Bài dự thi giải báo chí toàn quốc về xây dựng Ðảng

Phát huy truyền thống cách mạng trên quê hương Pú Nhung

09:08 - Thứ Tư, 16/09/2020 Lượt xem: 7234 In bài viết

Bài 1: Vùng đất cách mạng

ĐBP - Trong thời kỳ đấu tranh cam go nhất trên vùng đất Tây Bắc, người Mông xã Pú Nhung (huyện Tuần Giáo) luôn kiên cường, vững tin tham gia kháng chiến, nuôi giấu cán bộ. Từ đây đã hình thành cơ sở cách mạng đầu tiên của tỉnh và lan tỏa rộng khắp.

Buổi sinh hoạt của dòng họ Sùng, bản Phiêng Pi. Ảnh: Mai Phương

Chúng tôi đến Pú Nhung vào một ngày mưa dầm tháng 8. Tại trụ sở xã, những cán bộ đang miệt mài công việc. Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về truyền thống cách mạng của Pú Nhung, ông Vừ Sái Sùng, Bí thư Ðảng ủy xã thoáng trầm ngâm. Rồi ông Sùng bảo: Các anh hùng hay thân nhân của họ đều không còn, một số nhân chứng thì nay lúc nhớ lúc quên. Bây giờ nắm rõ nhất là ông Vừ Khua Xá ở bản Ðề Chia A, nguyên là Phó Chủ tịch xã Pú Nhung sau làm Bí thư Ðảng ủy xã Tênh Phông.

Nhắc đến chuyện vùng đất Pú Nhung và những người con dũng cảm ngày trước, ông Vừ Khua Xá chỉ tay lên đỉnh núi sừng sững trước mặt, kể: Trước kia, trung tâm của xã là một vùng rừng núi rậm rạp, trên đỉnh núi có một loại rau dại có thể ăn được. Người dân tộc Thái thường lên núi lấy rau về ăn và gọi là núi Pú Nhúng (Pú là núi, Nhúng là tên loại rau). Còn người Mông chúng tôi gọi chệch sang là Pú Nhung. Thời kỳ đó, trước Cách mạng Tháng Tám, đồng bào Mông ở Pú Nhung rất khổ cực. Ðói khổ, thất học, người Pú Nhung làm quanh năm mà chẳng được bữa no. Cách mạng Tháng Tám thành công, trong giai đoạn 1945 - 1947, nhiều bản trong xã đã đứng lên chống lại việc thu thuế của quan tây, phong trào cách mạng tuy chưa phát triển rộng rãi trong quần chúng nhân dân nhưng nhiều người đã căm thù giặc sâu sắc. Ðược sự tuyên truyền của cán bộ cách mạng, người dân Pú Nhung ngày càng giác ngộ, tin tưởng sự lãnh đạo của cán bộ Việt Minh nằm vùng. Khi cán bộ đến, nhiều gia đình người Mông ở Pú Nhung đã tìm cách giúp đỡ, nuôi giấu cán bộ để gây dựng cơ sở. Tiêu biểu như gia đình ông Mùa Già Lầu (bản Kha Bua) đã nuôi và bảo vệ cán bộ trong những năm 1950 - 1951; gia đình ông Vừ Gia Nô, Vừ Gà Xúa (bản Ðề Chia) cũng có công nuôi giấu và bảo vệ cán bộ; cô em gái Anh hùng Sùng Phái Sinh còn đứng trên đồi cao để canh gác cho cán bộ khi lính Tây tuần tra, khám xét.

Chúng tôi theo ông Vừ Khua Xá đến thắp nén hương thơm tại Ðài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ Pú Nhung. Bên Ðài tưởng niệm, ông Xá lại hướng mắt về ngọn núi Pú Nhung, tiếp tục câu chuyện với giọng trầm trầm: Những năm 1949 - 1951, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Pú Nhung phát triển rộng khắp khiến thực dân Pháp vô cùng lo lắng. Ðể “bẻ gẫy” Pú Nhung, thực dân Pháp mở các đợt càn quét quy mô lớn vây bắt lực lượng du kích, cán bộ cách mạng. Nhiều người đã bị bắt, bị tra tấn dã man rồi bị bắn chết.

Trong số những người con Pú Nhung sớm tham gia cách mạng có ông Sùng Phái Sinh, do có họ xa bên mẹ với thống lý Vừ Khua Dơ nên được cử vào làm phục vụ trong nhà thống lý. Nhanh nhẹn, tháo vát và quyết đoán, từ khi thống lý giác ngộ, đi theo cách mạng, ông Sinh cũng hăng hái tham gia. Với tài bắn súng, phi tên nức tiếng trong vùng, Sùng Phái Sinh đã rất nhiều lần gây thiệt hại cho địch, khiến chúng ăn ngủ không yên.

Cũng ở Pú Nhung, ngày ấy có một thiếu niên tên Vừ A Dính với những chiến công hiển hách đã được tôn vinh trong sử sách, thi ca. Khi mới 13 tuổi, Vừ A Dính đã thoát ly gia đình đến ở với cán bộ cách mạng. A Dính tuy nhỏ tuổi nhưng làm được rất nhiều việc, từ nhiệm vụ canh gác, liên lạc đưa công văn từ căn cứ chỉ huy về đội du kích đến nhiệm vụ về bản mang tiếp tế vào căn cứ cho cán bộ… Mỗi lần đi liên lạc, A Dính đều mang theo chiếc túi bên hông, ống tên cài trước ngực, chiếc nỏ sẵn sàng giương lên bất cứ lúc nào. Không may trong một lần công tác, Vừ A  Dính bị địch bắt. Tra tấn dã man song không khai thác được điều gì từ thiếu niên người Mông 15 tuổi, quân Pháp đã treo anh lên cây đào trên núi Pú Nhung rồi bắn chết. Quân giặc những tưởng như thế nhân dân Pú Nhung sẽ sợ, nhưng tấm gương anh dũng hi sinh của Vừ A Dính lại càng thổi bùng lòng căm thù giặc, tiếp thêm động lực, niềm tin cho mỗi người dân Pú Nhung quyết tâm theo cách mạng.

Trên mảnh đất Pú Nhung anh hùng, bây giờ xanh mát những bãi mía, nương ngô, những ruộng lúa kín bờ. Với niềm tự hào truyền thống cách mạng, nhân dân Pú Nhung hôm nay tiếp tục đoàn kết, quyết tâm trên hành trình xây dựng quê hương giàu đẹp.

Bài 2: Pú Nhung trên hành trình phát triển

Mai Phương
Bình luận
Back To Top