Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi)

12:19 - Thứ Tư, 21/10/2020 Lượt xem: 5648 In bài viết

ĐBP - Sáng 21/10, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV bước vào ngày làm việc thứ hai theo hình thức trực tuyến. Dự họp tại điểm cầu Điện Biên có đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy.

Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì tại điểm cầu tỉnh Điện Biên.

Trong phiên làm việc sáng, Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) và thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật. So với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, dự thảo Luật cư trú (sửa đổi) đã được tiếp thu, chỉnh lý tại 42 điều; trong đó tập trung vào một số nội dung như: Làm rõ phạm vi điều chỉnh của Luật; quy định nguyên tắc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân, nguyên tắc về quản lý cư trú; quy định cụ thể hơn quyền và nghĩa vụ của công dân về cư trú, nghĩa vụ của chủ hộ và thành viên hộ gia đình về cư trú... Về điều kiện đăng ký thường trú, dự thảo Luật không quy định điều kiện đăng ký thường trú áp dụng riêng đối với thành phố trực thuộc trung ương như Luật hiện hành, bởi việc đặt ra các điều kiện riêng này sẽ làm hạn chế quyền tự do cư trú của công dân, tác động đến quyền, lợi ích hợp pháp của những công dân đang sinh sống, làm việc tại các thành phố lớn nhưng không đủ điều kiện đăng ký thường trú. Về điều khoản thi hành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí thời điểm Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực thi hành là từ ngày 1/7/2021 như đề xuất của Chính phủ. Về một số quy định có tính chất chuyển tiếp phù hợp để bảo đảm sự thích ứng kịp thời của các cơ quan nhà nước có liên quan, tránh làm phát sinh thêm thủ tục, giấy tờ cho người dân, dự thảo Luật đề xuất 2 phương án. Phương án 1 quy định chuyển tiếp, theo đó kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ xác nhận về cư trú theo quy định của Luật cho đến hết ngày 31/12/2022; thông tin về cư trú trong cơ sở dữ liệu về cư trú là thông tin gốc, cơ quan đăng ký cư trú sẽ không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Phương án 2, các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú vẫn có nguyên hiệu lực pháp luật. Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không có giá trị sử dụng trong các giao dịch, quan hệ pháp luật được xác lập mới kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Tham gia ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Dung, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên đồng ý với quan điểm đổi mới hình thức quản lý dân cư từ sổ hộ khẩu giấy sang hình thức quản lý dưới dạng điện tử thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú và số định danh cá nhân. Đại biểu làm rõ thêm đây là hình thức phù hợp với xu thế hiện đại hóa phương thức quản lý nhà nước, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử hiện nay.

Tin, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top