Phát huy tinh thần Chiến thắng Biên giới Thu - Ðông 1950 trong sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa

14:38 - Thứ Sáu, 02/10/2020 Lượt xem: 4548 In bài viết

Đến giữa năm 1950, cùng với việc củng cố hành lang Ðông - Tây, thực dân Pháp đã thực hiện được kế hoạch mở rộng chiếm đóng ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ và củng cố phòng tuyến biên giới đông bắc. Tình hình đó đặt cuộc kháng chiến của nhân dân ta trước những khó khăn, trong khi nhu cầu cung cấp lương thực, vũ khí trang bị cho xây dựng các lực lượng và chiến đấu ngày càng lớn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đài quan sát tại mặt trận Đông Khê (1950).

Thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính, quân và dân ta ra sức xây dựng lực lượng, thế trận chiến tranh nhân dân, đặc biệt là ở vùng sau lưng địch. Một bộ phận lớn chủ lực hoạt động theo phương châm "đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung", đẩy mạnh chiến tranh du kích, phát triển lực lượng vũ trang địa phương, từng bước tập trung chủ lực để rèn luyện và nâng cao trình độ vận động chiến. Từ năm 1948 đến giữa năm 1950, quân và dân ta đã mở chừng 20 chiến dịch nhỏ, tiêu diệt một phần sinh lực địch, giải phóng một bộ phận đất đai, nhưng xét về thế và lực, ta chưa tạo ra được chuyển biến quan trọng về cục diện trên chiến trường. Yêu cầu chiến lược của ta lúc này là, phá âm mưu của địch phong tỏa biên giới phía bắc, mở đường giao lưu giữa nước ta với các nước anh em để tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ quốc tế. Thực hiện chủ trương của T.Ư Ðảng, ngày 7-7-1950, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định mở Chiến dịch Biên giới, nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, khai thông biên giới mở đường giao lưu với nước ngoài, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc.

Với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, ý chí tự lực, tự cường, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, vận dụng phương pháp tác chiến đầy mưu trí, sáng tạo, trải qua 29 ngày đêm (16-9 - 14-10-1950) chiến đấu quyết liệt, ta đã giành được thắng lợi to lớn, hoàn thành các mục đích đã xác định, tạo bước ngoặt cơ bản, đưa cuộc kháng chiến của nhân dân ta bước sang một giai đoạn mới.

Sau Chiến thắng Biên giới, tinh thần quyết chiến, quyết thắng, dám đánh, quyết đánh, biết đánh và biết thắng, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của Chiến dịch luôn được quân và dân ta kế thừa, phát huy, trở thành động lực trực tiếp góp phần quan trọng vào thắng lợi to lớn của sự nghiệp xây dựng Quân đội, tiến hành thắng lợi các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Từ năm 1951 đến 1954, Quân đội ta được xây dựng ngày càng trưởng thành, lớn mạnh, liên tiếp mở nhiều chiến dịch trên các chiến trường giành thắng lợi, nhất là cuộc tiến công chiến lược Ðông Xuân 1953 - 1954, với đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Ðông Dương, mở ra trang mới cho cách mạng Việt Nam.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quân đội ta có sự phát triển vượt bậc cả về tổ chức lực lượng, trình độ chỉ huy tác chiến, nghệ thuật quân sự, thật sự trở thành nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. Nhờ đó, quân và dân ta đã lần lượt đánh thắng các chiến lược: "Chiến tranh đơn phương"; "Chiến tranh đặc biệt"; "Chiến tranh cục bộ"; "Việt Nam hóa chiến tranh"; đánh bại hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của đế quốc Mỹ ra miền Bắc; tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Sau ngày đất nước thống nhất, tinh thần Chiến thắng Biên giới năm 1950 tiếp tục được Quân đội phát huy trong nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng, đấu tranh làm thất bại kế hoạch hậu chiến của các thế lực thù địch; xung kích khắc phục hậu quả chiến tranh và anh dũng chiến đấu, cùng toàn dân tiến hành thắng lợi cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới ở hai đầu đất nước và làm tròn nhiệm vụ quốc tế cao cả.

Trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Quân đội ta tiếp tục xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, thể hiện rõ vai trò là lực lượng nòng cốt trong xây dựng tiềm lực, thế trận quốc phòng, khu vực phòng thủ các cấp; luôn sẵn sàng chiến đấu cao, chủ động đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn "Diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch.

Quân đội luôn là lực lượng đi đầu trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia tích cực, có hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội, xung kích trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn... Qua đó, tăng cường mối quan hệ đoàn kết, gắn bó máu thịt quân - dân, làm nền tảng để xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững mạnh. Tích cực thực hiện công tác đối ngoại quốc phòng, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Hiện nay, sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta đang đứng trước nhiều thời cơ thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Trước tình hình đó, cần tiếp tục phát huy tinh thần Chiến thắng Biên giới Thu - Ðông 1950 để đẩy mạnh xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ðể thực hiện điều đó, toàn quân cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

Một là, tập trung xây dựng các cơ quan, đơn vị vững mạnh về chính trị, tạo nền tảng vững chắc để nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu. Thắng lợi của Chiến dịch Biên giới bắt nguồn từ sự lãnh đạo của Ðảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong điều kiện mới, các cấp ủy đảng cần tập trung xây dựng tổ chức đảng cấp mình vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị; kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng Ðảng với bảo vệ Ðảng; kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu "phi chính trị hóa" Quân đội của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Ðảng trong Quân đội.

Các cấp ủy đảng cần làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, làm cho cán bộ, chiến sĩ thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Ðảng, lý tưởng, mục tiêu chiến đấu của Quân đội, truyền thống dân tộc, bản chất, truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ". Tiếp tục đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện phong trào thi đua quyết thắng và Cuộc vận động "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ". Qua đó, xây dựng ý chí, niềm tin, bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, ý thức tổ chức kỷ luật cho cán bộ, chiến sĩ.

Hai là, quyết liệt thực hiện điều chỉnh tổ chức, biên chế, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Quân đội. Kế thừa kinh nghiệm phát huy sức mạnh của bộ đội chủ lực trong Chiến dịch Biên giới, cần tiếp tục điều chỉnh tổ chức, biên chế, triển khai thực hiện có hiệu quả các kết luận, nghị quyết của Ðảng, Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng về tổ chức, biên chế Quân đội nhân dân Việt Nam theo hướng "tinh, gọn, mạnh". Tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, thực hiện tốt Nghị quyết số 765-NQ/QUTW của Quân ủy T.Ư về "Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo". Kết hợp huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị, rèn luyện kỷ luật. Tăng cường huấn luyện, diễn tập tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng, diễn tập đối kháng trong các môi trường và tác chiến khu vực phòng thủ.

Ba là, phát huy tinh thần chủ động, kịp thời nắm chắc tình hình, nhất là công tác nắm địch để tạo nên yếu tố bí mật, bất ngờ, nhanh chóng giành thắng lợi trong Chiến dịch Biên giới, các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc của Ðảng, thường xuyên nêu cao cảnh giác, chủ động nghiên cứu, dự báo chính xác tình hình, tình huống có thể xảy ra. Trên cơ sở đó, tham mưu với Ðảng, Nhà nước có chiến lược, sách lược đúng, linh hoạt, phù hợp để chủ động giải quyết các tình huống, ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa.

Toàn quân duy trì nghiêm chế độ, nền nếp sẵn sàng chiến đấu; chủ động phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng khác xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ. Phát huy vai trò nòng cốt của Quân đội trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân vững mạnh, tiềm lực, thế trận khu vực phòng thủ vững chắc, chú trọng các địa bàn chiến lược, trọng điểm.

Bốn là, tập trung chỉ đạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại quân sự, quốc phòng. Phát huy tinh thần chủ động hội nhập quốc tế của Chiến dịch Biên giới, cần quán triệt và thực hiện hiệu quả Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị "Về Hội nhập quốc tế"; Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư Ðảng khóa XI "Về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới"; Nghị quyết 806-NQ/QUTW của Quân ủy T.Ư "Về Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo". Bám sát thực tiễn, phân tích và dự báo chính xác tình hình, tham mưu, đề xuất với Ðảng, Nhà nước những chủ trương, chính sách, cơ chế thích hợp để đối phó hiệu quả với các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống. Ðẩy mạnh hợp tác song phương, nâng tầm đối ngoại đa phương theo Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 8-8-2018 của Bộ Chính trị. Thực hiện "Dĩ bất biến, ứng vạn biến", tiếp tục giữ vững định hướng chính trị, gắn kết chặt chẽ quốc phòng, an ninh và đối ngoại; kết hợp sức mạnh trong nước và sức mạnh quốc tế; chủ động tham mưu các phương án ngoại giao hiệu quả, giảm căng thẳng, tránh xung đột, đối đầu, tránh bị cô lập, phụ thuộc… hướng tới mục tiêu nâng cao tiềm lực quân sự, quốc phòng.

Năm là, kế thừa, phát huy tinh thần tích cực, chủ động trong Chiến thắng Biên giới, cần đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển nghệ thuật quân sự; nâng cao tiềm lực công nghiệp quốc phòng trong nước. Toàn quân cần chú trọng làm tốt công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu sự thay đổi hiện nay để phát triển nghệ thuật quân sự. Phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng hòa nhập với công nghiệp quốc gia, đạt trình độ tiên tiến, nâng cao tính lưỡng dụng. Từng bước ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong nghiên cứu chế tạo, sản xuất vũ khí trang bị công nghệ cao phục vụ sự nghiệp hiện đại hóa Quân đội.

Sáu là, tập trung nâng cao chất lượng công tác dân vận, củng cố và tăng cường mối quan hệ đoàn kết gắn bó máu thịt với nhân dân. Chiến thắng Biên giới có được là do nhiều nguyên nhân, trong đó, các đơn vị bộ đội chủ lực đã được nhân dân trên địa bàn chiến dịch hết lòng ủng hộ, đùm bọc, giúp đỡ. Trong tình hình mới, các đơn vị Quân đội tiếp tục thực hiện tốt chức năng "đội quân công tác", phát huy vai trò là lực lượng xung kích trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả chiến tranh… Qua đó, tăng cường "thế trận lòng dân", góp phần củng cố tiềm lực, thế trận quốc phòng ngày càng vững chắc.

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Biên giới (1950 - 2020) là dịp để toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân ta tiếp tục khẳng định tầm vóc, giá trị to lớn của Chiến thắng Biên giới Thu - Ðông 1950. Từ đó, vận dụng sáng tạo vào quá trình xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Ðại tướng NGÔ XUÂN LỊCH
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy T.Ư, Bộ trưởng Quốc phòng

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top