Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS

13:37 - Thứ Sáu, 23/10/2020 Lượt xem: 6041 In bài viết

ĐBP - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV, ngày 23/10, Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút  gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (Luật Phòng, chống HIV/AIDS).

Đại biểu Quàng Thị Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên tham gia ý kiến tại kỳ họp.

So với Luật Phòng, chống HIV/AIDS năm 2006, dự án Luật sửa đổi, bổ sung đã điều chỉnh, bổ sung một số đối tượng được ưu tiên tiếp cận truyền thông về HIV/AIDS; mở rộng sự tham gia của người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao được triển khai một số dịch vụ HIV/AIDS; giảm độ tuổi được quyền tự nguyện đề nghị xét nghiệm HIV của trẻ em từ đủ 16 tuổi xuống đủ 15 tuổi cho phù hợp với thực tiễn; bổ sung nguồn chi trả xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai từ Quỹ Bảo hiểm y tế; bãi bỏ Điều 42 về tạm đình chỉ điều tra, miễn chấp hành hình phạt đối với người bị AIDS giai đoạn cuối...

Tham gia thảo luận trực tuyến về dự án luật trên, ĐBQH tập trung vào các nội dung về: phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án luật; mở rộng đối tượng tiếp cận thông tin người nhiễm HIV; kinh phí xét nghiệm HIV tự nguyện để dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con; độ tuổi tối thiểu của người tự nguyện xét nghiệm HIV; quỹ hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV; thời điểm thông qua dự án luật…

Đại biểu Quàng Thị Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên tham gia ý kiến: Hiện nay hành vi "bán dâm" và “sử dụng ma túy” trái phép là những hành vi vi phạm pháp luật mặc dù chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng bị điều chỉnh bởi Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ. Bên cạnh đó, để xác định một người có hành vi bán dâm hoặc sử dụng ma túy trái phép phải do cơ quan thi hành pháp luật bắt quả tang hoặc qua xét nghiệm máu thì mới có đủ căn cứ. Do đó, tại Điểm b, c, Khoản 2, Điều 11 của luật quy định “Người sử dụng ma túy” và “Người bán dâm” là đối tượng được ưu tiên tiếp cận thông tin, giáo dục truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS sẽ gây hiểu nhầm là những hành vi sử dụng ma túy và bán dâm đang được pháp luật cho phép, cũng như gây khó khăn cho việc xác định chủ thể là người “sử dụng ma túy và người bán dâm” để tuyên truyền, vì liên quan đến đời tư cá nhân và quyền con người. Đề nghị Ban soạn thảo xem xét, chỉnh sửa lại thành “Người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy” và “Người có hành vi bán dâm” cho phù hợp và thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện khi luật có hiệu lực thi hành. Đồng thời đề nghị Quốc hội, Ban soạn thảo nghiên cứu sửa đổi quy định về "Phòng, chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục" (Điều 34 của Luật phòng, chống HIV/AIDS hiện hành) thành quy định về "Phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS qua đường tình dục", đồng thời sửa đổi nội dung các khoản trong Điều 34 cho phù hợp vì “các bệnh lây qua đường tình dục” thuộc nhóm bệnh truyền nhiễm; chưa có căn cứ xác định tất cả các bệnh lây qua đường tình dục đều có liên quan đến HIV/AIDS. Việc lây nhiễm HIV/AIDS chủ yếu là qua 3 con đường: Đường máu, quan hệ tình dục không an toàn và từ mẹ sang con. Do đó, nếu các bệnh lây qua đường tình dục mà không "gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch" nên để Luật phòng, chống các bệnh truyền nhiễm điều chỉnh sẽ phù hợp hơn.

Tin, ảnh: Đức Huy
Bình luận
Back To Top