Phát huy truyền thống cách mạng, xây dựng huyện Tủa Chùa phát triển vững mạnh

08:55 - Thứ Sáu, 25/09/2020 Lượt xem: 6675 In bài viết

ĐBP - Tủa Chùa là huyện miền núi phía Ðông Bắc của tỉnh, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. 65 năm qua, Ðảng bộ huyện Tủa Chùa luôn phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, sáng tạo, lãnh đạo nhân dân các dân tộc vượt qua khó khăn, thách thức, giành nhiều thắng lợi quan trọng trên nhiều lĩnh vực.

Trung tâm huyện Tủa Chùa hôm nay. Ảnh: Văn Thành Chương

Sau chiến thắng Ðiện Biên Phủ (7/5/1954), Lai Châu - Ðiện Biên được giải phóng. Ngày 28/4/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 230-SL về việc thành lập Khu tự trị Thái - Mèo. Ngày 28/9/1955, Ban Chấp hành Khu ủy Khu tự trị Thái - Mèo ra Quyết nghị số 84-NQ/TB cử “Ban phụ trách thành lập châu Mèo, Tủa Chùa”. Ngày 18/10/1955, Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký Nghị định số 606 về thành lập châu Tủa Chùa trực thuộc Khu tự trị Thái - Mèo gồm 8 xã, 43 thôn, tổng diện tích tự nhiên gần 50.000ha, dân số 8.410 người thuộc các dân tộc: Mông, Dao, Xạ Phang.

Ngay sau khi được thành lập, dưới sự lãnh đạo của Ban phụ trách châu, cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc đã đoàn kết một lòng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ðảng, phát huy truyền thống cách mạng, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường vượt qua khó khăn, thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng, củng cố chính quyền, củng cố hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở; tiến hành khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế. Ðặc biệt là tập trung chống “giặc đói”, “giặc dốt”, dịch bệnh cho nhân dân. Giai đoạn này đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ và nhân dân trên địa bàn khó khăn, thiếu thốn trăm bề; phương thức sản xuất lạc hậu, nạn đói triền miên. Giao thông cách trở, đường từ trung tâm huyện tới các xã đều là đường mòn hiểm trở. Bên cạnh đó, từ khi thành lập do những điều kiện lịch sử, trung tâm hành chính huyện đã 2 lần phải di chuyển: Từ Tả Phìn về Sính Phình (năm 1966) và chuyển về Mường Báng (năm 1988) là địa điểm hiện nay. Trước tình hình đó, Ðảng bộ huyện đã tăng cường lãnh đạo triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước; cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết, chiến lược phát triển kinh tế bằng các chương trình, kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tế địa phương.

Với sự đồng thuận, tinh thần quyết tâm, ý chí tự lực tự cường của cán bộ và nhân dân các dân tộc, huyện Tủa Chùa đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Sản xuất nông nghiệp tương đối ổn định; diện tích gieo trồng hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch. Nhân dân phát huy tiềm năng đất đai, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật, tăng cường khai hoang, phục hóa tạo ruộng bậc thang để sản xuất nông nghiệp. Ðến năm 2019, tổng diện tích trồng cây lương thực toàn huyện đạt 9.720ha, sản lượng lương thực đạt 25.628 tấn (tăng 4.747 tấn so với năm 2015); bình quân lương thực đạt 434kg/người/năm. Bên cạnh đó, người dân tập trung trồng mới, chăm sóc diện tích chè cây cao để chế biến sản phẩm đặc sản chè Tủa Chùa; phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa; tận dụng lợi thế lòng hồ sông Ðà phát triển thủy sản. Huyện sử dụng hiệu quả nguồn vốn các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thay đổi diện mạo nông thôn. Ðến nay huyện có thị trấn Tủa Chùa đạt đô thị loại V; hạ tầng thiết yếu tại các xã được đầu tư khá đồng bộ, khang trang, đáp ứng yêu cầu phát triển. Toàn huyện có 856km đường bộ, trong đó: 220km đường nhựa, 122km đường bê tông, 158km đường cấp phối, 356km đường đất. 12/12 xã, thị trấn có đường nhựa đến trung tâm; 71/121 thôn bản có đường được cứng hóa (láng nhựa hoặc bê tông). Trên 84,5% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Văn hóa - xã hội đạt nhiều thành tựu quan trọng. Huyện đẩy mạnh đầu tư cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo, đến nay có 17/41 trường đạt chuẩn quốc gia; duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2; 6/12 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 (2/12 xã, thị trấn đạt mức độ 3). Công tác xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội được quan tâm và thực hiện có hiệu quả; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm từ trên 70% (năm 2015) xuống còn 41,9%. Kỷ cương, hiệu quả, hiệu lực của bộ máy quản lý Nhà nước được nâng lên. Tình hình chính trị ổn định; quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Công tác xây dựng Ðảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả quan trọng. Tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được củng cố, kiện toàn, hiệu quả hoạt động được nâng lên. Chất lượng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp được quan tâm. Số cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng chiếm trên 85%. Ðặc biệt đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã được quan tâm đào tạo nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị góp phần tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng - an ninh địa phương. Ðảng bộ huyện tăng cường xây dựng, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ và phát triển đảng viên. Từ chỗ chỉ có 1 chi bộ với 6 đảng viên khi mới thành lập, đến nay Ðảng bộ huyện có 44 tổ chức cơ sở đảng (16 đảng bộ, 28 chi bộ) với 3.385 đảng viên; trong đó có 814 đảng viên nữ, 2.505 đảng viên người dân tộc thiểu số.

Vai trò, chất lượng hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội được đổi mới và đi vào thực chất; thường xuyên tổ chức các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, phát huy vai trò chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân. Chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tham mưu giải quyết kịp thời quyền lợi chính đáng của nhân dân. Tích cực tham gia giám sát và phản biện xã hội, làm tốt vai trò cầu nối giữa Ðảng, Nhà nước và nhân dân; tham gia xây dựng Ðảng, chính quyền, góp phần tích cực vào thành tựu chung của huyện.

Những thành tựu to lớn, toàn diện của huyện Tủa Chùa đạt được ngày hôm nay là minh chứng rõ ràng khẳng định vai trò lãnh đạo của Ðảng bộ huyện trong 65 năm xây dựng và trưởng thành. Tiếp nối truyền thống 65 năm qua, giai đoạn tới, Ðảng bộ huyện tiếp tục phát huy dân chủ, sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc, đổi mới tư duy hành động và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, quyết tâm xây dựng Ðảng bộ trong sạch vững mạnh, phát triển huyện Tủa Chùa ngày càng giàu đẹp.

Giàng A Páo

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HÐND huyện Tủa Chùa

Bình luận
Back To Top