Bài dự thi giải báo chí toàn quốc về xây dựng Ðảng

Chủ động tạo nguồn nhân sự cấp ủy khóa mới (bài 1)

09:03 - Thứ Sáu, 02/10/2020 Lượt xem: 6806 In bài viết

ĐBP - Ðiện Biên là tỉnh biên giới miền núi Tây Bắc Tổ quốc. Tỉnh có trên 82% dân số là người dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, việc chuẩn bị tốt nguồn nhân sự cấp ủy các cấp của Ðảng bộ tỉnh đảm bảo số lượng, nâng cao về chất lượng luôn được cấp ủy các cấp đặc biệt quan tâm nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bài 1: Khắc phục sự thiếu hụt nguồn nhân sự

Là cán bộ cơ quan tổ chức của huyện, được điều động về làm Phó Bí thư Ðảng ủy xã, anh Trần Hiến Giang, Phó Bí thư Ðảng ủy xã Chiềng Sinh (huyện Tuần Giáo), hiểu rõ những khó khăn của công tác cán bộ, đặc biệt đối với cấp xã. Chia sẻ với chúng tôi, anh Giang cho biết: Ðảm bảo số lượng cán bộ tham gia cấp ủy, chính quyền cấp xã đã khó, đảm bảo chất lượng đội ngũ cán bộ cấp ủy, chính quyền còn khó hơn nữa. Muốn làm được, Ðảng ủy phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước đó vài năm để tìm nguồn và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, không thì phải đề xuất với huyện điều chuyển cán bộ từ nơi khác về. Nhiệm kỳ 2015 - 2020, cấp ủy xã gồm 11 đồng chí, trong đó, cán bộ có trình độ đại học là 3 đồng chí, còn lại là trung cấp hoặc chưa có trình độ chuyên môn. Về trình độ lý luận chính trị, trình độ trung cấp có 9 đồng chí, còn lại 2 đồng chí chưa được đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị.

Không chỉ đối với cấp xã, mà ở cấp huyện và các sở, ban, ngành trực thuộc tỉnh, trong những năm trước đây còn nhiều vướng mắc trong lựa chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý. Cán bộ có năng lực và kinh nghiệm thực tiễn thì thiếu trình độ chuyên môn; cán bộ có trình độ chuyên môn thì chưa được rèn luyện, thử thách ở cơ sở; cán bộ đảm bảo trình độ chuyên môn, có năng lực, kinh nghiệm thực tiễn thì quá tuổi bổ nhiệm hoặc không đúng cơ cấu về giới tính, dân tộc... Ðể khắc phục tình trạng này, Tỉnh ủy đã xác định phải có kế hoạch dài hạn lựa chọn tạo nguồn, đưa vào đào tạo, bồi dưỡng nhằm chủ động trong công tác cán bộ, chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khi được giao. Ðây chính là nội dung chủ yếu của công tác quy hoạch cấp ủy, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Bám sát Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 30/11/2004 của Bộ Chính trị; Hướng dẫn số 15-HD/BTCTW, ngày 5/11/2012 của Ban Tổ chức Trung ương về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, đưa công tác quy hoạch vào nền nếp, thường xuyên, có chất lượng. Ðồng thời ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch cấp ủy, cán bộ lãnh đạo quản lý.

Có thể nói công tác cán bộ nói chung, công tác quy hoạch cấp ủy, cán bộ quản lý nói riêng chưa nhiệm kỳ nào được chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt cơ sở pháp lý cũng như về quy định, hướng dẫn, quy trình và cách thức tiến hành như nhiệm kỳ này. Do vậy, cấp ủy các cấp đã có sự chủ động trong xây dựng kế hoạch, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch hàng năm một cách thường xuyên cho phù hợp với tình hình thực tế, tạo được số lượng cán bộ dự nguồn chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trước mắt cũng như lâu dài. Từ năm 2017 đến nay, các cấp ủy, lãnh đạo cơ quan đơn vị trong toàn tỉnh thực hiện nghiêm túc công tác quy hoạch cấp ủy, các chức danh lãnh đạo, quản lý hàng năm gắn với kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức. Ðưa ra khỏi quy hoạch đối với những trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ hoặc vi phạm khuyết điểm, đồng thời bổ sung vào quy hoạch những nhân tố mới, có triển vọng phát triển tốt, tạo nguồn đào tạo, bồi dưỡng lâu dài. Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, có hơn 90 đồng chí được quy hoạch cấp ủy tỉnh, 30 đồng chí được quy hoạch Ban Thường vụ Tỉnh ủy, 20 đồng chí được quy hoạch các chức danh lãnh đạo tỉnh; hơn 1.000 lượt cán bộ quy hoạch cấp ủy, các chức danh lãnh đạo cấp huyện, trong đó: Quy hoạch Ban chấp hành (BCH) hơn 700 đồng chí; Ban Thường vụ (BTV) hơn 200 đ/c; các chức danh lãnh đạo cấp huyện hơn 200 đồng chí; gần 400 lượt cán bộ quy hoạch chức danh cấp trưởng, phó các sở, ban, ngành và tương đương; hơn 6000 lượt cán bộ, đảng viên quy hoạch cấp ủy, các chức danh lãnh đạo cấp xã, trong đó quy hoạch BCH hơn 2.500 đồng chí; BTV  gần 900 đồng chí; các chức danh lãnh đạo cấp xã hơn 2.600 đồng chí.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quy hoạch cấp ủy, cán bộ lãnh đạo, quản lý còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là tại cấp xã. Theo anh Trần Hiến Giang, để đạt tỷ lệ quy hoạch từ 1,5 đến 2 lần so với số lượng ban chấp hành đương nhiệm của Ðảng ủy xã, nói thì dễ nhưng làm được là rất khó, vừa phải đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện, vừa phải đảm bảo cơ cấu độ tuổi, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số. Ðược biết Chiềng Sinh là xã khó khăn, phần lớn thanh niên đi làm kinh tế ở các khu công nghiệp, dịch vụ tại các thành phố lớn, để tìm, chọn được cán bộ yên tâm ở xã công tác gặp nhiều khó khăn. Năm 2015, số lượng cán bộ, công chức ở xã có 15 đồng chí. Lấy hết cán bộ, công chức cấp xã, kể cả số lượng bán chuyên trách là 16 đồng chí vào quy hoạch cấp ủy, các chức danh lãnh đạo cấp xã, quy hoạch số lượng tối đa 03 chức danh cho mỗi người thì mới đủ tỷ lệ quy định. Quy hoạch như vậy cơ bản đảm bảo số lượng nhưng chưa động viên, khích lệ được cán bộ phát huy năng lực công tác, chưa đảm bảo chất lượng nguồn quy hoạch. Từ khi có Nghị quyết số 18 về tinh giản biên chế, số lượng cán bộ công chức cấp xã giảm đáng kể, tại xã Chiềng Sinh, đầu năm 2020 chỉ còn 18 biên chế, việc này ảnh hưởng không nhỏ đến nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu số lượng cán bộ quy hoạch của xã.

Còn tại huyện Nậm Pồ, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác quy hoạch cán bộ của huyện, đồng chí Lê Khánh Hòa, Bí thư Huyện ủy Nậm Pồ cho biết: Nậm Pồ là một huyện khó khăn, mới thành lập, cần phải nỗ lực và quyết liệt trong mọi mặt công tác để từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xây dựng đội ngũ cán bộ của huyện đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng nhiệm vụ được giao. Huyện ủy xác định lấy quy hoạch cấp ủy cấp cơ sở, các tổ chức đảng trực thuộc làm cơ sở, tạo nguồn quy hoạch cấp ủy cấp huyện, phải làm sao nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quy hoạch cấp ủy cơ sở để đảm bảo quy hoạch cho cấp huyện được khả thi. Những năm qua, Huyện ủy đã bám sát hướng dẫn, quy định của tỉnh, chủ động xây dựng, điều chỉnh quy hoạch cấp thuộc thẩm quyền, hướng dẫn sát sao và còn phải cùng làm quy hoạch với cấp cơ sở. Giới thiệu cán bộ của huyện vào quy hoạch cấp xã; giới thiệu cán bộ xã này quy hoạch vào cấp ủy, các chức danh lãnh đạo xã khác, vừa giúp quy hoạch của cấp xã đảm bảo các tiêu chí theo quy định, vừa thực hiện phương châm “động” và “mở” trong quy hoạch cấp ủy, cán bộ lãnh đạo, quản lý và tạo tiền đề thực hiện tốt tiêu chí bố trí người đứng đầu không là người địa phương và công tác luân chuyển cán bộ của huyện trong những năm tiếp theo. Bằng những cách làm sáng tạo, linh hoạt, chỉ sau 3 năm Ðảng bộ huyện Nậm Pồ đã xây dựng được đội ngũ cán bộ trong quy hoạch đảm bảo quy định, từng bước giải quyết sự hụt hẫng trong công tác cán bộ của huyện, chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp của huyện được nâng lên.

Thực hiện đúng và thực hiện tốt công tác quy hoạch với phương châm làm đến đâu, chắc đến đó, gắn quy hoạch với các khâu khác trong công tác cán bộ, tỉnh Ðiện Biên đang dần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nói chung, nguồn cán bộ trong quy hoạch nói riêng, khắc phục tình trạng hẫng hụt trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, đảm bảo tính kế thừa, phát triển, và sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ, giữ vững đoàn kết nội bộ và sự ổn định chính trị.

Bài 2: Những tín hiệu đáng mừng

Lê Thị Diệu Thúy

(Ban Tổ chức Tỉnh ủy)

Bình luận
Back To Top