Nhớ Tết Độc lập xưa

09:03 - Thứ Năm, 27/08/2020 Lượt xem: 5878 In bài viết

ĐBP - Với đại đa số đồng bào các dân tộc Điện Biên, ngày Quốc khánh 2/9 được gọi là Tết Độc lập. Mà đã là tết thì đương nhiên phải là dịp vui trọng đại lắm! Trong những ngày đầu tháng 9, ký ức, cảm xúc về những ngày Tết Độc lập xưa lại ùa về…

Các đôi nam nữ cùng nhau ném pao - trò chơi truyền thống của đồng bào dân tộc Mông tại Sân hành lễ Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trong không khí đông vui của ngày Tết Độc lập. Ảnh: Bảo Anh

Trong trí nhớ của thế hệ chúng tôi - những người sinh ra trong hòa bình, ấm no, hạnh phúc, vào ngày Quốc khánh 2/9, TP. Điện Biên Phủ thường rực rỡ và lung linh trong sắc màu thổ cẩm. Váy xòe, mũ thêu và kết hạt lấp lánh trên trang phục cô gái Mông; áo cóm đủ màu, hàng cúc bạc xinh như những con bướm đậu trên áo các cô gái Thái… Tất cả những sắc màu đó đã tạo nên bức tranh sống động trong ngày trọng đại của đất nước, của dân tộc. Để vui chung với niềm vui của non sông, nhiều người ở xa thành phố đã phải dậy từ 4 - 5 giờ sáng, chuẩn bị cơm nước xong xuôi rồi mới xúng xính đi chơi tết. Mà cách chơi của họ cũng đơn giản lắm, chỉ cần đến thăm các điểm di tích lịch sử, ghé quán hàng ăn bát phở nóng hay tập trung bên những xe kem ốc quế rồi cả gia đình cùng chụp một tấm ảnh kỷ niệm ngày vui… Nhiều người khác lại cùng nhau ra gần Cảng Hàng không Điện Biên xem máy bay cất, hạ cánh trong niềm thích thú của con trẻ. Thậm chí nhiều người chỉ cần đến nơi, chứng kiến sự đổi thay của thành phố sau bấy nhiêu năm độc lập, hít một hơi tràn lồng ngực không khí của ngày hội rồi lại hối hả trở về nhà để ngày mai lại tiếp tục lao động sản xuất. Những niềm vui rất đỗi bình dị ấy đã mang đến không khí Tết Độc lập rộn ràng khắp phố núi Điện Biên Phủ mà cho đến bây giờ chúng tôi vẫn khó có thể quên được…

Sau này, có dịp đi nhiều nơi, chúng tôi mới biết không chỉ tại trung tâm thành phố mà hầu hết 10/10 huyện, thị, thành của tỉnh đều hân hoan chào đón ngày Tết Độc lập. Có dịp về xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo những ngày này, chúng tôi được chứng kiến sự háo hức, chờ mong của người dân nơi đây. Pú Nhung rực rỡ cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu… Những lá cờ đỏ sao vàng được treo ở vị trí trang trọng như để minh chứng cho tấm lòng kiên trung của những người con quê hương cách mạng với Tổ quốc. Người dân Pú Nhung thì vẫn cần cù, chịu khó như vậy, nhưng dường như mọi người đều khẩn trương hoàn thành những công việc thường ngày để dành trọn thời gian nghỉ ngơi, vui chơi trong ngày trọng đại của đất nước. Bồi hồi nhớ lại những ngày Tết Độc lập xưa, ông Vừ Sái Sùng, Bí thư Đảng ủy xã Pú Nhung chia sẻ: “Không biết người dân Pú Nhung bắt đầu đón Tết Độc lập từ khi nào nhưng từ lúc tôi còn nhỏ đã thấy vui và nhộn nhịp lắm. Vào ngày ấy, bà con đều tạm dừng các hoạt động sản xuất để nghỉ ngơi đi chơi tết. Bản trên, bản dưới ai ai cũng vui mừng, rủ nhau thịt trâu, thịt lợn ăn mừng. Già trẻ, trai gái trong bản ai cũng mong chờ đến ngày 2/9 để được diện những bộ quần áo đẹp, đi xuống trung tâm huyện (thị trấn Tuần Giáo ngày nay) chơi. Vì đường sá còn khó khăn, phương tiện chưa có nhiều nên chúng tôi thường hẹn nhau từ 3 - 4 giờ sáng rồi tập trung đi bộ ra trung tâm huyện. Ngày nay, cuộc sống đã có nhiều đổi thay, nhưng với đồng bào dân tộc Mông ở xã Pú Nhung, ngày Tết Độc lập vẫn là ngày lễ chính được đại đa số người dân mong chờ. Bây giờ điều kiện đã thuận lợi hơn, vào ngày Tết Độc lập không còn phải đi bộ nữa mà nhà nào cũng đã có xe máy, đường bê tông phẳng lỳ dễ dàng đưa bà con về trung tâm huyện. Không chỉ vậy, bà con cùng làm những món ăn ngon quen thuộc của dân tộc mình để con cháu quây quần, tụ họp, chúc mừng nhau. Đảng ủy, chính quyền xã cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao để bà con vui chơi, mừng ngày Tết độc lập”.

Cũng ngay tại huyện Tuần Giáo, ở những bản người Thái không khí chuẩn bị đón Tết Độc lập cũng nhộn nhịp, rộn ràng. Năm nay đã gần 80 tuổi, nhưng bà Lò Thị Piếng, bản Cản, xã Quài Cang vẫn không thể quên được ngày đón Tết Độc lập của nhiều năm về trước. Không rành rọt tiếng phổ thông, phải nhờ cháu gái phiên dịch giúp nhưng ánh mắt xúc động của bà khi nhắc tới Tết Độc lập thì chắc chắn không cần ngôn ngữ nào để diễn tả. Bà Piếng tâm sự: “Ngày xưa đời sống khó khăn lắm. Ngày Tết Độc lập luôn được bà con quý trọng. Trước ngày 2/9 khoảng 1 tháng, người người, nhà nhà trong bản đều cố gắng chắt chiu, dành dụm một khoản tiền, lương thực để đón ngày trọng đại này. Mọi người trong bản ai cũng gác lại công việc hàng ngày để nghỉ ngơi, vui chơi. Nhà nào có trâu, bò thì chung nhau mổ để cùng liên hoan, cùng say mừng ngày độc lập. Trẻ con được mặc quần áo mới, háo hức xuống chợ huyện chơi. Vào lúc ấy, dù gia đình có khó khăn đến đâu thì vào ngày Tết Độc lập cũng cố gắng để cả gia đình, nhất là các con được sung túc và đầm ấm. Trong suy nghĩ của chúng tôi, có được ngày Tết Độc lập phải cảm ơn những người con ưu tú của dân tộc đã hi sinh để đất nước được độc lập, tự do. Vì vậy, chúng tôi luôn nhớ đến ngày này, coi đó là một ngày trọng đại của gia đình, làng bản và của cả cộng đồng. Đón Tết Độc lập cũng là một cách dạy cho con cháu mình đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc”.

Đất nước ta đã trải qua một chặng đường dài với rất nhiều đổi thay tích cực. Cách mà người dân Điện Biên đón Tết Độc lập giờ đây phần nào cũng đã khác xưa. Hơn nữa, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngày Tết Độc lập năm nay có thể sẽ không được rộn ràng, nhộn nhịp như những năm trước để phòng chống dịch bệnh. Nhưng tôi tin chắc rằng, giá trị của ngày Tết Độc lập vẫn sẽ vẹn nguyên trong tâm khảm mỗi người dân Điện Biên như nhiều năm về trước…

Diệp Chi
Bình luận
Back To Top