Tạo tiền đề, động lực để Ðiện Biên phát triển nhanh và bền vững

08:53 - Thứ Hai, 12/10/2020 Lượt xem: 6621 In bài viết

Trần Văn Sơn

Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy khóa XIII, Trưởng Ðoàn Ðại biểu Quốc hội tỉnh

ĐBP - Thực hiện Nghị quyết Ðại hội XIII Ðảng bộ tỉnh, 5 năm qua (2015 - 2020), Ðảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được kết quả nổi bật trên các lĩnh vực. Hầu hết mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đề ra trong Nghị quyết Ðại hội XIII đều thực hiện đạt và vượt; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Những kết quả, thành tựu trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 là nền tảng, tạo tiền đề, động lực quan trọng để tỉnh ta phát triển nhanh và bền vững trong nhiệm kỳ tới.

Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Sơn kiểm tra thực tế tại điểm dự kiến bố trí doanh trại các đơn vị bộ đội khi thực hiện Dự án Nâng cấp, cải tạo Cảng Hàng không Ðiện Biên. Ảnh: Phạm Trung

Phát huy truyền thống Ðiện Biên Phủ anh hùng, Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh đã đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, điều hành thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Triển khai Nghị quyết Ðại hội XIII Ðảng bộ tỉnh và ba đột phá chiến lược theo Nghị quyết Ðại hội XII của Ðảng, đặc biệt là bám sát Kết luận số 85-KL/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương phát triển tỉnh Ðiện Biên đến năm 2020, Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh đã chủ động xây dựng, ban hành và lãnh đạo tổ chức thực hiện 9 chương trình trọng tâm, 25 nghị quyết chuyên đề, làm cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện.

Kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng và phát triển, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 6,83%/năm; thu ngân sách nhà nước năm 2020 tăng gấp 1,44 lần so với năm 2015; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Tập trung tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; trọng tâm là tổ chức lại sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây ăn quả, cây có năng suất cao. Nhờ vậy, tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2020 đạt 270,52 nghìn tấn, vượt mục tiêu Nghị quyết Ðại hội. Toàn tỉnh đã hình thành và xác nhận 19 chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn; thu hút một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp (trồng mắc ca, trồng rừng, sản xuất lúa gạo...). Ðặc biệt, triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới đã huy động cả hệ thống chính trị và toàn dân vào cuộc, thu hút các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, cảnh quan môi trường, làm thay đổi diện mạo khu vực nông thôn. Ðến cuối năm 2020 toàn tỉnh có 37 xã đạt và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (vượt mục tiêu Nghị quyết), một đơn vị cấp huyện là TX. Mường Lay hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; không còn xã dưới 5 tiêu chí.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư đồng bộ, tập trung một số công trình trọng điểm, hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị thiết yếu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều tuyến giao thông tỉnh lộ được nâng cấp thành quốc lộ và đang từng bước được đầu tư đồng bộ, như: quốc lộ 12 kéo dài, quốc lộ 279B Nà Tấu đi Mường Phăng, quốc lộ 12B (Pom Lót - Chiềng Sơ - Mường Luân), quốc lộ 12C (Núa Ngam - Huổi Puốc), tuyến đường 4H đi Mường Nhé - A Pa Chải... Ðến nay, 100% xã có đường ô tô đến được trung tâm xã, trong đó 93,8% số xã đi lại được quanh năm; 100% xã phường, thị trấn có điện lưới quốc gia đến trung tâm, tỷ lệ hộ được sử dụng điện lưới quốc gia tăng từ 83,4% năm 2015 lên 92% năm 2020. Ðặc biệt, tỉnh đã và đang triển khai Dự án Nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Ðiện Biên và Ðề án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Ðiện Biên Phủ; đây sẽ là động lực tích cực để tỉnh phát triển mạnh mẽ trong những năm tới.

Môi trường đầu tư, kinh doanh không ngừng được cải thiện, thu hút và khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, du lịch, việc làm, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã; năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được cải thiện; nhiều chương trình, dự án, chính sách đã đi vào cuộc sống, nhất là trong phát triển nông nghiệp, nông thôn; thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách an sinh xã hội.

Trong điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nhưng tỉnh đã huy động, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển tạo chuyển biến tích cực về văn hóa - xã hội. Hệ thống trường, lớp học tương đối hoàn chỉnh, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Toàn tỉnh có 69,9% số trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia và 58,6% số trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục, đạt mục tiêu Nghị quyết. Mạng lưới y tế tiếp tục được củng cố, hoàn thiện; chất lượng đội ngũ cán bộ y tế được nâng lên, nhất là bác sĩ, dược sĩ có trình độ sau đại học tăng. Ðến năm 2020, tỉnh ta đạt 12,33 bác sĩ/vạn dân; 98,4% trạm y tế xã có bác sĩ; 95,6% thôn, bản có nhân viên y tế thôn bản; 80,6% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã (đạt mục tiêu Nghị quyết). Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 98,8%.

Bên cạnh những kết quả nổi bật về kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Ðảng, xây dựng hệ thống chính trị có chuyển biến tích cực cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên. Tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, các giải pháp phát triển đảng viên. Ðến nay tỉnh không còn thôn, bản chưa có đảng viên. Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Ðảng được coi trọng; tăng cường kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, kịp thời giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, góp phần giữ vững kỷ cương, kỷ luật Ðảng. Ðổi mới công tác dân vận theo hướng gần dân, sát dân. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội hướng mạnh về cơ sở, làm nòng cốt xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở; các chính sách về dân tộc, tôn giáo được quan tâm... Từ đó, đã tạo dựng niềm tin và thắt chặt mối quan hệ gắn bó cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân; góp phần xây dựng Ðảng trong sạch vững mạnh, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Công tác tổ chức cán bộ được thực hiện đồng bộ, cụ thể hóa và ban hành các quy định, tiêu chuẩn đối với cán bộ gắn với sắp xếp vị trí việc làm, từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực ngang tầm nhiệm vụ. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy và cán bộ theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị được triển khai quyết liệt. Sau sắp xếp tổ chức, toàn tỉnh giảm 6 lãnh đạo cấp ngành, 279 cán bộ quản lý cấp phòng và tương đương, hợp nhất các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng ở huyện Ðiện Biên và TX. Mường Lay; tinh giản 2.980 người, đạt 10,24% tổng biên chế toàn tỉnh. Qua đó, đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, giảm đầu mối, cấp trung gian, lãnh đạo cấp phòng, biên chế, chi phí hành chính...

Là tỉnh biên giới, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống khó khăn; do đó, tỉnh quan tâm kết hợp nhiều nguồn lực ngân sách và xã hội triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các cơ chế, chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Ðáng chú ý, trong năm 2019 - 2020 nhằm giúp các hộ nghèo khu vực biên giới của tỉnh có nhà ở vững chắc, Ðảng ủy Công an Trung ương đã kêu gọi xã hội hóa, vận động hỗ trợ làm mới và tu sửa nhà ở cho gần 1.800 hộ nghèo ở hai huyện biên giới Mường Nhé và Nậm Pồ. Cùng với thực hiện các chính sách hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của tỉnh giảm từ 48,14% đầu năm 2016 ước xuống còn 30,67% năm 2020, bình quân hàng năm giảm 3,49% (vượt mục tiêu Nghị quyết).

Cấp ủy, chính quyền các cấp và lực lượng vũ trang trong tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả, toàn diện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương; chủ động nắm tình hình, không để đột xuất, bất ngờ xảy ra. Xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thực sự là nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân; xây dựng tiềm lực trong khu vực phòng thủ gắn với phát triển kinh tế - xã hội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Ðẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ đường biên, mốc giới; chủ động phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại âm mưu, chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, đối tượng phản động. Xây dựng, duy trì 32 mô hình với 4.038 tổ chức quần chúng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở; bố trí 100% công an chính quy đảm nhiệm các chức danh trưởng, phó công an xã trên địa bàn toàn tỉnh. Bảo vệ vững chắc đường biên, cột mốc, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hợp tác, hữu nghị và phát triển.

Những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua ngoài sự quan tâm lãnh đạo của  Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, sự giúp đỡ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương thì yếu tố quan trọng là sự chung sức, đồng lòng và quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Trong đó, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp đã đoàn kết, thống nhất, ban hành và cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị thành kế hoạch, chương trình hành động phù hợp điều kiện, tình hình thực tế địa phương để triển khai thực hiện; chính quyền các cấp quản lý, điều hành có hiệu quả cùng sự đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của HÐND các cấp; sự phối hợp tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và của cả hệ thống chính trị phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân.

Trong quá trình tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh khóa XIII, Tỉnh ủy đã đánh giá toàn diện những kết quả đạt được, chỉ rõ những hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm để xác định mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ cho nhiệm kỳ mới 2020 - 2025. Với phương châm “Ðoàn kết - Dân chủ - Ðổi mới - Phát triển”, Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh xác định chủ đề Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 là: Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Ðảng bộ; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc; đẩy mạnh đổi mới toàn diện, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; quyết tâm xây dựng tỉnh Ðiện Biên phát triển nhanh và bền vững. Tỉnh xác định đẩy mạnh thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược phù hợp với điều kiện của tỉnh nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Có thể nói những thành quả đạt được trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 là những dấu ấn và tiền đề, động lực quan trọng để Ðảng bộ tỉnh Ðiện Biên tiếp tục nỗ lực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, 3 khâu đột phá chiến lược và 12 chương trình, đề án trọng điểm trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm cùng sự nỗ lực phấn đấu của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, tin tưởng rằng, nhiệm kỳ tới, Ðiện Biên sẽ nắm bắt, vận dụng tốt những cơ hội và vượt qua những khó khăn, thách thức để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; quyết tâm đưa Ðiện Biên thành tỉnh phát triển nhanh và bền vững.

Bình luận
Back To Top