Kẻ thù nào ta cũng thắng

09:06 - Thứ Ba, 01/09/2020 Lượt xem: 6398 In bài viết

Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Ðình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn Ðộc lập, tuyên bố nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Ðại diện Tổng bộ Việt Minh Nguyễn Lương Bằng đọc Lời hiệu triệu đồng bào cả nước đoàn kết chặt chẽ để bảo vệ Nhà nước Dân chủ - Cộng hòa. Và, vừa ra đời, chính quyền non trẻ của nhân dân ta đã phải đối diện những khó khăn chồng chất.

Ngày 2-9-1945, tại quảng trường Ba Ðình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Ðộc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh tư liệu

Nạn đói đã giết chết hai triệu đồng bào ta, đồng thời đe dọa sinh mệnh của hàng triệu đồng bào khác. Quân Anh được phái vào Nam Bộ tước vũ khí của quân Nhật lại giúp thực dân Pháp nổ súng, đánh chiếm nhiều công sở của chính quyền cách mạng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược từ ngày 23-9-1945. Ở ngoài bắc, 18 vạn quân Quốc dân Ðảng Trung Hoa, với danh nghĩa tước vũ khí của quân đội Nhật, đã đem theo bọn phản cách mạng người Việt có vũ trang để thực hiện âm mưu "tiêu diệt Ðảng Cộng sản", "phá tan Việt Minh" giúp bọn phản động trong nước lật đổ chính quyền nhân dân, để lập một chính quyền tay sai.

Thù trong giặc ngoài chưa đủ, tình hình tài chính quốc gia cũng đối mặt những vấn đề hết sức nghiêm trọng. Kho bạc Nhà nước bị vơ vét đến đáy; ngân khố Trung ương lúc bấy giờ chỉ còn một triệu hai trăm ba mươi nghìn bảy trăm hai mươi đồng (1.230.720), trong đó năm trăm tám mươi sáu nghìn tiền hào rách nát (586.000).

Ðứng trước tình thế "ngàn cân treo sợi tóc" đó, ngày 3-9, tức một ngày sau khi tuyên bố Ðộc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, đề ra sáu nhiệm vụ cấp bách nhằm chống "giặc đói, giặt dốt và giặc ngoại xâm".

Ðối với "giặc đói", Người đề nghị với Chính phủ và Mặt trận Việt Minh: Phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất; đồng thời mở một cuộc lạc quyên, "cứ 10 ngày một lần, mỗi người chúng ta nhịn ăn một bữa, gạo tiết kiệm được sẽ góp lại và phát cho người nghèo"; từng nhà có "hũ gạo cứu đói". Và Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: Người sẽ thực hiện trước làm gương.

Theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khắp nơi nhân dân góp gạo chống giặc đói. Ảnh tư liệu

Cùng với phong trào "ngành ngành tăng gia sản xuất", "người người tăng gia sản xuất", "tấc đất, tấc vàng", giữa tháng 9-1945, Chính phủ cũng phát động phong trào cứu đói với yêu cầu: Bất kỳ già, trẻ, gái, trai, bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ nếu có điều kiện đều phải trở thành một chiến sĩ trên mọi mặt trận chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm.

Tiếp đó, từ ngày 17 đến ngày 24-9, để xây dựng "Quỹ Ðộc lập", Chính phủ tổ chức "Tuần lễ vàng" ở Nhà hát Lớn Hà Nội, kêu gọi sự ủng hộ của toàn dân, nhất là tầng lớp thương gia. "Tuần lễ vàng" nhanh chóng lan rộng ra cả nước, được sự ủng hộ của toàn dân. Qua "Tuần lễ vàng", Quỹ Ðộc lập đã nhận được 370 kg vàng, 20 triệu đồng Ðông Dương và các hiện vật khác trị giá 7 triệu đồng Ðông Dương. Kết quả của "Tuần lễ vàng", như đánh giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh, "cho toàn thế giới biết rằng trong lúc chiến sĩ Việt Minh trên các mặt trận quyết hy sinh giọt máu cuối cùng để giữ vững nền tự do độc lập của nước nhà, thì đồng bào ở hậu phương, nhất là những nhà giàu có, cũng có thể hy sinh được chút Vàng để phụng sự Tổ quốc".

Nhờ cả nước một lòng, toàn dân chung sức theo những lời kêu gọi của Chính phủ, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Tổng bộ Việt Minh, chỉ một năm sau - ngày kỷ niệm một năm Ðộc lập 2-9-1946, Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã có thể đường hoàng tuyên bố "Cách mạng đã chiến thắng nạn đói: một kỳ công của chế độ dân chủ".

Trước "giặc dốt", hàng trăm nghìn lớp "Bình dân học vụ" mà ở đó người biết chữ dạy người chưa biết, người biết ít học người biết nhiều, nơi những cụ già ngồi cạnh các em bé, nơi các chị phụ nữ đang nuôi con cũng hóng lên bục giảng trong ánh đèn dầu… đã biến đổi và xóa đi tình trạng 95% dân số mù chữ trước Cách mạng Tháng Tám. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hết sức quan tâm, hết sức sát sao đến vấn đề này, bởi như Người đánh giá: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu". Nha Bình dân học vụ được thành lập ngay từ ngày 8-9-1945, và thậm chí đã có sắc lệnh SL-20 cưỡng bách học chữ quốc ngữ được ban hành chỉ vài ngày sau đó. Từ bắc chí nam, ngọn lửa học tập bùng lên.

Cuộc chiến của toàn dân chống "giặc đói", "giặc dốt" thắng lợi sau một năm ngắn ngủi phát động, trong tình thế cực kỳ khó khăn một lần nữa khẳng định chân lý: Ðại đoàn kết dân tộc là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta, là động lực cơ bản và là một yếu tố quyết định thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.

Nhờ tinh thần đoàn kết ấy, cơ sở ấy, nền tảng ấy, ngày 19-12-1946, nhân dân ta tự tin và hào hùng bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược với tinh thần: "Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ". Ðể rồi, tiến lên "Chín năm làm một Ðiện Biên/Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng!" (thơ Tố Hữu).

Ôn lại chuyện xưa để hiểu thêm chuyện hôm nay trong cuộc chiến sinh tử chống giặc Covid-19. Hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, của Ðoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Ðảng và Nhà nước, sự Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, các ngành, các cấp, các địa phương, cả hệ thống chính trị đã đoàn kết, thống nhất triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, đồng bộ, vừa ngăn ngừa, hạn chế tốc độ lây lan của dịch bệnh, vừa bảo đảm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an sinh, an toàn xã hội.

Phát huy truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc, thời gian qua, nhiều tổ chức, đơn vị, các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, toàn xã hội từ cháu nhỏ đến người cao tuổi ở mọi miền của Tổ quốc, với tinh thần chống dịch Covid-19 như chống giặc, với tình cảm và trách nhiệm với Tổ quốc - đồng bào… đã có những nghĩa cử cao đẹp bằng những việc làm cụ thể, những biện pháp sáng tạo tùy theo sức của mình, tích cực tham gia cùng Ðảng, Nhà nước, Mặt trận phòng, chống dịch Covid-19 thắng lợi đợt đầu, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm đời sống và sức khỏe của nhân dân, được thế giới ca ngợi và học hỏi kinh nghiệm.

Tin rằng, với sức mạnh "dời non, lấp biển" của một dân tộc anh hùng, đoàn kết chung quanh Ðảng Cộng sản đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cuộc chiến sinh tử chống giặc Covid-19 của nhân dân ta nhất định sẽ chiến thắng như đã từng chiến thắng giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm thời Cách mạng Tháng Tám vừa thành công, khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời.

NGUYỄN TÚC

Ủy viên Ðoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Theo Nhân dân
Bình luận
Back To Top