Xây dựng khối đại đoàn kết vùng dân tộc thiểu số huyện Ðiện Biên Ðông

09:22 - Thứ Sáu, 23/10/2020 Lượt xem: 6616 In bài viết

ĐBP - Là một huyện miền núi của tỉnh, với 6 dân tộc chính (trong đó Mông chiếm 53,73%, Thái 32,06%, Lào 2,9%, Khơ Mú 5,96%, Sinh Mun 3,46%, Kinh và dân tộc khác 1,89%), 13 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, nhất là hộ nghèo dân tộc thiểu số còn cao. Ðời sống kinh tế của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, hiểu biết pháp luật còn hạn chế; các thế lực thù địch tiếp tục lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ để gây mất ổn định an ninh, trật tự, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Xác định việc xây dựng khối đoàn kết các dân tộc là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Ðại diện lãnh đạo huyện Ðiện Biên Ðông dự ngày Phục dựng Lễ hội Khẩu Hó (Mừng cơm mới) của dân tộc Lào tại xã Mường Luân. Ảnh: Kỳ Khiêm

Trao đổi với chúng tôi, ông Lò Hồng Phong, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ðiện Biên Ðông cho biết: Ðể tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Huyện ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới nội dung, phương pháp vận động quần chúng tham gia vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội; tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, giáo dục nhân dân về các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, về truyền thống đoàn kết của dân tộc thông qua nhiều hình thức khác nhau. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, triển khai nhiều phong trào thi đua yêu nước, từ đó tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Tính đến cuối nhiệm kỳ 2015 - 2020, 14/14 xã, thị trấn có cán bộ phụ trách tuyên giáo; 17 báo cáo viên cấp huyện, 78 báo cáo viên cấp xã và 188 tuyên truyền viên; 2 giảng viên chuyên trách thuộc Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện và 11 giảng viên kiêm chức. Trong 5 năm mở được 103 lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho 5.452 cán bộ, đảng viên, tăng 28 lớp so với nhiệm kỳ trước.

Các cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, các phong trào “Ðoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả, hội nhập quốc tế”, “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” … được triển khai thực hiện sâu rộng, có trọng tâm, trọng điểm với mục tiêu cụ thể, thiết thực. Bằng các nguồn kinh phí từ vốn đầu tư ngân sách Nhà nước đến nguồn xã hội hóa tạo phong trào sôi nổi trong xây dựng nhà văn hóa. Năm 2020, dự ước có 7/14 xã, thị trấn và 100/198 bản có nhà văn hóa, 2/14 xã, thị trấn có sân vận động xã.

Qua đó đã góp phần khơi dậy tinh thần lao động sáng tạo của các tầng lớp nhân dân tham gia phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Ðể tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong đồng bào dân tộc thiếu số, huyện thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế, triển khai nhiều mô hình kinh tế mới, hiệu quả góp phần không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào, thu hẹp khoảng cách giữa đồng bào dân tộc thiểu số với đồng bào dân tộc đa số, giữa vùng sâu, vùng xa với các trung tâm huyện, xã. Từ đó, tạo ra quan hệ tốt đẹp, hài hòa giữa các dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện. Nhờ thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế, giảm nghèo, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020 giảm từ 70,88% đầu năm 2016 xuống còn 50,58% đầu năm 2020.

Ông Mùa A Và, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Na Son cho biết: Một trong những điểm nổi bật, thể hiện tinh thần đoàn kết, đồng lòng của nhân dân trên địa bàn thời gian qua là thực hiện tốt Ðề án “Ðẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”; Ðề án 1 của Huyện ủy “Về xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trong đồng bào dân tộc Mông”. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động, nhất là phát huy được vai trò của ban công tác mặt trận và già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín ở bản đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, qua đó tình trạng đồng bào các dân tộc thiểu số vi phạm pháp luật, tảo hôn giảm qua các năm.

Tinh thần đoàn kết của nhân dân các dân tộc trên địa bàn những năm qua còn thể hiện rõ nét qua mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng được thắt chặt, tình làng nghĩa xóm ngày càng gắn bó, các tập tục lạc hậu dần được xóa bỏ; các gia đình văn hóa với nhiều mô hình như ông bà mẫu mực, cháu con thảo hiền, hiếu học, gia đình làm kinh tế giỏi đã trở thành động lực tạo nếp sống tốt đẹp trong mỗi gia đình, cộng đồng dân cư.

Việc phát huy vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc cũng được triển khai hiệu quả. Hàng năm, Mặt trận Tổ quốc huyện, xã đã phối hợp làm tốt việc rà soát, bình chọn, lập danh sách người có uy tín ở khu dân cư. Thông qua những người có uy tín, tiêu biểu trong các dân tộc, tôn giáo, các cấp chính quyền địa phương kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tình hình nhân dân, đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, kịp thời phát hiện đấu tranh với những phần tử xấu lợi dụng chính sách dân tộc, tôn giáo để mua chuộc, dụ dỗ, lôi kéo nhân dân hoạt động trái pháp luật.

Bên cạnh đó, huyện triển khai nhiều chính sách thể hiện sự quan tâm mọi mặt đối với các tầng lớp, giai cấp trong xã hội, nhất là đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, tạo điều kiện để họ khắc phục khó khăn, đảm bảo cuộc sống, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Huyện tạo điều kiện, cơ hội để đồng bào dân tộc thiểu số tham gia, thảo luận, góp ý vào việc thực hiện các chủ trương, chính sách tại địa phương. Cấp ủy và chính quyền các cấp từ huyện đến xã thường xuyên đối thoại, lắng nghe, học hỏi tiếp thu ý kiến, giải quyết khó khăn, vướng mắc và yêu cầu chính đáng của đồng bào, tin và tôn trọng nhân dân.

Kỳ Khiêm
Bình luận
Back To Top