ĐBP - Sáng nay (26/8), Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc Quốc hội do đồng chí Hà Ngọc Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc làm trưởng đoàn đã giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2011 - 2020 tại Điện Biên. Làm việc với đoàn có các đồng chí: Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Lò Văn Muôn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo UBND tỉnh và một số sở, ngành.

Đồng chí Hà Ngọc Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc phát biểu tại buổi làm việc.

Những năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tại tỉnh ta từng bước được đổi mới, số lượng đề tài, dự án tăng qua các năm; hiệu quả của hoạt động nghiên cứu ứng dụng được nâng lên, góp phần tạo chuyển biến về năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ... Giai đoạn 2011 - 2020, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện 129 đề tài, dự án (11 nhiệm vụ cấp bộ, cấp Nhà nước; 118 nhiệm vụ cấp tỉnh) với tổng kinh phí 115,322 tỷ đồng. Đội ngũ cán bộ hoạt động KH&CN có trình độ đại học, trên đại học phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng; tích cực học tập, nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào thực tiễn.

Trong giai đoạn 2011 - 2020, tỉnh Điện Biên được phê duyệt 8 nhiệm vụ thuộc chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn miền núi, vùng DTTS (gọi tắt là chương trình Nông thôn miền núi). Các dự án thuộc chương trình đã tập trung giải quyết 3 vấn đề: Chuyển giao và tiếp nhận công nghệ; đào tạo kỹ thuật viên, tập huấn cho nông dân; ứng dụng các công nghệ vào thực tiễn thông qua các mô hình ứng dụng...

Tại buổi làm việc, thành viên đoàn giám sát đề nghị làm rõ một số vấn đề trọng tâm, liên quan đến KH&CN, như: Đánh giá rõ hơn về sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc chuyển giao KH&CN; hiệu quả việc ứng dụng và chuyển giao KH&CN vào thực tiễn đời sống, đặc biệt đối với nông nghiệp nông thôn vùng đồng bào DTTS; việc bố trí ngân sách cho sự nghiệp KH&CN của tỉnh Điện Biên còn thấp; công tác chăm lo, phát triển đội ngũ cán bộ hoạt động trong lĩnh vực KH&CN...

Thông qua đoàn giám sát của Quốc hội, tỉnh kiến nghị Chính phủ, Bộ KH&CN tiếp tục kéo dài chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2016 - 2025 đến năm 2030; có chính sách thu hút, khuyến khích cán bộ KH&CN trình độ cao về công tác tại các tỉnh miền núi; tiếp tục cho tỉnh Điện Biên được triển khai, thụ hưởng các nhiệm vụ thuộc chương trình cấp bộ, cấp Nhà nước...

Đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Điện Biên trong việc triển khai thực hiện chính sách pháp luật về KH&CN; đặc biệt một số đề tài ứng dụng vào thực tiễn mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng chí Hà Ngọc Chiến đề nghị: Điện Biên cần xác định KH&CN là yếu tố trọng tâm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS; huy động sự tham gia của đội ngũ các nhà khoa học của các bộ, ngành Trung ương và địa phương; sớm ban hành quy định xác định nghiệp vụ KH&CN trên cơ sở đánh giá tổng kết 10 năm; xác định cây, con chủ lực, quy mô, thị trường đối với những cây trồng có hiệu quả. Đồng thời, bám sát các chương trình mục tiêu quốc gia xác định nhiệm vụ KH&CN; tăng cường nghiên cứu, khuyến khích việc chuyển giao khoa học kỹ thuật; đặc biệt là giải quyết các vấn đề về hạ tầng giao thông để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tin, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top