Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Biên giới Thu Đông 1950 (16/9/1950 - 16/9/2020):

Bước ngoặt trong kháng chiến chống Pháp

10:59 - Thứ Tư, 16/09/2020 Lượt xem: 4524 In bài viết

Đến năm 1950, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta bước sang giai đoạn mới khi cách mạng Liên Xô, Trung Quốc có nhiều thắng lợi quan trọng. Trong nước, lực lượng kháng chiến của ta phát triển về mọi mặt. Để bao vây, ngăn chặn sự chi viện của cách mạng Trung Quốc cho cách mạng Việt Nam, thực dân Pháp tổ chức lực lượng mạnh phong tỏa biên giới Cao Bằng - Lạng Sơn. Trước tình hình đó, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở Chiến dịch Biên giới Thu Đông 1950, tạo bước ngoặt trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí trong Thường vụ Trung ương Đảng bàn kế hoạch mở Chiến dịch Biên giới Thu Đông năm 1950. Ảnh: TTXVN

Bẻ gãy phòng tuyến bao vây của địch 

Thực hiện nhiệm vụ Trung ương giao, ngày 7-7-1950, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định mở chiến dịch giải phóng vùng biên giới Đông Bắc tại khu vực Cao Bằng - Lạng Sơn, lấy mật danh là Chiến dịch Lê Hồng Phong II, tiến công địch trên đường số 4, tập trung vào khu vực Cao Bằng - Thất Khê. Chiến dịch do Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng kiêm Chính ủy chiến dịch.

Để bảo đảm chắc thắng, Bộ Tổng Tư lệnh sử dụng nhiều đơn vị mạnh tham gia, gồm: Đại đoàn 308, 2 trung đoàn chủ lực, 3 tiểu đoàn độc lập và số lượng lớn pháo binh, công binh. Ngoài ra còn có bộ đội địa phương, dân quân du kích hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn.

Lúc này, đường số 4 ở Lạng Sơn - Cao Bằng được địch xây dựng thành tuyến phòng thủ mạnh với 11 tiểu đoàn và 9 đại đội bộ binh. Ngoài ra còn có lực lượng pháo binh, cơ giới, không quân và hệ thống công sự dày đặc.

Hạ tuần tháng 8-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên đường ra mặt trận trực tiếp chỉ đạo chiến dịch. Có Bác đi chiến dịch, bộ đội như được tăng thêm sức mạnh, ai nấy đều hăng hái, tin tưởng, quyết tâm.

Sáng 16-9-1950, ta bắt đầu nổ súng đánh cụm cứ điểm Đông Khê, mở màn chiến dịch. Sáng 18-9-1950, bộ đội ta chiếm toàn bộ cụm cứ điểm, diệt và bắt trên 300 tên, thu toàn bộ vũ khí. Mất Đông Khê, quân địch rơi vào thế nguy khốn và vội vàng rút quân khỏi thị xã Cao Bằng nhằm tránh nguy cơ bị tiêu diệt.

Sau khi diệt nhiều viện binh của Pháp hòng chiếm lại Đông Khê, ngày 10-10-1950, Bộ Chỉ huy chiến dịch hạ quyết tâm bao vây tiêu diệt Thất Khê. Trong khi lực lượng ta đang cơ động về Thất Khê, thì tối 10-10, địch bắt đầu rút khỏi Thất Khê, tiếp đó là Na Sầm, Đồng Đăng, thị xã Lạng Sơn, Lạng Giang, Lộc Bình, Đình Lập, An Châu và bị quân ta tấn công tiêu diệt gây thiệt hại nặng nề. Ngày 14-10-1950, Chiến dịch Biên giới kết thúc.

Trải qua 29 ngày mưu trí, dũng cảm, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 10 tiểu đoàn địch, diệt và bắt 8.296 tên, thu hơn 3.000 tấn vũ khí và đồ dùng quân sự, xóa sổ Liên khu biên giới Đông Bắc của địch; giải phóng khu vực từ Cao Bằng đến Đình Lập (Lạng Sơn), củng cố và mở rộng căn cứ địa Việt Bắc, khai thông liên lạc với cách mạng Trung Quốc. Tính chung cả nước, trong cuộc tiến công Thu Đông năm 1950, ta đã tiêu diệt gần 12.000 địch, hạ và bức rút 217 vị trí, giải phóng một vùng đất đai rộng lớn khoảng 4.000km2 với 40 vạn dân.

Bài học về sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Thắng lợi của Chiến dịch Biên giới trước hết là do Đảng ta có đường lối, chủ trương lãnh đạo kháng chiến đúng đắn. 

Như vậy, sau 4 năm kháng chiến, đây là lần đầu tiên ta mở một chiến dịch tiến công lớn, đánh vào tuyến phòng thủ mạnh của địch, nhằm thực hiện những mục tiêu chiến lược quan trọng. Ta không chỉ tiêu diệt một khối sinh lực tinh nhuệ của địch, mà còn giải phóng vùng đất đai rộng lớn có vị trí chiến lược trọng yếu; mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc, mở thông đường liên lạc với quốc tế và nối liền Việt Bắc với Đồng bằng Bắc Bộ, Liên khu 4. Thắng lợi mở ra bước ngoặt chuyển cuộc kháng chiến của ta từ chiến tranh du kích tiến lên chiến tranh chính quy, kết hợp chiến tranh chính quy với chiến tranh du kích ở trình độ cao hơn. Quyền chủ động về chiến lược trên chiến trường chính đã thuộc về ta; đánh dấu một bước tiến nhảy vọt của quân đội ta về trình độ chỉ huy, nghệ thuật chiến dịch.

Sau Chiến thắng Biên giới Thu Đông 1950, quân và dân ta tiếp tục giữ vững quyền chủ động, phát huy thế tiến công chiến lược trong những năm 1951-1953; tiến tới giành thắng lợi trong cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ lập lại hòa bình ở Đông Dương…

70 năm đã trôi qua, song những bài học kinh nghiệm quý báu của Chiến thắng Biên giới Thu Đông 1950 vẫn còn nguyên giá trị, cần tiếp tục được phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Nổi bật là không ngừng phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với sức mạnh thời đại trong điều kiện mới, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top