Bài dự thi giải báo chí toàn quốc về xây dựng Ðảng

Về nơi có “nghị quyết xanh” (3)

15:17 - Thứ Năm, 22/10/2020 Lượt xem: 5590 In bài viết

Bài 1: Những nhọc nhằn không dễ kể tên

Bài 2: Ðồng thuận từ “nghị quyết xanh”

Bài 3: Hướng mở từ rừng

ĐBP - Chúng tôi về Mường Ảng những ngày đầu tháng 10, “mục sở thị” các khu rừng trồng nguyên liệu gỗ để hiểu rõ hơn “hiệu ứng” Nghị quyết trồng rừng của Huyện ủy Mường Ảng. Chứng kiến những cánh rừng xanh tốt ngút ngàn, nhiều hộ tận dụng chăn thả gia súc, gia cầm dưới tán rừng, hiện hữu sự bình yên của một cuộc sống đủ đầy, ấm no...

Những cây keo tai tượng trồng từ năm 2016 tại bản Hồng Sọt, xã Búng Lao chuẩn bị cho khai thác.

Điểm đầu tiên chúng tôi tới là bản Hồng Sọt (xã Búng Lao) - nơi được xem là “vùng đất” đỏ một thời. Anh Lò Văn Tâm, Trưởng bản Hồng Sọt rất tự hào về những cánh rừng bản mình. Trước khi đi, anh Tâm dắt chiếc xe Win ra giữa sân nhà cẩn thận kiểm tra bình xăng và phanh xe như để đảm bảo an toàn cho cả hành trình. Từ bản Hồng Sọt dọc theo quốc lộ 279 hướng Tuần Giáo một quãng rồi ngoặt phải vào đường đất, anh Tâm bảo: Từ đây vào rừng Thác Mây khoảng 7km, con đường này được vỡ từ khi trồng rừng đấy! Đi trên con đường ngoằn ngoèo, khúc khuỷu có lúc lọt thỏm giữa đại ngàn cây xanh, vừa đi anh Tâm vừa giới thiệu: Chỗ này là hơn 3ha rừng của ông Lò Văn Thanh, bên trái là gần 4ha rừng của ông Tòng Văn Phòng, bên phải hơn 2ha của gia đình bà Tòng Thị Thu, phía trước gần 3,8ha của anh Lò Văn Kiên… Trước đây chỗ này là đồi Pu Ca (đồi cỏ gianh) bây giờ không còn cỏ gianh nữa, đồi nào cũng có chủ và trồng rừng hết rồi! Cứ như thế, anh Tâm giới thiệu cho chúng những địa danh và những quả đồi xanh màu cây keo tai tượng. Thi thoảng chúng tôi lại gặp vài người mang câu liêm, dao quắm vào rừng và họ chào nhau í ới, rồi anh Tâm bảo “người dân bản Hồng Sọt đi kiểm tra, chăm sóc rừng cây đấy”! Trời nắng gắt nhưng chúng tôi không cảm nhận được được sự gay gắt của thời tiết, bởi hai bên đường là những cây rừng tỏa bóng ngút ngàn…

Sau một hồi ngồi xe máy với những đoạn cua khúc khuỷu, rồi có lúc vun vút lao dốc cuối cùng chúng tôi cũng đặt chân đến khu rừng Thác Mây - nơi có gần 5ha rừng sản xuất của gia đình anh Lò Văn Tâm. Do đã hẹn trước, nên khi tới nơi đã thấy đồng chí Nguyễn Ngọc Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Búng Lao cùng đông đảo bà con bản Hồng Sọt đợi sẵn dưới chân đồi.

Sau cái bắt tay thật chặt, đồng chí Hùng nói như giải thích: Nay biết có khách trên tỉnh xuống thăm mô hình trồng rừng của xã nên bà con tự hào lắm, tập trung cả đến đây! Nói rồi đồng chí Hùng cùng bà con dẫn chúng tôi leo đồi “mục sở thị” từng gốc cây do người trồng, chăm sóc bấy lâu. Nhìn những cây keo tai tượng đang “trổ mã” được trồng thành hàng theo vòng cung quả đồi chúng tôi càng thêm khâm phục, trân quý những giọt mồ hôi của người trồng rừng đổ xuống để đổi lấy màu xanh.

Dừng trước gốc cây có vết cắt sắc lẹm đã rêu phong nhiều năm trước, Bí thư Đảng ủy xã Búng Lao Nguyễn Ngọc Hùng phân trần: Ngày xưa chỗ này nhiều cây to, nhưng do phong tục tập quán rồi cuộc sống mưu sinh người dân chặt đi để làm nương. Sau thời gian canh tác, đất bạc màu lại chuyển đến nơi khác, bỏ lại quả đồi trơ trọi, lác đác cỏ gianh vàng vọt. Năm 2016, thực hiện chủ trương của huyện về trồng rừng sản xuất, phủ xanh đất trống đồi trọc, người dân Búng Lao đồng lòng trả lại màu xanh cho rừng. Đến nay, toàn xã đã trồng được hơn 270,9ha rừng sản xuất.

Như để chứng minh rừng đã hồi sinh thực sự, anh Lò Văn Tâm chỉ tay về phía Thác Mây đang đổ trắng xóa phía bên kia đồi, rồi bảo: Thác này cách đây vài năm đã ngừng đổ do rừng kiệt, bây giờ thác đổ quanh năm, chảy về cánh đồng Hồng Sọt, lúa thêm tốt tươi… Tạm biệt những cánh rừng của bản Hồng Sọt chúng tôi quay ra quốc lộ 279, tiếng thác đổ mỗi lúc một xa dần…

Người dân xã Búng Lao chăm sóc rừng trồng.

Điểm tiếp theo chúng tôi đi tới là Nặm Lịch - một trong những xã còn nhiều khó khăn của huyện Mường Ảng. Đồng chí Mùa Chù Di, Bí thư Đảng ủy xã đón chúng tôi với cả tấm chân tình của người vùng cao. Biết chúng tôi muốn tìm hiểu chuyện trồng rừng ở địa phương, sau chén trà mời khách ông vào chuyện: Bây giờ người dân đã hiểu giá trị và những nguồn lợi từ rừng nên tích cực trồng rừng lắm! Nhiều hộ đã xin chuyển đổi những diện tích nương trồng lúa bạc màu sang trồng rừng, vì thế mà diện tích rừng của xã ngày càng mở rộng. Từ năm 2017 đến nay toàn xã đã trồng trên 100ha rừng sản xuất.

Là người tiên phong trồng rừng trong những năm qua, ông Lò Văn Khôm, Bí thư chi bộ bản Ten (xã Nặm Lịch) cho biết: Năm 2017, gia đình tôi trồng gần 6ha rừng, đến nay cây đang phát triển rất tốt. “Trồng rừng có nhiều cái lợi, năm đầu tiên công trồng được Nhà nước hỗ trợ 6,5 triệu đồng/ha, từ năm thứ 2 đến năm thứ 4 công chăm sóc được trả tổng cộng 3,5 triệu đồng/ha. Đặc biệt, người trồng rừng còn được hỗ trợ kinh phí làm đường vận chuyển cây giống, vật tư phục vụ trồng rừng. Vừa rồi huyện tổ chức kiểm tra trạng thái rừng trồng và đề nghị Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Điện Biên chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Như vậy, tới đây chúng tôi còn được hưởng tiền chi dịch vụ môi trường rừng hàng năm nữa. Ngoài ra, gia đình tôi còn tận dụng diện tích rừng đã lên xanh, phát triển ổn định để kết hợp chăn thả trên 200 con gà và 30 con ngan để cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập.

Mang những gì mắt thấy tai nghe về công tác trồng rừng ở Mường Ảng trao đổi với ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện. Chúng tôi được biết, sau rất nhiều những nỗ lực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo trồng rừng sản xuất nguyên liệu gỗ tới nay toàn huyện đã trồng được 1.329ha, tập trung tại các xã: Búng Lao, Mường Lạn, Nặm Lịch, Ẳng Tở, Mường Đăng, Ngối Cáy…, góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 31,7% (năm 2020), vượt mục tiêu nghị quyết đề ra. Để người dân yên tâm trồng rừng, chăm sóc, ngay từ cuối năm 2017 huyện Mường Ảng đã thành lập đoàn công tác về tham quan, làm việc với Ban lãnh đạo Công ty Giấy Bãi Bằng (tỉnh Phú Thọ) để tìm đầu ra cho sản phẩm gỗ. Bước đầu, phía Công ty đã đồng ý thu mua sản phẩm cho người dân khi đến kỳ khai thác, giá cả thực hiện theo giá thị trường. Phương án thu mua sẽ linh hoạt theo hình thức nhà máy thu mua sản phẩm cho người dân tại vùng nguyên liệu hoặc bà con vận chuyển gỗ về bán trực tiếp tại nhà máy. Cùng với đó, thời gian qua huyện tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thu mua, bao tiêu sản phẩm cho người dân. Rất mừng là dù chưa đến kỳ khai thác, song đã có vài doanh nghiệp đến làm việc với huyện đề nghị được ký hợp đồng thu mua gỗ cho người dân với giá từ 700 nghìn đồng - 1,1 triệu đồng/m3 (tùy vào đường kính, chất lượng gỗ). Theo tính toán chỉ cần với giá bán thấp nhất như doanh nghiệp đưa ra hiện nay là 700 nghìn đồng/m3 thì 1ha rừng trồng keo tai tượng sau 5 - 7 năm trồng sẽ thu khoảng 250 - 270 triệu đồng. Như vậy là người dân có thu nhập kha khá từ trồng rừng và chủ rừng có thể tận dụng diện tích dưới tán rừng để chăn thả gia súc, gia cầm tăng thu nhập. Không chỉ giải quyết việc làm, trồng rừng góp phần quan trọng bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế rửa trôi chống xói mòn, thiên tai, hạn hán. Giúp người dân yên tâm gắn bó với rừng cùng với việc động viên, khuyến khích trồng rừng sản xuất, huyện thực hiện kịp thời việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ rừng đối với các diện tích rừng trồng. Bà con phấn khởi lắm, vì xác định rừng là tài sản của chính mình, bảo vệ rừng là bảo vệ tài sản cho mình. Tính đến nay gần 383,8ha rừng trồng từ năm 2016 đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng cho hàng trăm chủ rừng.

Nhận thấy lợi ích từ trồng rừng sản xuất đem lại, phần đa những hộ có đất trống đồi trọc, đất nương bạc màu tại các xã trên địa bàn huyện Mường Ảng đều muốn tiếp tục được trồng rừng. Như trường hợp của gia đình ông Lò Văn Cương, bản Tọ (xã Ẳng Tở) dù đã trồng trên 2ha rừng sản xuất tập trung, nhưng hiện còn hơn 2ha đất nương bạc màu, trồng lúa, ngô không hiệu quả muốn chuyển sang trồng rừng sản xuất, song do từ năm 2018 người trồng rừng sản xuất không được nhận tiền hỗ trợ như những năm trước nên muốn trồng mà lực bất tòng tâm!

Đem tâm tư của người dân trao đổi với ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng, ông Hiệp khẳng định: Huyện xác định phát triển rừng là nhiệm vụ quan trọng, trồng rừng đem lại đa lợi ích, không chỉ người dân mà cấp ủy, chính quyền huyện cũng rất muốn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này. Tuy nhiên do sự thay đổi về chính sách nên giải pháp nào để tiếp tục thu hút người dân trồng rừng là vấn đề mà cấp ủy, chính quyền huyện trăn trở, suy nghĩ rất nhiều…

Bài 4: Để rừng phát triển bề vững

Minh Thùy - Tú Trinh - Mai Giáp
Bình luận
Back To Top