Thi đua là động lực, đòn bẩy đổi mới và phát triển

14:39 - Thứ Sáu, 25/09/2020 Lượt xem: 6213 In bài viết

ĐBP - 5 năm qua, Tỉnh ủy, HÐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành bám sát nhiệm vụ gắn với thực tiễn để tổ chức, phát động và triển khai thực hiện các phong trào thi đua yêu nước có nhiều đổi mới, sáng tạo và mang lại hiệu quả cao.Qua phong trào thi đua yêu nước xuất hiện nhiều mô hình tốt, cách làm hay; nhiều điển hình tập thể và cá nhân được biểu dương, khen thưởng. Báo Ðiện Biên Phủ ghi ý kiến của đại biểu dự Ðại hội Thi đua yêu nước tỉnh lần thứ V (giai đoạn 2020 - 2025) khẳng định các phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực và có nhiều đổi mới đã tạo động lực góp phần thúc đẩy sự phát triển của tỉnh.

Bà Lò Thị Luyến, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh:

Nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong công việc

Bà Lò Thị Luyến, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh.

Với vai trò là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh, những năm qua tôi cùng các đồng chí Thường trực Hội LHPN tỉnh đề ra nhiều giải pháp tổ chức thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của Hội. Nhờ tích cực thực hiện các phong trào thi đua đã góp phần quan trọng giúp Hội LHPN tỉnh cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nghị quyết Ðại hội Phụ nữ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2016 - 2021, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðảng bộ tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua theo hướng thiết thực, trọng tâm, bám sát nhiệm vụ chính trị được giao. Trong đó xác định thực hiện khâu đột phá cải tiến phương pháp làm việc của cán bộ hội cấp cơ sở; huy động nguồn lực hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giảm nghèo bền vững. Thông qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều cán bộ, hội viên, phụ nữ tiêu biểu, xuất sắc, được cấp ủy, chính quyền, nhân dân ghi nhận; nhiều mô hình hiệu quả tốt được nhân rộng, khích lệ, động viên hội viên, phụ nữ hăng hái lao động, sản xuất, tích cực học tập nâng cao trình độ, từng bước khẳng định vai trò của phụ nữ, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.

Là Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, tôi luôn bám sát cơ sở Hội, tìm hiểu tình hình đời sống của hội viên, phụ nữ để đưa ra những biện pháp xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, thu hút đông đảo chị em tham gia. Phong trào phụ nữ và hoạt động công tác Hội được đổi mới, hướng về cơ sở gắn với thực tế đời sống hội viên để Hội thực sự là chỗ dựa tin cậy của hội viên, phụ nữ. Nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong công việc, tôi luôn cố gắng nhiều hơn nữa để trở thành tấm gương cho hội viên, phụ nữ noi theo, đóng góp sức mình vào thành tích phong trào phụ nữ và hoạt động công tác Hội Phụ nữ của tỉnh.

Gia Kiên (ghi)

Ông Nguyễn Lệ Quế, Chủ tịch HÐQT Công ty Cổ phần Cấp nước Ðiện Biên:

Thi đua là động lực hoàn thành tốt nhiệm vụ

Tôi cho rằng với tất cả các ngành, lĩnh vực, trong đó có khối doanh nghiệp thì thi đua, khen thưởng là vô cùng cần thiết. Thi đua, khen thưởng là động lực quan trọng thúc đẩy sản xuất kinh doanh giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, tạo môi trường thuận lợi để cán bộ, công nhân viên, người lao động phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Cấp nước Ðiện Biên, tôi cùng Ban Giám đốc thực hiện tốt chủ trương của Ðảng, Nhà nước trong việc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, bố trí sắp xếp lại nhân sự hợp lý giúp công tác quản lý doanh nghiệp ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí quản lý từ đó tăng doanh thu và lợi nhuận cho Công ty, tăng thu cho ngân sách Nhà nước mà vẫn đảm bảo chế độ, quyền lợi, chính sách cho người lao động. Với tổng số 230 cán bộ, công nhân viên, người lao động đa số là lao động làm việc trực tiếp tại các phân xưởng, tổ, đội; Công ty đảm bảo thu nhập bình quân cho người lao động năm 2019 là 5,9 triệu đồng/người/tháng. Hàng năm, Công ty luôn hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, doanh thu năm 2019 đạt 59,5 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước hơn 6,7 tỷ đồng; từng bước đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch ngày càng tăng của các tổ chức và cá nhân đóng trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ và một số huyện, thị khác.

Gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua, tôi cùng Ban Giám đốc đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo điều hành hoạt động của Công ty, phát huy tinh thần sáng tạo, cải tiến nền nếp, tác phong làm việc góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 5 năm qua, tôi đã có nhiều giải pháp, sáng kiến và tham gia thực hiện nhiều đề tài, đề án khoa học được Hội đồng sáng kiến các cấp công nhận. Ðặc biệt, trong năm 2016 và năm 2017 tôi có 2 sáng kiến, kinh nghiệm được Hội đồng sáng kiến cấp tỉnh công nhận đó là “Một số giải pháp trong công tác chống thất thoát nước sạch tại TP. Ðiện Biên Phủ” và Ðề tài “Công tác đấu nối, mở họng bằng phương pháp hàn gang tại Công ty Cổ phần cấp nước Ðiện Biên”. Những sáng kiến, kinh nghiệm này được áp dụng vào thực tiễn trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, tiết kiệm hàng tỷ đồng mỗi năm cho doanh nghiệp.

Minh Thùy (ghi)

Ông Nguyễn Hồng Chuyên, hội viên nông dân xã Mường Mùn (huyện Tuần Giáo):

Thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi

Ông Nguyễn Hồng Chuyên, hội viên nông dân xã Mường Mùn (huyện Tuần Giáo).

Thấm nhuần lời dạy của Bác “Thi đua là yêu nước, yêu nước là phải thi đua”, tôi luôn cố gắng làm thật tốt công việc của mình với suy nghĩ mỗi việc mình làm có lợi cho bản thân, cho gia đình, cho quê hương đều thể hiện tình yêu nước. Hưởng ứng phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, nhiều năm qua gia đình tôi luôn đăng ký và phấn đấu đạt danh hiệu hội nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp và đặc biệt vừa qua tôi đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020”; trước đó (năm 2019) tôi vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Với mô hình phát triển kinh tế VAC, hàng năm gia đình tôi xuất bán trên 20 tấn sản phẩm chăn nuôi gia cầm, chủ yếu là gà xương đen địa phương và các loại gà thương phẩm phục vụ thị trường, tổng doanh thu đạt hơn 2 tỷ đồng. Mô hình phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa của gia đình đã tạo việc làm cho 6 lao động địa phương với thu nhập 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. Nhận thấy tiềm năng lợi thế của địa phương trong phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho các hộ trong bản; năm 2018 tôi mạnh dạn thành lập HTX chăn nuôi bản Lúm với số vốn điều lệ 2 tỷ đồng, thu hút 10 thành viên tham gia. Với vai trò là Giám đốc HTX hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, trồng cây ăn quả, rau sạch và trồng rừng; đồng thời là hội viên nông dân của xã nên tôi luôn tích cực tham gia các phong trào thi đua do Hội Nông dân các cấp và địa phương phát động; nhất là giúp các hội viên xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Cùng với việc chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức sản xuất, chăn nuôi; tôi cùng các thành viên của HTX tích cực hướng dẫn các gia đình trong bản, trong xã chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng an toàn, bền vững; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, nhờ đó thêm nhiều hộ mở rộng quy mô chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp thêm nhiều hộ thoát nghèo, nhiều hộ có đời sống kinh tế khấm khá. Không chỉ giúp gia đình làm giàu, thành viên HTX có việc làm, thu nhập ổn định, tôi luôn mong muốn góp phần công sức, tâm huyết của mình trong phát triển chăn nuôi an toàn, không dịch bệnh để đưa sản phẩm sạch do chính HTX làm ra đến được nhiều hơn với người tiêu dùng. Bản thân tôi luôn phấn đấu, thi đua làm gương cho hội viên, nông dân học tập và làm theo.

Gia Kiệt (ghi)

Bà Pờ Mỳ Lế, Bí thư Ðảng ủy xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé):

Thi đua yêu nước bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ biên giới quốc gia

Bà Pờ Mỳ Lế, Bí thư Ðảng ủy xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé).

Là xã biên giới, Sín Thầu có đường biên tiếp giáp với 2 nước: Trung Quốc - Lào dài 40,5km và 16 cột mốc (tuyến biên giới Việt - Trung dài 19,5km với 8 cột mốc; tuyến biên giới Việt - Lào dài 21km với 7 mốc và 1 cột mốc ngã ba). Ðặc biệt, Sín Thầu có địa hình hiểm trở, giao thông khó khăn, trình độ dân trí của người dân còn hạn chế; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiềm ẩn những vấn đề phức tạp... Ðồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đi làm tự do sang bên kia biên giới vẫn tiếp diễn; một số phần tử xấu lén lút lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của người dân kích động, chia rẽ, gây mất đoàn kết trong một bộ phận người dân.

Trên cương vị là Bí thư Ðảng ủy xã, tôi cùng cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước, triển khai phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”; bảo vệ đường biên, cột mốc... Ðặc biệt, trong công tác bảo vệ an ninh biên giới, đường biên cột mốc, tôi cùng các đồng chí cấp ủy chỉ đạo các tổ chức đoàn thể và trực tiếp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con không tin, không nghe theo kẻ xấu. Tích cực chỉ đạo cấp ủy chi bộ và các đoàn thể chính trị ở khu dân cư thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở; tuyên truyền người dân thực hiện nếp sống văn minh, sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật. Tập trung tuyên truyền, vận động người dân với phương châm nhiều “không”: Không tin, không nghe theo các luận điệu tuyên truyền trái pháp luật, không di dịch cư tự do, không tàng trữ, vận chuyển, mua bán và sử dụng các loại ma túy, vũ khí vật liệu nổ... Vận động nhân dân tích cực tham gia tuần tra biên giới, là tai là mắt của bộ đội biên phòng trong công cuộc gìn giữ bình yên khu vực biên giới. Ðồng thời, tôi cũng tích cực triển khai, đưa các chủ trương, chính sách của Ðảng, pháp luật Nhà nước đến nhân dân; nâng cao nhận thức trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân trong việc bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, xây dựng bản làng bình yên, no ấm.

Ðến nay, xã Sín Thầu đã xây dựng 7 tổ an ninh tự quản với 32 thành viên; 9 hộ, 54 nhân khẩu sống ở giáp ranh khu vực biên giới tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc. Nhờ vậy phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự thôn bản”, “Kết nghĩa bản - bản hai bên biên giới” tạo sức lan tỏa sâu rộng và trở thành hành động tự giác, tích cực của người dân trên mảnh đất ngã ba biên giới.

Sầm Phúc (ghi)

 

giáo Nguyễn Thị Hường, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - THCS Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ

Nỗ lực vì học sinh thân yêu

Cô giáo Nguyễn Thị Hường, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - THCS Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ.

 

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng, sau khi tốt nghiệp Trường sư phạm chuyên ngành ngữ văn, tôi tình nguyện lên với học sinh người Mông, người Thái... nơi rẻo cao huyện Nậm Pồ.

Mang trên vai sứ mệnh “trồng người” nơi biên cương Tổ quốc, tôi không ngừng tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, tham khảo tài liệu, sách báo, tự trau dồi kỹ năng truyền thụ và biểu cảm trong mỗi bài giảng, tiếp thêm cho các em niềm say mê học tập và sáng tạo. Đặc biệt, thực hiện phong trào thi đua “Hai tốt”, “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”... tôi không những sáng tạo, triển khai các phương pháp dạy học mới, phù hợp với từng học sinh mà còn luôn năng nổ, nhiệt tình tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao do nhà trường, ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Cùng với cán bộ, giáo viên nhà trường, tôi luôn chú trọng phát hiện và có những biện pháp hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, động viên các em tiếp tục cố gắng vươn lên trong học tập.

Từ sự yêu nghề, gần 10 năm đứng trên bục giảng, tôi luôn đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Đặc biệt, dưới sự dìu dắt, tận tâm ôn luyện của của tôi và các thầy cô giáo, năm nào trong các kỳ thì học sinh giỏi, học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - THCS Nà Hỳ cũng đạt nhiều giải cao. Riêng năm học 2017 - 2018 đã có 1 em học sinh của nhà trường thi vượt cấp, đạt giải ba cấp tỉnh môn Ngữ văn.

Phương Linh (ghi)

Bình luận
Back To Top