Bài dự thi giải báo chí toàn quốc về xây dựng Ðảng

Phát huy truyền thống cách mạng trên quê hương Pú Nhung

08:57 - Thứ Sáu, 18/09/2020 Lượt xem: 7090 In bài viết

Bài 2: Pú Nhung trên hành trình phát triển

ĐBP - Tiếp nối truyền thống cha anh, ngày nay trên mảnh đất cách mạng Pú Nhung, nhân dân các dân tộc: Phù Lá, Mông, Kinh luôn hăng say trên trận tuyến lao động sản xuất để dựng xây Pú Nhung vững vàng trên hành trình phát triển.

Một giờ học của học sinh Trường THCS Vừ A Dính, xã Pú Nhung (huyện Tuần Giáo).

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Vừ Sái Sùng, Bí thư Ðảng ủy xã Pú Nhung nhiều lần nhắc lại cụm từ “sắt son theo Ðảng” như để khẳng định niềm tin, ý chí người Pú Nhung. Ông Sùng cho biết: Tháng 1/1953, Chi bộ Pú Nhung và Ủy ban Hành chính lâm thời xã được thành lập, nơi làm việc nhờ nhà ông Vừ Giả Nu (Chủ tịch Ủy ban Hành chính lâm thời xã khi ấy). Từ vài đảng viên hạt nhân ban đầu, đến năm 1985 Pú Nhung đã có 3 chi bộ (Xá Tự, Ðề Chia, Phiêng Pi). Ðảng bộ Pú Nhung luôn chú trọng và kiên trì mục tiêu: Phát triển đảng viên ở những bản chưa có đảng viên; tập trung đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ. Ðảng bộ xã phân công đảng viên phụ trách từng thôn, bản để phát hiện, giáo dục, bồi dưỡng tạo nguồn phát triển Ðảng. Trong giai đoạn 2015 - 2020, Ðảng bộ Pú Nhung đã thành lập mới 5 chi bộ, xóa 1 bản chưa có đảng viên, kết nạp 35 đảng viên mới nâng tổng số đảng viên toàn xã lên 164 đồng chí. Hàng năm, có 90% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, 21% số chi bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; Ðảng bộ xã được Huyện ủy đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liên tục.

Dưới sự lãnh đạo của Ðảng bộ xã, nhân dân các dân tộc Pú Nhung tích cực lao động sản xuất, xóa đói nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương cách mạng. Ðến Pú Nhung hôm nay, những con đường bê tông phong quang từ trung tâm xã về các bản đã thay thế cho đường đất nắng bụi mưa lầy trước kia. Hai bên đường là những nương ngô, nương sắn, mía xanh, mía tím ngút ngàn. Những năm gần đây, người dân Pú Nhung tích cực đưa giống mới vào gieo trồng đã tăng năng suất gấp 2 - 3 lần. Ðiển hình là cây ngô, trước đây năng suất chỉ từ đạt 17 tạ/ha nay đã tăng lên 40 - 45 tạ/ha. Với tổng diện tích cây lương thực 1.377ha, mỗi năm Pú Nhung sản xuất được trên 4.700 tấn. Nhiều hộ gia đình không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên khá giả với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, như: Gia đình ông Vừ Thái Hòa, Vừ Chồng Phía (bản Ðề Chia A); Sùng Dũng Chía, Sùng Khua Dơ (bản Phiêng Pi); Ly Khua Dơ (bản Chua Lú)… Từ một xã với 100% hộ nghèo sau chiến tranh, giờ đây Pú Nhung đã trở thành xã điểm của tỉnh về nỗ lực xóa đói giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 10%.

Hòa nhịp cùng nhân dân các dân tộc toàn tỉnh trong lộ trình xây dựng nông thôn mới, nhân dân Pú Nhung đã tích cực xây dựng các mô hình kinh tế mới mang lại hiệu quả cao như: Mô hình trồng bưởi da xanh tại 3 bản Trung Dình, Phiêng Pi, Ðề Chia B; mô hình nhãn chín muộn tại 2 bản Ðề Chia A, Chua Lú; mô hình xoài Ðài Loan tại 3 bản Ðề Chia A, Chua Lú, Trung Dình... Ðặc biệt, phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết, người dân Pú Nhung đã hiến 11.000m2 đất để nâng cấp, xây dựng 23,5km đường giao thông nông thôn. Ðến nay, xã Pú Nhung đã đạt 11/19 tiêu chí nông thôn mới; 72% dân số được sử dụng điện lưới quốc gia, 80% dân số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 10/10 bản và 672/777 hộ đạt danh hiệu văn hoá. Từ một vùng quê có 100% người dân không biết chữ (sau khi giải phóng Ðiện Biên) đến nay xã đã có 100% trường học các cấp được công nhận chuẩn quốc gia. Trong đó Trường Mầm non xã đạt chuẩn quốc gia mức độ II, duy trì Trường Tiểu học và Trường THCS Vừ A Dính đạt chuẩn quốc gia mức độ I. Khi nhắc đến việc học ở Pú Nhung không thể không nói đến những “dòng họ hiếu học” đã trở nên tiêu biểu trong toàn tỉnh như dòng họ Vừ ở bản Ðề Chia, dòng họ Sùng ở bản Phiêng Pi… đã “thắp lửa” học tập cho lớp lớp con cháu. Khoe với chúng tôi, ông Sùng A Lầu, Trưởng bản Phiêng Pi tự hào cho biết: Dòng họ Sùng tại xã Pú Nhung hiện có 141 hộ với gần 700 nhân khẩu. Noi gương người anh hùng của dòng họ là Sùng Phái Sinh, con cháu dòng họ Sùng luôn chăm lo học tập, phấn đấu trở thành người có ích xây dựng quê hương đất nước. Dòng họ Sùng ở Pú Nhung đã có 74 người công tác tại các cơ quan Nhà nước, 20 người tốt nghiệp đại học và 35 đảng viên.

Bài 1: Vùng đất cách mạng

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận
Back To Top