Bài dự thi giải báo chí toàn quốc về xây dựng Ðảng

Về nơi có “nghị quyết xanh” (2)

09:08 - Thứ Tư, 21/10/2020 Lượt xem: 5651 In bài viết

Bài 1: Những nhọc nhằn không dễ kể tên

Bài 2: Ðồng thuận từ “nghị quyết xanh”

ĐBP - Việc ban hành Chỉ thị số 18-CT/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy Mường Ảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ðảng đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng; Nghị quyết số 03 - NQ/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy cuối năm 2017 về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn (xin được gọi là Nghị quyết trồng rừng) vừa là mệnh lệnh, nhưng cũng được xem là “cái gậy”, là cơ sở để chính quyền các cấp bám vào thực hiện mục tiêu, kế hoạch phát triển rừng trồng. Khi chỉ thị, nghị quyết này xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh công tác trồng rừng sản xuất cũng như chỉ rõ giải pháp, cơ chế, chính sách thực hiện...

Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Ảng kiểm tra thực tế diện tích rừng sản xuất tại bản Hồng Sọt, xã Búng Lao. Ảnh: Tú Trinh

Nói về những vấn đề liên quan tới công tác trồng rừng sản xuất trên địa bàn, Bí thư Huyện ủy Mường Ảng Nguyễn Tiến Ðạt nhớ lại khoảng gần 3 năm về trước - đó là thời điểm Ban Thường vụ Huyện ủy tập trung bàn thảo, tìm giải pháp đẩy mạnh trồng rừng sản xuất thành vùng nguyên liệu gỗ, tạo việc làm, thu nhập cho người dân. Với phương châm “nhìn thẳng, nói thật”, Ban Thường vụ Huyện ủy đi sâu phân tích làm rõ những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong công tác bảo vệ, phát triển rừng. Ðó là dù đạt được những kết quả tích cực song tình trạng phá rừng, cháy rừng, lấn chiếm đất rừng còn diễn ra ở một số địa bàn xa khu dân cư. Diện tích rừng bị thiệt hại do cháy rừng khi phát, đốt nương có biểu hiện gia tăng. Việc xã hội hóa công tác phát triển rừng còn nhiều hạn chế. Với quan điểm quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo đúng quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; thực hiện các chính sách đầu tư hỗ trợ theo đúng quy trình, quy định cùng với việc bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng hiện có (hơn 13.294ha); Nghị quyết trồng rừng của Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ rõ nhiệm vụ tăng diện tích trồng rừng mới với mục tiêu cụ thể đến năm 2020 đạt 1.200 - 1.500ha; đảm bảo mỗi năm trồng từ 300 - 350ha rừng, từng bước tạo thành vùng nguyên liệu để kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ ván dăm và thanh ép trên địa bàn; nâng cao độ che phủ rừng đến năm 2020 đạt 31,05%.

Ðể thực hiện được mục tiêu ấy, huyện Mường Ảng xác định quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thường xuyên; huy động sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn dân tham gia; đưa công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng thành một trong những tiêu chí để bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm của cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn và các cơ quan, đơn vị liên quan. Ðặc biệt là nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng; việc thực hiện có hiệu quả, trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của chính quyền các cấp, các ban, ngành, lực lượng kiểm lâm và chủ rừng. Về cơ chế, chính sách, Ban Thường vụ Huyện ủy tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện theo Nghị quyết số 30a của Thủ tướng Chính phủ về chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo; Nghị định 75 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020.

Thực tế những nơi trồng rừng thường xa khu dân cư nên khâu vận chuyển cây giống, vật tư phân bón trồng rừng gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt mùa trồng rừng vào mùa mưa nên giao thông càng vất vả. Chia sẻ với người trồng rừng, huyện Mường Ảng quyết định hỗ trợ 3 triệu đồng/km làm đường vận chuyển cây giống bằng xe máy cho toàn bộ diện tích trồng rừng sản xuất tập trung trên địa bàn các xã hàng năm theo kế hoạch được giao. Mức hỗ trợ làm đường tuy không nhiều, song với quyết tâm và sự nỗ lực của chính quyền các cấp, nhiều tuyến đường lên lô, lên đồi được mở rộng hơn, thuận lợi hơn cho việc vận chuyển cây giống, vật tư phục vụ trồng rừng. Huyện cũng thực hiện tốt chính sách hỗ trợ, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ của các chính sách để trồng rừng; đặc biệt khuyến khích các hộ nghèo đăng ký chuyển đổi từ đất nương sang trồng rừng để được thụ hưởng chính sách hỗ trợ gạo trong thời gian chưa tự túc được lương thực theo quy định. Ưu tiên, tạo điều kiện cho các hộ tham gia trồng rừng có nhu cầu vay vốn theo chính sách nông nghiệp…

Bí thư Huyện ủy Mường Ảng Nguyễn Tiến Đạt trao đổi với phóng viên về "Nghị quyết xanh" của địa phương.

Ði cùng chính sách, huyện Mường Ảng đã quyết liệt chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở cùng vào cuộc giúp người dân các xã trồng rừng. Thường trực Huyện ủy giao nhiệm vụ cho các đồng chí trong Ban Thường vụ trực tiếp phụ trách từng xã để tập trung lãnh đạo chuyên đề về công tác trồng rừng; chỉ đạo đảng bộ các xã có diện tích đăng ký trồng rừng sản xuất tổ chức triển khai, quán triệt chủ trương của huyện đến tất cả các chi, đảng bộ và toàn thể đảng viên, cán bộ, công nhân viên chức. Các xã xây dựng đề án trồng rừng sản xuất với các “thông số” rõ ràng về địa điểm, diện tích, số hộ, giống loại cây trồng… giúp quá trình khảo sát, thiết kế tới khi triển khai đào hố, xuống cây đều thuận lợi.

Nhớ lại những ngày ra quân quyết liệt trồng rừng, không khí trồng rừng rộn ràng như trên công trường, nhà máy, ông Kiều Xuân Hoàng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Ảng kể lại: Do việc triển khai đào hố, làm đường vận chuyển cây giống và tổ chức trồng rừng tốn rất nhiều công sức vì xa khu dân cư. Trong khi nhiều hộ đăng ký trồng rừng gặp khó khăn về nhân lực vì trùng với mùa vụ sản xuất nông nghiệp nên khó triển khai đồng bộ và đảm bảo được thời vụ. Trước tình hình đó, huyện đã huy động các lực lượng, đơn vị (đoàn viên thanh niên, dân quân tự vệ, các đoàn thể xã… ) giúp các hộ thiếu nhân lực trồng rừng. Cách làm này không chỉ giúp bà con đẩy nhanh tiến độ trồng rừng đúng mùa vụ mà còn xây dựng được niềm tin trong lòng dân, thấy được trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội cùng tham gia thực hiện mục tiêu, kế hoạch mà nghị quyết đề ra. Chỉ riêng trong năm 2017 huyện đã huy động trên 3.200 lượt ngày công trồng rừng, làm hơn 40km đường công vụ để vận chuyển cây giống, vật tư... Trong quá trình triển khai thực hiện, Thường trực Huyện ủy, HÐND, lãnh đạo UBND huyện thường xuyên xuống thôn, bản, địa điểm trồng rừng để kiểm tra, thị sát nắm tình hình, tiến độ cũng như những khó khăn trong công tác trồng rừng để kịp thời giải quyết.

Với cách làm bài bản, khoa học cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã tạo được niềm tin đối với nhân dân trong trồng rừng sản xuất. Sau tất cả những nhọc nhằn, vất vả ấy là trên những vạt đồi khô cằn xơ xác, những mảnh nương bạc màu đã phủ xanh màu của keo tai tượng, vươn trong nắng sớm…

Bài 3: Hướng mở từ rừng

Minh Thùy - Tú Trinh - Mai Giáp
Bình luận
Back To Top