Những bông hoa rực rỡ trong vườn hoa thi đua

13:36 - Thứ Sáu, 25/09/2020 Lượt xem: 6622 In bài viết

ĐBP - Trung tâm Hội nghị Văn hóa tỉnh hôm nay rực rỡ cờ hoa, chật kín người với những gương mặt rạng ngời, hân hoan. Họ là những “bông hoa” tiêu biểu nhất, rực rỡ nhất trong vườn hoa thi đua, sáng tạo về dự Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh lần thứ V, giai đoạn 2020-2025.

Các đại biểu trao đổi bên lề Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh lần thứ V. Ảnh: Đức Linh

Người mẹ đặc biệt

Chị Lò Thị Tím - “người mẹ” tiêu biểu đại diện cho 19 mẹ của các con trong Làng trẻ SOS Điện Biên Phủ tham dự Đại hội Thi đua yêu nước lần này và chia sẻ về công tác nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em bị bỏ rơi, không nơi nương tựa. Tự nguyện hy sinh hạnh phúc riêng để chăm sóc, nuôi dạy những đứa con không phải do mình đẻ ra, “mẹ Tím” đã dành tình yêu thương chia sẻ để nuôi dạy các con nên người.

Câu chuyện “mẹ Tím” kể tuy rất đỗi bình dị, là công việc thường ngày chăm sóc, dạy dỗ những trẻ em thiệt thòi, mặc cảm nhưng thật xúc động. Với “mẹ Tím” đó là công việc thường ngày song lại chứa đựng tình yêu thương bao la của những người mẹ ở Làng trẻ SOS Điện Biên Phủ. Cả hội trường lặng đi trong câu chuyện “mẹ Tím” kể. Hơn chục năm nay, trong ngôi nhà Hoa Bưởi do mẹ Tím phụ trách, các con đúng nghĩa có mái ấm của một gia đình. Ở nhiều độ tuổi khác nhau và luôn được mẹ Tím dành tình yêu, sự quan tâm, chăm chút vỗ về, chia sẻ khi buồn tủi; động viên, khích lệ để các con nỗ lực, phấn đấu vươn lên. Với “mẹ Tím”, niềm vui, hạnh phúc vô bờ là bản thân chị đã xây dựng được một mái ấm thực sự cho 16 con với nhiều lứa tuổi trong ngôi nhà Hoa Bưởi; để các con cảm nhận được tình cảm mẹ con, anh chị em trong gia đình, tình cảm của cả cộng đồng. Sự trưởng thành của các con là niềm vui, là động lực, nguồn động viên để mẹ Tím nỗ lực, tận tâm phấn đấu nhiều hơn nữa.

“Mẹ Tím” cho rằng những tình cảm của mình cũng như các mẹ, lãnh đạo, cán bộ nhân viên Làng trẻ SOS Điện Biên Phủ dành cho các con là sự quan tâm chân thực nhất, xuất phát từ trái tim, tấm lòng người mẹ với mong muốn đem đến những điều tốt đẹp nhất để các con nhận thấy mình là người không cô đơn, không đơn độc; có người thân yêu để chia sẻ niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống. Đây cũng là cách giúp các con ý thức hơn để khi lớn lên trở thành những công dân có ích cho xã hội. Tình yêu thương của các mẹ, các dì trong làng trẻ, sự tận tâm chăm chút để các con hàng ngày có cuộc sống đầm ấm, bình yên trong ngôi nhà mang ý nghĩa nhân văn cao cả này.

Vượt lên thích ứng cuộc sống mới

Thấm nhuần lời kêu gọi thi đua của Bác Hồ: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, nhiều tập thể, cá nhân trong các lĩnh vực, địa phương, đơn vị trong tỉnh đã khắc phục khó khăn thi đua bằng những việc làm cụ thể, gắn với chính nhiệm vụ của mình. Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, đổi mới đã xuất hiện qua các phong trào thi đua. Họ đã tạo nên vườn hoa thi đua đa sắc màu, là động lực đổi mới, phát triển trong toàn tỉnh. Khi tiếp xúc, lắng nghe những chia sẻ của các điển hình tiên tiến dự Đại hội đó đều là những tâm sự mộc mạc, bình dị.

Trong hơn ba trăm đại biểu về dự Đại hội, tôi chú ý tới người đàn ông có gương mặt rám nắng, ánh nhìn rất thân thiện. Hỏi ra mới biết, ông là Chui Văn In, có thâm niên 15 năm làm Trưởng bản Đớ (phường Na Lay, TX. Mường Lay). Chia sẻ với chúng tôi về những việc mọi người thường hay bông đùa gọi là người “vác tù và”, ông In nói: Bản Đớ quê mình là nơi sinh sống của gần trăm hộ dân tộc Thái trắng. Trước đây, bà con trong bản chỉ quen làm nông, trông chờ vào hạt thóc, hạt ngô nhưng vẫn còn cơ cực lắm. Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về triển khai Dự án tái định cư thủy điện Sơn La, các hộ trong bản đều phải nhường đất cho dự án. Đất sản xuất vốn không nhiều nay càng ít hơn nên không ít gia đình ái ngại, lo lắng cho cuộc sống sau tái định cư. Trước tình hình đó, tôi cùng các đồng chí trong chi bộ, ban công tác mặt trận và các đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động bà con ủng hộ, di dời để triển khai dự án. Nhiệm vụ chính trị đã hoàn thành, song gia đình tôi và nhiều hộ khác trong bản lại phải đối mặt với cảnh thiếu đói do thiếu đất sản xuất. Quyết tâm vượt khó vươn lên, thi đua chuyển đổi ngành nghề cho phù hợp; cùng với sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước bà con trong bản quyết tâm cùng phường, thị xã tái thiết đô thị xây dựng cuộc sống mới. Từ sản xuất thuần nông, sau thực hiện dự án Tái định cư thủy điện Sơn La tới nay bà con đã dần quen với các nghề mới, như: Dịch vụ hàng hóa nhỏ lẻ, sửa chữa xe máy, xe đạp; taxi, phát triển các nghề tiểu thủ công nghiệp… giúp cuộc sống của người dân được cải thiện và nâng cao. Ông In cho biết, gia đình tận dụng diện tích đất làm vườn trồng các loại cây ăn quả (mít, xoài, bưởi, vải), làm trang trại nuôi trâu bò; đào ao thả cá… mỗi năm thu khoảng 200 triệu đồng. Theo gương ông, các hộ dân trong bản tích cực chuyển đổi, đa dạng hóa ngành nghề nên cuộc sống ngày càng khấm khá hơn.

Còn rất nhiều những điển hình, những bông hoa trong vườn hoa thi đua 5 năm qua mà trong phạm vi bài viết này chưa thể đề cập. Nhiều phong trào thi đua yêu nước đã được tổ chức, phát động và được đông đảo tầng lớp nhân dân hưởng ứng bằng những việc làm cụ thể, thiết thực với những mô hình, cách làm sáng tạo; góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của tỉnh giai đoạn 2015 - 2020.

Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh lần thứ V (giai đoạn 2020 - 2025) đã khép lại, song dòng chảy cuộc sống vẫn là mạch nguồn để các phong trào thi đua yêu nước lớn mạnh, lan tỏa sâu rộng và sẽ thêm nhiều điển hình tiên tiến trong các lĩnh vực. Tin chắc rằng trong số 346 đại biểu tiên tiến có mặt hôm nay dịp sau sẽ lại gặp nhau để cùng chia sẻ những cách làm hay, những mô hình mới, những kinh nghiệm thiết thực tại từng địa phương… Đó là động lực để mỗi đại biểu, mỗi người dân Điện Biên dù ở cương vị nào, làm bất cứ việc gì cũng sẽ luôn nỗ lực, luôn phấn đấu vì mục tiêu cùng góp sức xây dựng và phát triển quê hương vững mạnh.

Minh Thùy
Bình luận
Back To Top