Tỉnh Ðiện Biên tập trung xây dựng chính quyền điện tử

08:54 - Thứ Ba, 13/10/2020 Lượt xem: 5966 In bài viết

Chu Xuân Trường

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông

ĐBP - Với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, tỉnh Ðiện Biên đang tập trung nguồn lực trong việc triển khai xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, đô thị thông minh.

Thường trực Tỉnh ủy, HÐND, UBND tỉnh và Sở Thông tin và Truyền thông ấn nút khai trương Cổng Dịch vụ công trực tuyến tỉnh Ðiện Biên. Ảnh: C.T.V

Từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025, tỉnh Ðiện Biên với tinh thần quyết tâm và quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, vượt qua khó khăn về nguồn lực đầu tư cũng như khoảng cách về trình độ khoa học công nghệ, việc ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Từ năm 2018, tỉnh đã xây dựng và ban hành kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Ðiện Biên phiên bản 1.0 cùng nhiều chủ trương, chính sách, kế hoạch làm cơ sở cho việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử tỉnh.

Ðến nay, 100% cơ quan Nhà nước các cấp được kết nối mạng nội bộ (LAN) và mạng internet tốc độ cao. Tỷ lệ trung bình máy tính/cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên là 100%, cấp xã đạt trên 90%. Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh hiện đang được đầu tư, nâng cấp để tạo nền tảng hạ tầng quản lý tập trung đảm bảo đồng bộ, thống nhất, an toàn an ninh thông tin, phục vụ hoạt động cho các phần mềm dùng chung của tỉnh.

Hệ thống quản lý văn bản và điều hành của tỉnh đã được triển khai kết nối liên thông vào trục liên thông văn bản quốc gia với Văn phòng Chính phủ, một số bộ chuyên ngành và các cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Tổng số chứng thư số chuyên dùng Ban Cơ yếu Chính phủ đã cấp phát cho tỉnh Ðiện Biên với trên 2.000 chứng thư số cho tổ chức và chữ ký số cá nhân. 100% cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, huyện triển khai ứng dụng chữ ký số vào phần mềm quản lý văn bản và điều hành. Nâng tỷ lệ văn bản điện tử được ký số lên trên 70% tổng văn bản gửi nhận giữa các cơ quan Nhà nước.

Cùng với đó, hệ thống phần mềm một cửa điện tử thống nhất, tập trung toàn tỉnh được triển khai đến 100% cơ quan Nhà nước từ tỉnh đến cơ sở và được kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh tại địa chỉ https://dichvucong.dienbien.gov.vn/ để công khai kết quả giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến với tổng số 2.156 thủ tục hành chính, trong đó: 237 thủ tục hành chính mức độ 3; 327 thủ tục hành chính mức độ 4 (đạt tỷ lệ khoảng 26,15%). Tổng số hồ sơ tiếp nhận của các cơ quan, đơn vị trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến tỉnh (từ ngày 1/1/2020 đến 30/9/2020): 54.082 hồ sơ. Tổng số hồ sơ đã được xử lý: 46.394 hồ sơ. Tỷ lệ hồ sơ được xử lý đúng hạn đạt: 86,54% hồ sơ. Việc triển khai thực hiện hệ thống cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến đã góp phần cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước theo hướng công khai, minh bạch, đảm bảo phục vụ người dân và doanh nghiệp được tốt hơn.

Năm 2019, Hội đồng đánh giá chỉ số Cải cách hành chính quốc gia (Par Index) đã chấm điểm chỉ số thành phần về ứng dụng công nghệ thông tin và cung cấp dịch vụ công trực tuyến tỉnh Ðiện Biên đạt 5,5/6,75 điểm góp phần đưa tỉnh Ðiện Biên xếp vị trí thứ 27/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Ðặc biệt, giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp phải thực hiện giãn cách xã hội, các ứng dụng nền tảng chính quyền điện tử, hội nghị trực tuyến, dịch vụ công trực tuyến... đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp của các cơ quan Nhà nước, tạo đồng thuận hưởng ứng cao trong nhân dân.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai xây dựng Chính quyền điện tử vẫn còn một số bất cập, hạn chế cần khắc phục. Một số cơ quan, đơn vị chưa quyết liệt trong việc thực hiện gửi nhận văn bản điện tử ký số, tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính thông qua Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh dẫn đến tỷ lệ văn bản điện tử chưa cao, số lượng hồ sơ thực hiện qua Cổng Dịch vụ công trực tuyến còn thấp. Hệ thống an toàn, bảo mật hỗ trợ việc quản lý, giám sát, ngăn chặn các nguy cơ mất an toàn thông tin còn thiếu; Trung tâm Giám sát, phân tích, phát hiện sự cố an toàn thông tin (SOC) cho toàn tỉnh chưa xây dựng xong. Ðội ngũ cán bộ về công nghệ thông tin trong hệ thống cơ quan Nhà nước còn thiếu, nhất là cán bộ về an toàn thông tin… Ngoài ra, do nguồn kinh phí chi cho lĩnh vực công nghệ thông tin còn gặp nhiều khó khăn, việc triển khai đồng bộ các hạng mục cơ sở hạ tầng hạ tầng, phần mềm, cơ sở dữ liệu, kết nối liên thông đòi hỏi kinh phí lớn nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.

Phát huy kết quả đạt được, với nhiệm vụ cơ quan thường trực Ban chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục chủ động, tích cực tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành quản lý, sử dụng có hiệu quả các hệ thống thông tin. Hoàn thiện kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh phiên bản 2.0 phù hợp với khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam 2.0; tập trung xây dựng nền tảng chia sẻ và tích hợp dữ liệu cấp tỉnh (LGSP); quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu và hệ thống thông tin làm nền tảng chính quyền điện tử tỉnh; đồng thời đẩy nhanh số hóa các lĩnh vực quản lý, kinh tế - xã hội, từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu của tỉnh, thực hiện chuyển đổi số tại các cơ quan Ðảng, Nhà nước theo lộ trình. Xây dựng Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh theo tiêu chuẩn; đảm bảo an toàn an ninh thông tin, hoàn thiện hệ thống dùng chung và hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tra cứu, tìm kiếm, trao đổi thông tin và thực hiện dịch vụ công trực tuyến với quan điểm “Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm”. Với những nỗ lực này, cuối năm 2020 tỉnh Ðiện Biên phấn đấu cơ bản hoàn thành xây dựng Chính quyền điện tử ở cả 3 cấp và hướng tới xây dựng Chính quyền số, Ðô thị thông minh trong giai đoạn 2021 - 2025; đồng thời tập trung nguồn lực thực hiện kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình Chuyển đổi số quốc gia theo Quyết định 749/QÐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Bình luận
Back To Top