Bài dự thi giải báo chí toàn quốc về xây dựng Ðảng

Nậm Pồ - Miền nước đổ (1)

09:15 - Thứ Tư, 07/10/2020 Lượt xem: 8533 In bài viết

ĐBP - Nậm Pồ - theo tiếng địa phương có nghĩa là “nước chảy lớn”. Ðiều này dường như cũng vận vào đặc điểm tiểu vùng khí hậu của huyện biên giới, vùng cao xa xôi, thành lập sau cùng của tỉnh Ðiện Biên. Nơi đây mưa trút xuống quanh năm, nhiều suối dốc, thác cao và đặc biệt là những tuyến đường thường xuyên sạt lở, lầy lội. Với khởi đầu đầy gian khó, sau 7 năm “ra ở riêng”, Nậm Pồ giống như một người được rèn luyện từ khó khăn, vất vả để trưởng thành và hướng tới tương lai tươi sáng hơn.

Ðường vào huyện Nậm Pồ những ngày mới thành lập. Ảnh: Phạm Dương

Bài 1: Những ngày đầu gian khó

Ngày 23/6/2013, huyện Nậm Pồ chính thức ra mắt, thành lập trên cơ sở các xã vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn của 2 huyện: Mường Nhé, Mường Chà. Biên giới những ngày cuối tháng 6 khi đó, mưa rừng như ai bê nước trút xuống, tấm bạt che làm hội trường tạm giữa khoảng sân lầy lội bùn đất, chuẩn bị cho Lễ ra mắt huyện rung lên từng hồi... Như báo hiệu một khởi đầu không hề nhàn nhã cho cấp ủy, chính quyền và nhân dân nơi đây.

 “Củi trôi trên suối”

Khác với cơ bản những địa phương ở nước ta, cái tên Nậm Pồ được đặt cho huyện mới không phải là địa danh của một xã, bản cũ hoặc ghép từ nhiều địa danh mà chính là tên con suối Nậm Pồ - một phụ lưu của sông Ðà. Huyện được chia tách, thành lập với 15 xã (10 xã thuộc huyện Mường Nhé, 5 xã thuộc huyện Mường Chà) trong đó có 8/15 xã biên giới, 15/15 xã đặc biệt khó khăn. Nói về khoảng cách, vị trí địa lí, các xã được chia tách, sáp nhập thành huyện Nậm Pồ đều thuộc diện xa xôi nhất của cả 2 huyện: Mường Chà, Mường Nhé. Cụ thể, từ trung tâm huyện Mường Chà đến trung tâm huyện Nậm Pồ (khi chưa đầu tư xây dựng tuyến đường Km45 - Nà Hỳ) dài 110km, trong đó gần 40km là đường cấp phối đã xuống cấp; quãng đường đến trung tâm huyện Mường Nhé cũng  trên 110km. Cá biệt, Nà Bủng - xã trước thời điểm tháng 6/2013 thuộc huyện Mường Nhé, nếu muốn về trung tâm huyện khi đó sẽ phải đi quãng đường gần 200km, còn muốn đến “thăm” xã cùng huyện là Sín Thầu cần vượt 270km đường hỗn hợp (đất, cấp phối, nhựa) - một khoảng cách nếu ở miền xuôi đã mang tính... khu vực!

Ðó là khoảng cách địa lí, còn nói về giao thông, Nậm Pồ cũng nổi tiếng với những cung đường lầy lội, hiểm trở đến nản lòng người, bùn đất tưởng chừng như là đặc thù cố hữu ở nơi đây. Khi đó, trừ 4 xã nằm dọc quốc lộ 4H (Si Pa Phìn, Phìn Hồ, Chà Nưa, Chà Cang) còn được hưởng chút đường nhựa, còn lại 11 xã  hầu hết là đường đất. Ðiển hình là các cung đường đi xã Nà Bủng, xã Nậm Nhừ, xã Na Cô Sa... Ngay tại xã Nà Hỳ - nơi được coi là trung tâm phát triển về hạ tầng, giao thương, bùn cũng ngập nửa bánh xe mỗi khi đi lại. Hay như xã Nậm Chua, dù là xã có những cơ quan quan trọng nhất của bộ máy hành chính huyện đứng chân (Trung tâm hành chính huyện, Ban Chỉ huy Quân sự huyện) nhưng khi vào trụ sở xã tác nghiệp đầu năm 2014, với khoảng cách 13km từ trung tâm huyện, chúng tôi đã phải mất gần 4 giờ “vật lộn” với bùn lầy. Vào đến trụ sở xã, ngày Ðông lạnh căm mà mồ hôi trộn lẫn nước mưa chảy thành dòng trên mặt. Ðã vậy, câu nói thật mà như đùa của ông Lèng Văn Xương, Chủ tịch UBND xã Nậm Chua khi đó “Sao các anh không đi bộ cho nhanh?” (đúng là đi bộ sẽ nhanh hơn thật, do không phải “cõng” thêm chiếc xe máy lấm lem bùn đất). Thêm một hình ảnh “ấn tượng mạnh” về giao thông Nậm Pồ những ngày đầu thành lập. Ðó là tại một số địa bàn vùng cao nói chung, do đường xấu nên muốn lưu thông an toàn, người dân lắp thêm bộ xích vào lốp xe để tăng độ bám đường. Riêng ở Nậm Pồ, không chỉ xe máy, nhiều chiếc ô tô, kể cả xe khách cũng lắp xích cho xe. Nhìn những chiếc xe khách cuốn bộ xích cỡ lớn vào bánh, lắc lư trên cung đường bùn lầy nhiều người tái mặt lo lắng... Lưu thông ở Nậm Pồ trước và những ngày đầu mới thành lập được ví như “củi trôi trên suối” với sự chênh vênh, gập ghềnh và đôi khi là cả buông xuôi...

Tiếp quản “miền quên lãng”

Ðịa bàn biên giới xa xôi, giao thông hiểm trở, khó khăn thuộc diện bậc nhất cả nước khiến nhiều xã, bản ở Nậm Pồ như tách biệt với thế giới, với nhiều cái “không” - không điện, không đường, không trường, trạm; không nước sinh hoạt, không sóng điện thoại... Theo lời một lãnh đạo huyện Nậm Pồ hiện nay, với sự xa cách vời vợi, đi lại khó khăn tưởng chừng như không thể cất bước, nên không nên trách cán bộ các huyện cũ không sâu sát cơ sở. Ðặc biệt là huyện Mường Nhé, trước khi chia tách huyện có 16 xã (sau đó tiếp tục chia tách các xã nội huyện khi thành lập huyện Nậm Pồ), trong đó riêng xã Mường Toong (gồm 4 xã: Mường Toong, Quảng Lâm, Nậm Kè, Na Cô Sa ngày nay) có diện tích 700km2 (gần bằng tỉnh Bắc Ninh) với đa phần đường mòn, đi bộ qua núi cao, vực sâu. Có những cán bộ huyện Mường Nhé cả một nhiệm kỳ không thể đến được hết các xã, hay như tại Mường Toong khi đó, thời gian cán bộ xã đi bản được tính bằng... tuần. Chính vì vậy, “ánh sáng” trong chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhiều khi không xuống đến cơ sở một cách đầy đủ. Nhiều người có cảm giác: Hầu hết các xã của huyện Nậm Pồ khi đó giống như “miền quên lãng”, chông chênh, thiếu định hướng.

Người dân bế tắc trong phương thức sản xuất, cuộc sống nghèo đói và thậm chí giống như câu nói “củi trôi trên suối”. Rồi dễ dàng tin vào những điều viển vông, dễ dàng tin theo lời kẻ xấu, sự kích động của các thế lực thù địch, chống đối Ðảng, Nhà nước, tạo “điểm nóng” về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Ðiển hình của sự tích tụ tư tưởng sai lầm, chống đối, ly khai là vụ việc tụ tập đông người, “xưng vương - lập Nhà nước Mông” tại bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé năm 2011, trong đó nhiều đối tượng cầm đầu, cốt cán sinh sống, hoạt động tại các xã: Na Cô Sa, Nậm Nhừ... thuộc huyện Nậm Pồ ngày nay. Cả huyện Nậm Pồ năm 2013 còn 40 bản chưa có đảng viên; 31/127 bản, 14/15 trạm y tế có đảng viên nhưng chưa có chi bộ. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chiếm 59% (tăng lên 72,09% khi áp dụng chuẩn nghèo đa chiều).

Thành lập trên cơ sở tiếp quản vùng đất khó, nhiệm vụ đầu tiên, quan trọng nhất của cấp ủy, chính quyền huyện mới là nắm và xốc lại hệ thống chính trị cơ sở (xã, bản). Ngay sau khi thành lập, Huyện ủy đã phân công từng đồng chí trong ban thường vụ, ban chấp hành phụ trách, bám, nắm tình hình cơ sở. Các đồng chí thường trực Huyện ủy, thường trực UBND huyện được giao phụ trách trực tiếp các xã phức tạp về an ninh chính trị, đặc biệt khó khăn về kinh tế - xã hội. Cụ thể, đồng chí Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện phụ trách xã Na Cô Sa; đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách xã Nậm Nhừ; đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện nắm xã Nà Bủng... với những kế hoạch cụ thể, chi tiết, nhiều nội dung làm việc trực tiếp để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân. Ngoài ra, có một mục tiêu bất thành văn là các cán bộ chủ chốt (ủy viên ban thường vụ, ủy viên ban chấp hành Huyện ủy; trưởng các phòng, ban Huyện ủy, HÐND, UBND huyện) trong vòng 3 tháng phải đến, nắm tình hình tất cả 15/15 xã trong huyện.     

Bài 2: Những “sợi chỉ đỏ”

Phạm Dương
Bình luận
Back To Top