Tinh giản tổ chức, bộ máy ở Mường Ảng

08:49 - Thứ Tư, 09/09/2020 Lượt xem: 7613 In bài viết

ĐBP - Cũng như các địa phương khác trên địa bàn tỉnh, hiện nay Mường Ảng đã hoàn tất việc sáp nhập bản, tổ dân phố và một số đơn vị hành chính sự nghiệp. Sau sáp nhập, các cơ quan, đơn vị và các thôn, bản, tổ dân phố dần đi vào hoạt động ổn định. Tuy nhiên, những khó khăn cũng đồng thời xuất hiện, nhất là tại các bản, tổ dân phố.

Người dân đến làm thủ tục tại phòng “Một cửa” thị trấn Mường Ảng. Ảnh: Quang Long

Bộ máy tinh gọn

Vừa qua, huyện Mường Ảng đã tiến hành sáp nhập 7 đơn vị thành 3 đơn vị sự nghiệp công lập, gồm: Trạm Thú y, Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông sáp nhập thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp; Tổ chức Phát triển quỹ đất và Văn phòng Ðăng ký quyền sử dụng đất sáp nhập thành Trung tâm Quản lý đất đai; Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Ðài Truyền thanh - Truyền hình sáp nhập thành Trung tâm Văn hóa - Truyền thanh - Truyền hình. Sau sáp nhập, bộ máy hoạt động đối với các đơn vị trên cơ bản tinh gọn (giảm 4 đầu mối và gần 10 cán bộ quản lý) và bước đầu đi vào hoạt động ổn định.

Ðơn cử như tại Trung tâm Quản lý đất đai huyện Mường Ảng, sau khi sáp nhập, đến nay, Trung tâm được bố trí nơi làm việc cũng như việc sắp xếp bộ máy cán bộ. Bà Phạm Thị Hồng Liên, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm cho biết: Ngày 5/2, UBND huyện đã tổ chức lễ ra mắt Trung tâm. Căn cứ vào chức năng nhiệm vụ, Trung tâm đã chủ động chia thành 3 tổ để hoạt động hiệu quả, gồm các tổ: Hành chính, quản lý đất đai, phát triển đất. Mặc dù là sáp nhập nhưng các nhiệm vụ chuyên môn không có nhiều thay đổi. Ví dụ như quá trình giải phóng mặt bằng thì cũng liên quan đến nguồn gốc đất, thẩm định giữa các bộ phận quản lý đất đai và các bộ phận phát triển quỹ đất nên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cơ bản thuận lợi, anh em cũng yên tâm công tác. Nhìn chung, đến thời điểm hiện tại, về công tác cán bộ cũng như vị trí làm việc đã ổn định.

Với các cơ quan khác của huyện, sau khi sáp nhập cũng không có nhiều thay đổi về chức năng, nhiệm vụ. Các đơn vị đều lựa chọn, bố trí cán bộ làm việc theo đúng năng lực, sở trường, đồng thời khuyến khích hỗ trợ lẫn nhau nên mọi hoạt động cơ bản đi vào nền nếp, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Anh Nguyễn Văn Hoàn, cán bộ Trung tâm Văn hóa - Truyền thanh - Truyền hình huyện chia sẻ: “Trước khi sáp nhập, anh em phóng viên ở Ðài Truyền thanh - Truyền hình đơn thuần chỉ làm công tác viết tin, bài. Tuy nhiên sau sáp nhập, anh em chúng tôi được phân công lĩnh vực viết tin, bài cổ động phục vụ công tác tuyên truyền lưu động các ngày lễ, các sự kiện chính trị quan trọng của huyện, tỉnh và đất nước. Ðiều này giúp chúng tôi có cơ hội trau dồi, học tập thêm một số kỹ năng, nghiệp vụ để trở thành cán bộ, phóng viên đa năng hơn”.

Cũng như việc sáp nhập các đơn vị hành chính sự nghiệp, việc sáp nhập bản, tổ dân phố trên địa bàn huyện Mường Ảng đã hoàn tất. 42 bản, tổ dân phố được sáp nhập thành 21 bản, tổ dân phố. Như vậy, sau sáp nhập, huyện giảm được 21 bản, tổ dân phố. Trong đó, hầu hết các xã đều sáp nhập 2 bản thành 1 bản. Kết quả này góp phần giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách, giảm chi ngân sách cho Nhà nước.

Những phát sinh từ cơ sở

Qua tìm hiểu thực tế, việc sáp nhập các đơn vị hành chính sự nghiệp tại huyện Mường Ảng cơ bản thuận lợi. Tuy nhiên, đối với việc sáp nhập các bản, tổ dân phố dù đã nhận được sự đồng thuận của nhân dân nhưng trong thực tiễn hoạt động vẫn gặp phải những khó khăn nhất định. Nguyên nhân chủ yếu do sau khi sáp nhập địa bàn rộng, dân cư đông, gây khó khăn trong quá trình triệu tập nhân dân đi họp cũng như tham gia các hoạt động tập thể của bản… bởi nhiều nơi hệ thống loa truyền thanh không đến được các hộ ở xa; có nơi thì sóng điện thoại chập chờn; chưa kể, nếu dân đến họp đông đủ thì địa điểm họp ở nhiều bản cũng không đủ chỗ để ngồi. Ông Cầm Nhân Thuận, bản Hón Sáng, xã Ẳng Cang bộc bạch: “Bản Hón Sáng được thành lập trên cơ sở sáp nhập giữa bản Hón và bản Sáng. Về chủ trương sáp nhập thì bà con đồng thuận.

Dẫu vậy, khi sáp nhập hai bản thành một thì chúng tôi phải đi lại xa, không như trước kia. Nhiều lúc trong bản có việc gì nếu không cần thiết thì chúng tôi xin phép không tham gia được”.

Cũng vì khó khăn về khoảng cách địa lý nên sau khi sáp nhập bản, tổ dân phố, khối lượng công việc của cán bộ không chuyên trách không những nhiều hơn mà còn vất vả hơn nhiều lần. Ông Lù Văn Tiên, Trưởng bản Cói Bánh, xã Ẳng Cang chia sẻ: “Ðể đảm bảo hiệu quả công việc, tôi phải bớt thời gian lao động của gia đình để thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, nếu không sẽ ảnh hưởng đến quá trình truyền đạt chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách pháp luật Nhà nước đến nhân dân. Thậm chí, vừa qua, tôi đã phải đi từng hộ dân trong bản để họ đăng ký thoát nghèo. Mặc dù quãng đường xa nhưng không còn cách nào khác là bản thân tôi phải tự khắc phục”.

Không chỉ ở xã Ẳng Cang, những phát sinh từ cơ sở cũng là thực trạng chung của các bản mới sáp nhập trên địa bàn huyện Mường Ảng, đặc biệt là những bản ở các xã vùng cao như: Mường Lạn, Mường Ðăng, Xuân Lao, Ngối Cáy… Do đó, cùng với việc tuyên truyền, vận động về chủ trương, mục đích của việc sáp nhập, chính quyền địa phương cần linh hoạt hơn trong việc lãnh đạo, điều hành, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, hoạt động của địa phương gắn với tình hình thực tiễn, đời sống của nhân dân các bản; quan tâm, động viên cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần đối với đội ngũ cán bộ không chuyên trách ở xã, bản để họ khắc phục khó khăn, yên tâm công tác. Cùng với đó, chú trọng hơn nữa việc xây dựng, gìn giữ, phát huy mối đoàn kết trong cộng đồng dân cư, để từ đó giúp việc sáp nhập bản, tổ dân phố đạt được mục đích như chủ trương của Ðảng, Nhà nước mong đợi.

Quang Long
Bình luận
Back To Top