Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 9

14:35 - Thứ Sáu, 02/10/2020 Lượt xem: 4855 In bài viết

Ngày 2-10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9.

Phát biểu ý kiến mở đầu phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, tháng 9 vừa qua, đất nước có nhiều sự kiện kỷ niệm và đối ngoại quan trọng, đặc biệt là chúng ta đã ngăn chặn hiệu quả dịch Covid-19 nhờ thay đổi phương thức, cách làm; đến nay đã 30 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đó là sự cố gắng lớn của các lực lượng quân đội, công an, y tế, các địa phương, nhất là các thành phố lớn. Các bộ, ngành, địa phương tổ chức sôi nổi Đại hội Thi đua yêu nước.

Chúng ta vui mừng về kết quả của ngành giáo dục về các kỳ thi vừa qua, trong đó, nhiều em đoạt giải cao ở các kỳ thi quốc tế. Chúng ta đã đi 3/4 quãng đường năm 2020, tình hình phát triển kinh tế-xã hội ngày càng tốt hơn, tháng 9 có sự tăng trưởng tốt, các ngành công nghiệp, nông nghiệp, tài chính, ngân hàng.... có xu hướng phục hồi mạnh mẽ, rõ nét, tạo tiền đề để đạt mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội quý IV và cả năm 2020.

Từ số liệu thống kê, chúng ta có cơ sở khẳng định năm nay tăng trưởng dương, đứng đầu các nước ASEAN trong bối cảnh các nước chung quanh tăng trưởng âm. Xuất khẩu đạt mức kỷ lục, thu hút đầu tư nước ngoài có nhiều hình thức phù hợp, đạt mức cao. Chúng ta duy trì được tăng trưởng trong khi các đối tác, chuỗi cung ứng suy thoái nặng nề. Trong khi đó, CPI giảm; tỷ giá, thị trường ngoại tệ ổn định, thị trường chứng khoán khởi sắc trở lại mạnh mẽ.

Khối kinh tế trong nước tăng trưởng xuất khẩu hơn 20%. Ngành nông nghiệp phấn đấu vượt mức xuất khẩu hơn 41 tỷ USD với nhiều sản phẩm mới, khai thác hiệu quả Hiệp định EVFTA, giải ngân vốn đầu tư công đạt mức cao nhất từ trước tới nay. Ba khu vực kinh tế nhà nước, FDI, tư nhân, trở thành động lực quan trọng trong phát triển, tạo việc làm.

Giai đoạn vừa qua một lần nữa khẳng định nông nghiệp vai trò bệ đỡ trong khó khăn. Sản xuất công nghiệp chín tháng có sự khởi sắc, mở ra sự kỳ vọng phục hồi mạnh trong quý IV. Nhiều doanh nghiệp đánh giá triển vọng kinh tế tốt hơn trong quý IV. Chúng ta cũng bảo đảm công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, lao động việc làm phục hồi. Tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Thủ tướng thông tin vui, đó là mặc dù chịu ảnh hưởng lớn dịch bệnh, nhưng Việt Nam có Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) do Nikkei đánh giá đã tăng lên 52,2 điểm trong tháng 9, tăng mạnh so tháng trước (45,7 điểm), thể hiện xu hướng phục hồi rõ nét nền kinh tế Việt Nam cao nhất trong ASEAN. Điều này phản ánh nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong thúc đẩy sản xuất, kinh doanh,  dịch vụ, bên cạnh đó là đề phòng cảnh giác tối đa trước dịch bệnh Covid-19. Tháng 9 này, chúng ta cũng thực hiện tốt mục tiêu kép.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều tồn tại, khó khăn như du lịch, hàng không, vận tải, dịch vụ còn khó khăn. Tăng trưởng còn thấp so tiềm năng, kỳ vọng. Thủ tướng mong các thành viên Chính phủ thảo luận thẳng thắn, đóng góp nhiều giải pháp quan trọng để đạt mức tăng trưởng kỳ vọng, vấn đề là tìm giải pháp nào để đạt mức tăng trưởng cao năm 2021.

Do đó, chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh khống chế dịch Covid-19, tiếp tục chuyển đổi số, chuyển đổi mạnh mẽ lĩnh vực thương mại, phong cách làm việc. Chúng ta cần tăng cường tự lực tự cường trong phát triển đất nước. Hơn lúc nào hết, thời gian tới, năm tới phải tự lực tự cường trong phát triển.

* Trước phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tặng hoa và chúc mừng Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ (KHCN) Chu Ngọc Anh đảm nhiệm trọng trách mới, làm Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Phát biểu ý kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, có quá trình công tác trên nhiều cương vị khác nhau, đồng chí Chu Ngọc Anh đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã giao phó. Trong nhiệm kỳ này, trên cương vị Bộ trưởng KHCN, đồng chí Chu Ngọc Anh đã có đóng góp, nhất là về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo (chỉ số đổi mới sáng tạo của nước tăng nhiều bậc trong năm vừa qua), chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ của Bộ thường xuyên, có kiểm tra, đôn đốc, đạt kết quả tốt.

Với tinh thần “cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã thảo luận, thống nhất cử đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng KHCN đảm nhiệm chức vụ Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương sự cố gắng của Bộ trưởng Chu Ngọc Anh và tin tưởng rằng, với kinh nghiệm công tác, đồng chí sẽ hết sức mình đê xây dựng Thủ đô của chúng ta xứng đáng là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của đất nước. Là đô thị lớn, Hà Nội cùng với TP Hồ Chí Minh hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra thì cũng sẽ đóng góp cho sự phát triển đất nước.

Bày tỏ cảm ơn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Chu Ngọc Anh cho rằng, đây là giây phút đặc biệt đối với mình. Trong suốt chặng đường vừa qua, đồng chí đã cùng với ngành KHCN nỗ lực bám sát chỉ đạo của Chính phủ, của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, “khoa học không vào được cuộc sống nếu không có sự đồng hành của tất cả các bộ, ngành, địa phương, các cấp, các ngành”.

Trên cương vị mới, đồng chí bày tỏ nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình, nhận thức được niềm tin mà Đảng, Nhà nước gửi gắm để cùng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP Hà Nội, đưa Hà Nội phát triển toàn diện và bền vững.

* Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, GDP chín tháng năm 2020 tăng 2,12% (quý I tăng 3,68%; quý II tăng 0,39%; quý III tăng 2,62%), là mức tăng thấp nhất của chín tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì tăng trưởng dương cho thấy tính đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành khôi phục kinh tế, phòng, chống dịch bệnh và sự quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực, cố gắng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp để thực hiện có hiệu quả mục tiêu “vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội”.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,84%, đóng góp 13,62% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,08%, đóng góp 58,35%; khu vực dịch vụ tăng 1,37%, đóng góp 28,03%.

Do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý III chỉ đạt 2,34% so cùng kỳ năm trước. Tính chung chín tháng, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 2,69%; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,6% và là mức tăng thấp nhất của chín tháng các năm 2011-2020.

Tuy nhiên, do dịch bệnh được kiểm soát tốt, các lĩnh vực của nền kinh tế đang bước vào trạng thái hoạt động trong điều kiện bình thường mới, sản xuất công nghiệp tháng 9 đã có sự khởi sắc, mở ra hy vọng sẽ sớm phục hồi và tăng trưởng trở lại trong những tháng cuối năm. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9 tăng 1,2% so tháng trước và tăng 4,7% so cùng kỳ năm trước. 

Tính chung chín tháng, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,6% so cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,5%); trong đó, một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao: Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 71,5%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 13,2%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 6,5%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 6,3%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 5,8%.

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 9 giảm 12,6% so cùng kỳ năm 2019, chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19; bên cạnh đó, tháng 9 năm nay trùng với tháng bảy âm lịch, người dân có tâm lý hạn chế khởi sự kinh doanh. Tuy nhiên, quy mô vốn đăng ký tiếp tục được các doanh nghiệp mở rộng, tăng 45% so cùng kỳ năm trước.

Tính chung chín tháng năm 2020, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt 133,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 2,9% so cùng kỳ năm trước; quy mô vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14,4 tỷ đồng, tăng 14,4%. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý IV-2020 với 81% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn...

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới làm đứt gãy thương mại quốc tế, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn giữ được mức tăng dương, trong đó nổi lên vai trò của khu vực kinh tế trong nước khi kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu chín tháng đều tăng so cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 9 ước tính đạt 51,5 tỷ USD, tăng 15% so cùng kỳ năm trước.

Tính chung chín tháng năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 388,73 tỷ USD, tăng 1,8%; trong đó, xuất khẩu đạt 202,86 tỷ USD (tăng 4,2%), nhập khẩu đạt 185,87 tỷ USD (giảm 0,8%). Khu vực kinh tế trong nước có giá trị kim ngạch xuất khẩu chín tháng tăng cao 20,2%, nhập khẩu tăng 4,7%. Cán cân thương mại chín tháng tiếp tục xuất siêu, đạt mức 16,99 tỷ USD...

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top