Hưởng ứng bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

Một làn gió mới củng cố, tập hợp, quy tụ niềm tin của toàn Đảng, toàn dân

15:00 - Thứ Năm, 17/09/2020 Lượt xem: 3908 In bài viết

Bài viết của Tổng Bí thư là một bản tổng kết rất toàn diện, sâu sắc, như một làn gió mới củng cố được niềm tin, tập hợp, quy tụ sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân.

Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương. Ảnh: VGP/Phương Liên

Sau khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có bài “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới” được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng đã tạo nên dư luận xã hội rất mạnh mẽ. Báo Điện Biên Phủ Điện tử xin giới thiệu nội dung cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương.

Một bản tổng kết rất toàn diện, sâu sắc

Đây không phải là bài viết đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Sau khi Bộ Chính trị có Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đến nay Tổng Bí thư đã có ba bài viết quan trọng. Bài viết thứ nhất là “Chuẩn bị và tổ chức thật tốt đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng”, sau khi Bộ Chính trị có Chỉ thị 35.

Bài viết thứ hai là “Một số điểm cần đặc biệt chú ý trong quá trình chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII”, chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương 12. .

Đến bây giờ là bài viết thứ ba với tiêu đề “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới”.

Ông Nguyễn Đức Hà nhận định, cả ba bài viết đều có tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt là chuẩn bị thật tốt Đại hội các cấp, đặc biệt là Đại hội XIII của Đảng. Bài viết của Tổng Bí thư thể hiện tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của Ban chấp hành Trung ương, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Bài viết thứ ba này như một bản tổng kết rất toàn diện, sâu sắc. Trong chuẩn bị cho đại hội, Tổng Bí thư nhấn mạnh hai vấn đề quan trọng nhất là: Chuẩn bị văn kiện đại hội và chuẩn bị nhân sự đại hội. Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhấn vào hai vấn đề quan trọng đó.

Trong bài viết có điểm mới là Tổng Bí thư không chỉ đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII mà còn nhìn lại, khái quát lại tình hình đất nước sau thực tiễn 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991 và gần 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, để thấy rõ những thành quả chúng ta đạt được, trên cơ sở thực tiễn đó rút ra được bài học kinh nghiệm để tới đây chúng ta tiếp tục thực hiện trong những năm tiếp theo.

Đó chính là cơ sở để chúng ta xác định phương hướng, mục tiêu nhiệm vụ trong những năm tới. Không chỉ cho 5 năm của nhiệm kỳ tới mà còn cho năm 2030 - kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Và xa hơn nữa, tầm nhìn đến giữa thế kỷ, khi kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước.

Ông Nguyễn Đức Hà khẳng định bài viết của Tổng Bí thư mang tính tổng kết thực tiễn, khái quát nâng lên thành lý luận, soi đường cho kế hoạch thực tiễn của chúng ta.

Quy tụ và phát huy nguồn nội lực nội sinh

Còn vấn đề thứ hai đặc biệt quan trọng mà Tổng Bí thư nhấn mạnh là công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIII. Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng vì liên quan đến tương lai, tiền đồ, phương hướng phát triển đất nước trong những năm tới. Nói nhân sự Đại hội XIII chính là nói đến nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, nhân sự Bộ Chính trị, nhân sự Ban Bí thư, nhân sự các chức danh lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trong nhiệm kỳ 2021-2026.

“Càng ngày chúng ta càng thấm thía, càng rút ra bài học kinh nghiệm thực tiễn là phải tập trung chăm lo, vun đắp xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. Trong nhiệm kỳ này, trong bài viết của Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh điều đó. Nhấn mạnh chất lượng của Ban Chấp hành Trung ương, trước hết phải là một tập thể đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, phải là những người tiêu biểu về trí tuệ, về phẩm chất, đạo đức và lối sống, phải là những người thật sự tín nhiệm trong Đảng, trong dân”, ông Hà cho biết.

Tổng Bí thư đã nhiều lần nhấn mạnh rằng phải kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng vào Ban Chấp hành Trung ương. Đó là những người cơ hội chính trị, là những người chạy chức, chạy quyền, là những người đã dính vào tham nhũng, đã có những biểu hiện tham nhũng. Đồng chí đã nhắc nhở cảnh báo rằng, nếu những người đã dính vào tham nhũng, đã vướng vào tham nhũng mà lại đưa vào cơ quan lãnh đạo của Đảng thì càng tạo ra cơ hội để họ hại nước, hại dân nhiều hơn.

“Thực tế chúng ta đã thấy trong nhiệm kỳ vừa qua, nhiều cán bộ cấp cao, thậm chí có đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị đã phải xử lý kỷ luật. Có đồng chí phải xử lý bằng pháp luật. Cho nên đây là bài học kinh nghiệm đau xót mà đồng chí Tổng Bí thư liên tục nhắc nhở, liên tục cảnh báo. Tất nhiên lần này trong công tác nhân sự của Đại hội 13, đồng chí còn nhấn mạnh là không để lọt những người không xứng đáng, nhưng cũng không bỏ sót những người thật sự có đức có tài, những người thực sự có tín nhiệm trong Đảng, trong nhân dân, những người có khả năng, có triển vọng phát triển. Thực chất đồng chí lưu ý đến đội ngũ cán bộ trẻ được đào tạo, bồi dưỡng, được rèn luyện, thử thách trong thực tiễn”, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng trao đổi.

Tại Đại hội XIII sắp tới cũng còn một việc mà Tổng Bí thư quan tâm, nhắc nhở, nhấn mạnh đến, đó là việc chọn người đứng đầu. Đây là nhiệm kỳ mà chúng ta chuyển giao đội ngũ cán bộ lãnh đạo, từ những lớp người sinh ra lớn lên trưởng thành trong hòa bình, được tôi luyện, được thử thách, rèn luyện trong chiến tranh cách mạng cũng như trong thời kỳ gian khó của đất nước, bây giờ chuyển giao sang một đội ngũ cán bộ trẻ hơn. Đó là những người sinh ra và lớn lên trong hòa bình, được đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau, thậm chí được đào tạo ở nhiều nước có thể chế chính trị khác biệt.

Chính vì vậy, chúng ta phải chăm lo bồi dưỡng vun đắp đội ngũ này, anh em cán bộ trẻ thiếu cái gì thì chúng ta phải bổ sung cái đó. Đồng thời phải kết hợp rất hài hòa, rất nhuần nhuyễn giữa các thế hệ cán bộ để làm thế nào đội ngũ cán bộ nói chung, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cấp cao, phải có sự chuyển tiếp liên tục,  vững vàng để không bị hụt hẫng, không bị động.

Chúng ta đã rút ra được bài học từ thực tiễn đó là phải đẩy mạnh phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử theo quy trình 5 bước. Chúng ta cũng đã rút ra được từ thực tiễn là càng những vấn đề khó, những vấn đề phức tạp, những vấn đề nhạy cảm thì càng phải mở rộng dân chủ. Chính mở rộng dân chủ sẽ giúp tạo được sự thống nhất cao và đặc biệt phải thống nhất từ trong ra ngoài.

“Để có sự thống nhất trong Ban Chấp hành Trung ương thì trong Bộ Chính trị,  Ban Bí thư phải thống nhất. Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất cao thì ra đại hội sẽ thống nhất cao. Tổng Bí thư nhấn mạnh Ban Chấp hành Trung ương trước hết phải là tập thể đoàn kết, thống nhất về hành động. Đặc biệt là phải xuất phát từ cái chung. Việc gì khó phức tạp đến mấy nhưng cũng vì cái chung, vì lợi ích của Đảng, vì nước, vì dân thì chúng ta sẽ tìm ra cách xử lý, cách giải quyết. Càng những việc mới phức tạp thì càng phải mở rộng dân chủ, càng phải thảo luận kỹ lưỡng, càng phải xuất phát từ lợi ích chung”, ông Hà khẳng định.

Sau khi bài viết của Tổng Bí thư được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, dư luận đồng tình đánh giá cao, như một làn gió mới củng cố được niềm tin, tập hợp quy tụ được niềm tin của toàn Đảng, toàn dân đối với người đứng đầu Đảng và nhà nước.

“Tôi cho rằng việc tập hợp được niềm tin, quy tụ được niềm tin là vấn đề rất lớn. Đây chính là nội dung rất mới và Đại hội 13 lần này đặt ra trong Báo cáo chính trị. Đó chính là phát huy được nội lực - nguồn lực nội sinh. Mà nguồn lực nội sinh của chúng ta quý giá nhất, to lớn nhất là nhân tố con người”, ông Nguyễn Đức Hà cho biết.

Khơi dậy khát vọng

Trong chủ đề của Đại hội 13 lần này đặt ra vấn đề làm sao phát huy được nguồn lực của toàn dân tộc, làm sao phải khơi dậy, phát huy được ý chí tự lực, tự cường, làm sao để khơi dậy, phát huy được khát vọng của dân tộc Việt Nam, của con người Việt Nam.

Ông Nguyễn Đức Hà phân tích: Thực tế cho thấy trong trận chiến chống COVID-19 vừa qua, nếu một đất nước không có thể chế chính trị như nước ta, một đất nước không có Đảng lãnh đạo như nước ta, không thể đạt được kết quả như vậy. Thế giới đã phải thừa nhận, phải ca ngợi. Cả hệ thống chính trị vào cuộc dưới sự lãnh đạo chỉ đạo rất sát sao của Trung ương, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của người đứng đầu Đảng và nhà nước, chỉ đạo rất sâu sắc quyết liệt của Chính phủ, của các ngành, các cấp, của toàn dân, của cả hệ thống chính trị. Thắng lợi bước đầu trong trận chiến chống COVID-19 càng khẳng định uy tín của Đảng, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng.

Chính vì thế, chúng ta xây dựng Ban Chấp hành Trung ương, xây dựng tập thể lãnh đạo cao nhất của đất nước cũng là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị chứ không chỉ có riêng Ban Chấp hành Trung ương, riêng Bộ Chính trị, Ban Bí thư, riêng của Tiểu ban Nhân sự… Chuẩn bị rất kỹ càng, rất chặt chẽ, thận trọng bài bản từng bước một kỹ lưỡng, chu đáo, vừa kế thừa những kinh nghiệm, bài học quý mà chúng ta đã rút ra được từ thực tiễn nhưng chúng ta lại bổ sung thêm, bám sát tình hình thực tiễn. Vừa kế thừa, vừa đổi mới phát triển, nhưng đổi mới, phát triển phải giữ được ổn định.

“Đây là những quan điểm rất mới mà tôi cho rằng từ bài viết của Tổng Bí thư đã cho chúng ta những nhận thức mới, cho chúng ta hiểu sâu sắc hơn từng khía cạnh, từng vấn đề để nhìn nhận một cách sâu sắc, toàn diện hơn. Chính vì vậy cùng cố được niềm tin và đề cao được trách nhiệm của mỗi người. Người dân có trách nhiệm của người dân, cán bộ đảng viên có trách nhiệm của cán bộ đảng viên, cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp có trách nhiệm của mình để chung tay, chung sức vào thực hiện nhiệm vụ mà cuối cùng là xây dựng đất nước phát triển và đem lại lợi ích cho nước cho dân”, ông Nguyễn Đức Hà nhấn mạnh.

P.V (Theo baochinhphu.vn)
Bình luận
Back To Top