Bài dự thi giải báo chí toàn quốc về xây dựng Ðảng

Nậm Pồ - Miền nước đổ (2)

09:02 - Thứ Sáu, 09/10/2020 Lượt xem: 5878 In bài viết

Bài 1: Những ngày đầu gian khó

Bài 2: Những “sợi chỉ đỏ”

Thành lập với nhiều địa bàn “toàn không”, đặc biệt là không tổ chức Ðảng, đảng viên trong cộng đồng thôn bản (xin nhắc lại, khi thành lập, huyện Nậm Pồ còn 40 bản chưa có đảng viên). Ðến nay, sau 7 năm, Ðảng bộ huyện Nậm Pồ đã hoàn thành mục tiêu “xóa” toàn bộ bản chưa có đảng viên. Có ánh sáng của Ðảng từ cơ sở, nhiều vấn đề khó khăn tưởng chừng khó vượt qua ban đầu đã được giải quyết; cấp ủy, chính quyền và nhân dân từng địa bàn đã có sự chuyển biến tích cực từ tư tưởng đến hành động. Trong đó có sự đóng góp tích cực của từng đảng viên, cán bộ, giáo viên... từ cơ sở.

Cô giáo Lò Thị Vuông hướng dẫn học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Na Cô Sa (huyện Nậm Pồ) học bài. Ảnh: Phạm Dương

Nguyên nhân các thôn, bản chưa có đảng viên được Ðảng bộ huyện Nậm Pồ xác định: Do người dân theo tôn giáo chưa được đăng ký, không có nguồn phát triển đảng viên và là dân di cư tự do từ nơi khác đến không xác định được lịch sử chính trị, trình độ dân trí không cao cộng theo đó là nhiều hộ dân vi phạm chính sách dân số... Huyện ủy đã đưa ra nhiều biện pháp khắc phục như: Giới thiệu các đảng viên đang sinh hoạt tại chi bộ cơ quan xã về sinh hoạt tại bản và giao nhiệm vụ phụ trách toàn diện các mặt tại bản công tác; rà soát, xác định những bản có 100% người theo tôn giáo, đề nghị cho đăng ký hoạt động điểm nhóm dưới sự quản lý của huyện và các cấp có thẩm quyền để tạo nguồn phát triển đảng... Với tinh thần “ở đâu có dân, ở đó có Ðảng”. Ðặc biệt là phát huy vai trò nêu gương, đi trước dẫn đường của từng cán bộ, đảng viên để quần chúng nhân dân tin tưởng và làm theo.

Khá băn khoăn lựa chọn trong nhiều nhân tố cán bộ, đảng viên có những đóng góp tích cực trong mọi mặt công tác xây dựng Ðảng, gương sáng trong phát triển kinh tế để nêu lên, vì ban đầu, khi chuẩn bị thực hiện bài viết này, chúng tôi không có ý định nêu ra những đảng viên là lãnh đạo - những người đương nhiên phải phát huy vai trò nêu gương. Tuy nhiên, có lẽ không thể không nhắc đến anh Khoàng Văn Van, Bí thư Ðảng ủy xã Chà Nưa. Mặc dù báo chí, truyền thông đã viết nhiều về anh với những thành tích nổi bật như: Lãnh đạo Chà Nưa từ một xã có tỷ lệ hộ nghèo 53% năm 2016, giảm xuống còn 11,41% cuối năm 2018, đưa Chà Nưa trở thành xã nông thôn mới đầu tiên của “vùng đất khó” Nậm Pồ sớm 2 năm so với kế hoạch; hay những “dự án 0 đồng” do anh khởi xướng khiến Chà Nưa ngày một xanh, sạch, đẹp mà không cần dùng một đồng nào từ ngân sách... Nhưng ở một góc nhìn khác, có lẽ Bí thư Van là cán bộ có “chất quần chúng” nhất mà chúng tôi từng tiếp xúc. Nụ cười thường trực, sự chân chất, nhiệt tình vốn có của một người vùng cao; sự sâu sát, lăn lộn với cơ sở (cũng chính là nơi anh sinh ra và lớn lên). Khoàng Văn Van thông thạo từng ngõ ngách địa bàn, quen từng con người, từ “quê gốc” Nà Ín của người Thái đến bản biên giới Nậm Ðích của đồng bào Mông. Gặp anh, có cảm giác người đàn ông này luôn “rực cháy” những nhiệt huyết để lan tỏa. Từng ý tưởng, kiến thức sau những lần anh được đi, được học ở các vùng, miền phát triển đều được chắt lọc, thực nghiệm từ chính gia đình mình, rồi truyền đạt, sẻ chia đến đồng bào, với khát vọng “quê mình ai cũng phải giàu có hơn”. Như nhận xét của một vị cao niên, cán bộ lão thành ở Chà Nưa “Khoàng Văn Van là mẫu cán bộ, đảng viên điển hình của việc gần dân, trọng dân, làm gương trong dân”.

Cũng lan tỏa tinh thần yêu nước, đi trước nêu gương của người đảng viên, Bí thư Chi bộ bản Nậm Chim 1 (xã Phìn Hồ) Vàng A Phứ với cái tên được người dân đặt “Ông Phứ hiến đất” gắn cụ thể vào hành động của ông. Dù giá trị đất ở khu vực vùng cao không đến mức “tấc đất - tấc vàng” như nhiều địa phương miền xuôi, nhưng vấn đề này vẫn luôn “nóng” với nhiều trường hợp khiếu kiện, vi phạm pháp luật (xâm phạm đất rừng), thậm chí đổ máu vì tranh chấp đất đai... Vậy mà khu đất bằng phẳng, rộng tới 2,3ha, ngay gần trụ sở xã Phìn Hồ đã được Bí thư chi bộ Vàng A Phứ vận động người dân hiến để xây dựng “khu liên hợp” với nhiều hạng mục: Sân vận động, nhà văn hóa xã, trụ sở công an xã, ban chỉ huy quân sự xã, đường bê tông liên bản... mà không đòi hỏi điều kiện gì. Trong đó, làm gương, đi đầu là gia đình Vàng A Phứ với gần 5.000m2 đất hiến cho chính quyền. Nhìn khu đất hiện đã được san ủi, cải tạo rộng rãi, “lí tưởng để làm nhiều việc”, tôi hỏi: Nhìn mặt bằng giờ đẹp thế này, anh có tiếc không? Vàng A Phứ cười hào sảng, bảo: Thấy đẹp thì mình vui hơn chứ! Bởi ngoài hoàn thiện, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng của xã thì chính gia đình tôi cũng được hưởng lợi khi nhà mình giờ thuộc “khu trung tâm” rồi. A Phứ nói vậy, nhưng tôi hiểu, với trang trại gồm vườn cây, ao cá, đàn gia súc, gia cầm hay ngôi nhà gỗ nằm êm đềm dưới chân đồi, con cái đều đã trưởng thành... giờ bí thư chi bộ - lão nông Vàng A Phứ chẳng tham vọng “sân, si” gì thêm nữa, mà ông đang nhìn về tương lai, nơi những đứa trẻ như cháu nội, cháu ngoại ông được lớn lên trong điều kiện đủ đầy...

Nhân vật cuối mà chúng tôi đề cập đến là một sự tình cờ, khi được gặp một cô giáo nhỏ bé (theo đúng nghĩa đen) ở Na Cô Sa - xã mà nghe tên đã cảm thấy xa xăm của vùng đất này. Cô là Lò Thị Vuông, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Na Cô Sa. Vuông năm nay 28 tuổi, quê ở huyện Tuần Giáo, vào Na Cô Sa công tác đã 6 năm, chồng và con Vuông thì vẫn ở quê, cách nơi cô công tác 240km. Vuông không biết đi xe máy, xe khách thì không chạy qua nên ngày nghỉ, muốn về quê thăm con, cô chọn cách đi nhờ xe đồng nghiệp, còn không đi nhờ được thì… đành ở lại với núi rừng. Ở vùng cao, có nhiều điểm trường bản cách xa trung tâm, để công bằng, ban giám hiệu sẽ giao luân phiên các giáo viên về giảng dạy tại tất cả các điểm trường, Na Cô Sa cũng vậy. Công tác ở đây 6 năm, Lò Thị Vuông đã đến, “gieo chữ” ở tất cả các điểm bản của xã. Theo đánh giá của thầy Nguyễn Văn Quân, Hiệu trưởng nhà trường: Ðiểm bản nào được giao phụ trách, cô Vuông đều hoàn thành rất tốt nhiệm vụ. Ðặc biệt là sự kết nối, tạo lòng tin với các bậc phụ huynh, để họ yên tâm gửi gắm con cho nhà trường. Sự “đặc biệt” của Vuông mà thầy hiệu trưởng nhắc đến đó là việc cô đã được người dân bản Huổi Thủng 2 (xã Na Cô Sa) hỗ trợ làm tường bao quanh điểm trường, ủng hộ một số vật dụng sinh hoạt cho cô và trò. Thoạt nghe thì có vẻ bình thường, nguồn xã hội hóa này đâu quá lớn? Tuy nhiên, nếu biết được trước đây, bản Huổi Thủng 2 vốn rất “nóng” với những vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, sinh hoạt tôn giáo trái phép, tiềm ẩn nhiều nguy cơ là nơi cư trú của nhiều đối tượng có tư tưởng chống đối Ðảng, Nhà nước, chính quyền; nhiều đoàn công tác đủ ban bệ từng đến vận động để người dân ủng hộ các dự án phúc lợi cho chính dân bản nhưng đều bị từ chối quyết liệt và phải hủy bỏ; việc đón được trẻ đến trường cũng không hề dễ dàng… thì động thái của người dân Huổi Thủng 2 với điểm trường của bản thật sự là điều đặc biệt. Khi được hỏi: Em đã làm gì mà dân bản tin tưởng, quý mến và giúp đỡ như vậy? (Vuông không phải là người cùng dân tộc với người dân Huổi Thủng 2, lại ở nơi khác đến - PV). Không nhận thành quả về mình, Lò Thị Vuông cho rằng: Có lẽ với sự tuyên truyền của cấp ủy, chính quyền huyện, xã, bây giờ bà con đã có sự chuyển biến về nhận thức và hành động. Còn em thì chỉ biết yêu trẻ, yêu nghề, gắn bó với trường, với lớp… như vậy là bà con thương thôi!

Khoàng Văn Van, Vàng A Phứ hay Lò Thị Vuông là những cá nhân trong cả một hệ thống những con người, những cán bộ, đảng viên gắn bó mật thiết với cơ sở, với nhân dân ở Nậm Pồ. Họ là những người mở đường, những “sợi chỉ đỏ”, không to tát nhưng mạnh mẽ, đầy tính lan tỏa và là mối kết nối bền chặt giữa Dân với Ðảng.

Bài 3: An cư, lạc nghiệp

Phạm Dương
Bình luận
Back To Top