Bước chuyển mình ấn tượng

09:44 - Thứ Tư, 02/09/2020 Lượt xem: 6028 In bài viết

ĐBP - Trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước, trải qua 16 năm xây dựng và phát triển (tính từ thời điểm chia tách tỉnh Lai Châu thành 2 tỉnh Lai Châu và Điện Biên năm 2004), Điện Biên đang dần khẳng định vị thế, tạo diện mạo mới về phát triển kinh tế - xã hội. Từ một tỉnh còn nhiều khó khăn, hạ tầng cơ sở yếu kém, thiếu đồng bộ… đến nay Điện Biên đã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, kém phát triển và đang phấn đấu trở thành tỉnh phát triển trung bình trong vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, TP. Điện Biên Phủ ngày càng khởi sắc.

Khó có thể kể hết những khó khăn, thử thách mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên gặp phải thời điểm mới thành lập như: Xuất phát điểm thấp; kinh tế thuần nông; cơ sở hạ tầng thiếu thốn; đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 21,6% (xét theo tiêu chí nghèo cũ); thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 5,34 triệu đồng/năm; tổng giá trị sản phẩm (GRDP) lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt gần 650 tỷ đồng… Tuy nhiên, cũng từ những khó khăn đó mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh càng đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, thử thách. Ngay từ khi mới thành lập, căn cứ vào điều kiện thực tế địa phương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ đúng đắn, phù hợp, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, phát huy lợi thế để từng bước phát triển đạt kết quả cao nhất.

Với tinh thần đoàn kết thống nhất, với ý chí vượt khó, sự quan tâm, giúp đỡ to lớn của Đảng, Nhà nước, đến nay tỉnh đã đạt được một số thành tựu nổi bật và khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Điển hình, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân từ năm 2004 đến nay đạt 8,72%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm dần tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và tăng dần ở khu vực công nghiệp, dịch vụ. So với thời điểm mới chia tách, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 5,34 triệu đồng/năm lên gần 30 triệu đồng/năm (2019); thu ngân sách trên địa bàn tỉnh tăng từ 729,9 tỷ đồng (năm 2004) lên 1.233 tỷ đồng (năm 2019); tổng sản lượng lương thực có hạt tăng từ 94,3 nghìn tấn lên hơn 264,6 nghìn tấn; giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 3.032 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần so với năm 2004…

Nói đến những thành tựu nổi bật đạt được trong 15 năm qua không thể không nhắc tới công tác xóa đói, giảm nghèo. Những năm qua, cùng với phát triển kinh tế là hàng loạt các chính sách giảm nghèo được triển khai đồng bộ ở tất cả các cấp, ngành, địa phương đã cải thiện đáng kể diện mạo nông thôn, đặc biệt là nông thôn vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới của tỉnh. Quyết tâm vươn lên thoát khỏi đói nghèo không chỉ là ý chí của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương mà đã trở thành suy nghĩ của từng hộ dân. Đa phần các hộ nghèo đã được nâng cao nhận thức, biết lựa chọn loại hình sản xuất phù hợp với đất đai, hoàn cảnh của mình và mạnh dạn trong đầu tư, ứng dụng tiến bộ KHKT trong chăn nuôi, trồng trọt để phấn đấu thoát nghèo. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm mới cho người lao động chuyển biến tích cực; chất lượng đào tạo nghề ngày càng nâng lên. Cùng với đó, Chương trình Xây dựng nông thôn mới thực sự đi vào đời sống người dân. Đến nay, toàn tỉnh đã có 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 13 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới; số tiêu chí bình quân 9,8 tiêu chí/xã. Nhờ đó, chất lượng đời sống người dân ngày càng tăng cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm. Tính đến 6 tháng đầu năm 2020, số hộ nghèo toàn tỉnh còn 43.048 hộ, xét theo tiêu chí nghèo đa chiều (chiếm 33,05% tổng số hộ), 12.727 hộ cận nghèo (chiếm 9,77% tổng số hộ).

Kinh tế khởi sắc là điều kiện thuận lợi để Điện Biên chăm lo đời sống văn hoá, xã hội cho người dân. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được các cấp, các ngành, các địa phương chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh có 62% thôn, bản đạt chuẩn văn hóa; hơn 85 nghìn gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, chiếm 66% tổng gia đình toàn tỉnh; có 1.214 cơ quan, đơn vị, trường học đạt chuẩn văn hóa, chiếm 90,9% trong tổng số cơ quan, đơn vị; 8/14 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị... Cơ sở trường lớp và đội ngũ giáo viên tăng cả về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ huy động trẻ em đến tuổi ra lớp luôn đạt mức cao…

16 năm, từ một địa phương đặc biệt khó khăn, đến nay Điện Biên đã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, kém phát triển. Qua đó, góp phần đưa bộ mặt nông thôn, đô thị ngày càng đổi thay, chất lượng đời sống tinh thần, vật chất người dân được nâng cao. Đây là nền tảng vững chắc để Điện Biên phát triển toàn diện trong giai đoạn mới và trở thành tỉnh phát triển trung bình trong vùng trung du và miền núi phía Bắc. Tin rằng, với rất nhiều đổi thay tích cực toàn diện trong thời gian qua sẽ là động lực, tiền đề to lớn giúp Điện Biên sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành một tỉnh phát triển trong vùng trung du và miền núi phía Bắc mà trước mắt là đưa TP. Điện Biên Phủ - đô thị hạt nhân tỉnh trở thành đô thị loại II.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top