Bài dự thi giải báo chí toàn quốc về xây dựng Ðảng

Về nơi có “nghị quyết xanh” (1)

09:08 - Thứ Hai, 19/10/2020 Lượt xem: 8011 In bài viết

ĐBP - Với người sống dựa vào rừng thì rừng là cuộc sống, là nơi để mưu sinh. Thế nhưng nói chuyện trồng rừng thì người dân lại chẳng mặn mà nên nhiều chương trình, dự án đầu tư trồng rừng vẫn chưa thể thành rừng. Còn với huyện Mường Ảng, sau nhiều năm chông chênh tìm lối đi thì với nghị quyết về phát triển rừng nay đã có thêm nhiều cánh rừng xanh tốt. Thành công bước đầu ấy không phải trong ngày một ngày hai mà là nỗ lực của cả chặng đường đầy gian khó, quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền huyện Mường Ảng. Tuy nhiên, để rừng thực sự phát triển bền vững, để người yêu rừng sống được bằng rừng thì còn không ít chuyện phải bàn...

Chủ tịch UBND xã Ẳng Tở Lường Văn Thoạn (ngoài cùng bên phải) tuyên truyền lợi ích của việc trồng rừng với người dân bản Tọ. Ảnh: Tú Trinh

Bài 1: Những nhọc nhằn không dễ kể tên

Mường Ảng là huyện có diện tích đất tự nhiên lớn, với 44.352,2ha, nhưng là một trong những địa phương có tỷ lệ che phủ rừng thấp nhất toàn tỉnh. Năm 2016 tỷ lệ che phủ rừng chỉ đạt hơn 24,3%. Nhiều năm về trước, những vụ cháy rừng xảy ra không phải chuyện hiếm, khiến không ít cánh rừng loang lổ như “tấm áo vá dở”, không biết tới năm nào mới “vá” xanh trở lại. Trong khi ý thức giữ rừng của người dân còn hạn chế, chỉ quen khai thác thì những người giữ rừng càng thêm nhọc nhằn, vất vả...

Tư duy ăn sâu bám rễ bao đời nay của người dân sống gần rừng và nhờ rừng “rừng là tài nguyên sẵn có”. Vì thế củi đuốc, rau xanh, cây măng cũng lên rừng là có. Hết gạo lại lên rừng chặt củi, đào măng đi bán... Rừng gắn chặt với cuộc sống hiện hữu của biết bao thế hệ trong nhiều gia đình, nhưng nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo vệ, giữ rừng thì chưa có. Vì thế, trong rất nhiều nguyên nhân gây mất rừng ở Mường Ảng thì cơ bản do ý thức chủ quan của người dân sử dụng lửa gây cháy rừng, chưa kể tới hàng loạt lý do khác (đốt rừng, phá rừng làm nương...). Ngụy biện cho rất nhiều lý do khó có thể chấp nhận ấy vẫn là vì kế sinh nhai, vì để duy trì cuộc sống. Cứ thế cây rừng cứ mất dần, những vạt rừng loang lổ, trơ trọi ngày càng nhiều hơn và đói nghèo cứ đeo bám. Trong khi đó lực lượng “nòng cốt” trong việc bảo vệ, giữ rừng ngày càng vất vả, nhọc nhằn khi địa bàn rộng, giao thông cách trở mà định biên hạn chế...

Dù gần 5 năm trôi qua nhưng vụ cháy rừng khủng khiếp nhất trong nhiều thập kỷ xảy ra tại bản Nậm Pọng (xã Mường Ðăng) đến giờ vẫn khiến nhiều người ám ảnh. Do bất cẩn của người dân vào rừng dùng lửa bắt ong mà vài chục héc ta rừng tự nhiên quy hoạch cho phòng hộ bốc cháy ngùn ngụt. Sau 3 ngày liên tiếp tích cực dập lửa của gần 800 người dân và lực lượng chức năng, vụ cháy đã được dập nhưng chẳng thể vớt vát lại được những cây rừng nhiều năm tuổi. Hiện trường sau vụ cháy là những thân khô đen đúa, ngổn ngang; đất nền khô khốc... Nhớ lại thời khắc ấy, ông Giàng A Lệnh, công an viên bản Nậm Pọng - người trực tiếp tham gia chữa cháy rừng cho biết: Do khu rừng bị cháy cách xa đường giao thông gần 4km, nắng nóng hầm hập, ngột ngạt hơn bởi những cơn gió Lào nên việc dập tắt các đám cháy vô cùng khó khăn. Phần nhiều bà con dùng câu liêm phát đường băng ngăn lửa, cành cây tươi dập lửa... nhưng sức người có hạn, thời tiết khô rang nên dập được chỗ này thì lửa chỗ khác lại bùng lên. Cứ như thế chủ yếu bằng biện pháp thủ công, tốn bao thời gian công sức vụ cháy rừng cũng được dập tắt. Nhưng hậu quả để lại sau vụ cháy rừng ở Nậm Pọng vô cùng thảm khốc khi trong hơn 52ha rừng bị cháy thì có tới 25ha rừng bị thiệt hại chưa biết tới khi nào mới có thể phục hồi. Trước đó (cuối năm 2015) trên địa bàn bản Pú Nen (xã Búng Lao) và tổ dân phố 4, thị trấn Mường Ảng cũng xảy ra cháy rừng tự nhiên, quy hoạch cho phòng hộ. Và hệ quả là hơn 13ha rừng bị thiệt hại, nặng nề nhất là 9,4ha rừng bị cháy ở tổ dân phố 4 không thể phục hồi khi mức độ thiệt hại do bị cháy là 100%.

Lực lượng chức năng tham gia chữa cháy rừng tại bản Nậm Pọng, xã Mường Đăng năm 2016 . Ảnh tư liệu

Các vụ cháy rừng kể trên chỉ là “phần nổi” trong hàng trăm vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn huyện Mường Ảng trong giai đoạn (2010 - 2016). Cho dù là bởi bất cứ nguyên nhân nào đi chăng nữa thì những cánh rừng không thể hồi sinh, việc canh tác lúa trên nhiều chân ruộng thêm phần khó khăn vì đất cằn khô, bạc màu, thiếu nước. Rừng mất khiến “mẹ thiên nhiên” nổi giận, nhiều trận giông lốc, lũ quét tràn về cuốn đi tài sản, vật nuôi của không ít gia đình vốn đã nghèo nay càng xác xơ. Cuộc sống của người dân sống gần rừng và sống phụ thuộc vào rừng đã khổ càng thêm cơ cực...

Cách nào thay đổi tư duy nếp nghĩ giúp người dân biết bảo vệ rừng, giữ và trồng rừng vẫn luôn là bài toán khó với cấp ủy đảng, chính quyền huyện Mường Ảng. Ðể chuyển thói quen khai thác sang bảo vệ, đặc biệt là trồng rừng không dễ. Bởi một vài dự án trồng rừng trước đó dù đã triển khai nhưng chưa thực sự đem lại hiệu quả như mong đợi, chưa thu hút được người dân trồng rừng. Bà con cho rằng trồng rừng phòng hộ định mức hỗ trợ chả thấm tháp vào đâu trong khi những diện tích trồng lại quá xa khu dân cư, vận chuyển cây giống vô cùng vất vả. Thêm nữa trồng rồi cách nào để bảo vệ, tỷ lệ cây sống có đảm bảo để được nghiệm thu thanh toán? Còn với trồng rừng sản xuất không chỉ mức hỗ trợ thấp mà đến kỳ khai thác thì bán cho ai, bán ở đâu hay rồi lại trong tình trạng đợi chờ mòn mỏi?... Bao khó khăn, bất cập xung quanh câu chuyện trồng rừng khiến bà con càng không mặn mà với việc trồng rừng dù đã được cán bộ kiểm lâm, xã, bản tuyên truyền, vận động. Vì thế trước năm 2017 ở Mường Ảng dù đã trồng rừng sản xuất nhưng diện tích manh mún, chưa thực sự khả quan. Và cho dù không muốn nhưng thực tế trên địa bàn huyện mỗi năm vẫn mất thêm vài héc ta cho tới hàng chục, thậm chí vài chục héc ta rừng hoặc bị thiệt hại do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Thực tế đáng buồn ấy khiến cấp ủy, chính quyền huyện Mường Ảng một lần nữa đối diện với hiện thực, đánh giá khách quan, làm rõ nguyên nhân, nhất là những nguyên nhân chủ quan để bàn thảo, tìm giải pháp khắc phục bằng những biện pháp căn cơ hơn, bài bản hơn để bảo vệ rừng, nhất là phát triển diện tích rừng trồng mới.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, giai đoạn 2010 - 2016 trên địa bàn huyện Mường Ảng xảy ra 116 vụ cháy rừng khiến hơn 278ha rừng bị thiệt hại. Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do người dân thiếu ý thức trong việc sử dụng lửa, đốt dọn nương không kiểm soát, đốt thảm thực vật để chăn thả gia súc... gây cháy rừng.

Bài 2: Ðồng thuận từ “nghị quyết xanh”

Minh Thùy - Tú Trinh - Mai Giáp
Bình luận
Back To Top