SINH HOẠT TƯ TƯỞNG

Phê và tự phê sao cho hiệu quả

09:06 - Thứ Tư, 23/09/2020 Lượt xem: 5422 In bài viết

ĐBP - Tự phê bình và phê bình là nhiệm vụ thường xuyên, là giải pháp hữu hiệu rèn luyện đảng viên; đó cũng là nguyên tắc sinh hoạt của Ðảng. Thực hiện tốt việc tự phê bình, phê bình trong Ðảng góp phần giúp đồng chí, đồng nghiệp và tự bản thân kiểm điểm lại những việc làm tốt, hiệu quả hoặc những việc làm thiếu sót, khuyết điểm… để từ đó phát huy mặt tích cực, khắc phục phần khuyết điểm, sai lầm. Việc làm đó đã và đang được cấp ủy, tổ chức đảng các cấp và đảng viên thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng. Tuy nhiên, cách phê bình sao cho hiệu quả, để người tiếp nhận thấy rõ những khuyết điểm, hạn chế để sửa chữa, khắc phục vươn lên hoàn thiện mình hơn thì không phải tổ chức cơ sở đảng nào cũng làm tốt, cũng thực hiện nghiêm. Vì thế, không hiếm trường hợp đảng viên được phê bình cảm thấy bị “mất mặt”, xấu hổ trước tập thể, cảm thấy bị xúc phạm đã từng xảy ra khiến đảng viên ái ngại, thậm chí là sợ đến kỳ sinh hoạt.

Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Ðảng chỉ rõ một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị đó là “trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng”. Dù đã được chỉ rõ song thực tế cho thấy, không ít trường hợp người phê bình không mang tính xây dựng, lợi dụng nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Ðảng để khi phát biểu, góp ý cho đồng chí, đồng đội mình lại chỉ thấy những mặt hạn chế, khuyết điểm mà không nhìn nhận khách quan những đóng góp, những kết quả tích cực của người được phê bình. Ngôn ngữ phê bình nặng nề, chì chiết theo kiểu “bới lông tìm vết”, thiếu thiện chí với người được phê bình… Ðể tự phê bình và phê bình có hiệu quả cần thực hiện đúng phương pháp, xuất phát từ tinh thần xây dựng tổ chức đảng, đảng viên, tránh “bới lông tìm vết” nhưng cũng không nên chung chung “dĩ hòa vi quý”.

Từ đó có thể thấy, việc phê và tự phê sao cho hiệu quả, khen - chê chừng mực nào là hài hòa, hợp lý kỳ thực không phải là chuyện đơn giản. Bởi đích đến cao nhất đặt ra của việc tự phê và phê bình trong Ðảng đó là góp phần quan trọng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, giữ gìn phẩm chất, tư cách đảng viên; củng cố và phát triển sự đoàn kết thống nhất của Ðảng, xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Minh Thùy
Bình luận
Back To Top