Quốc hội khóa XIV tiếp tục xem xét một số dự thảo luật, nghị quyết

18:39 - Thứ Bảy, 24/10/2020 Lượt xem: 6070 In bài viết

ĐBP - Ngày 24/10, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV tiếp tục ngày làm việc thứ 5 qua hình thức trực tuyến với các nội dung: Nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); thảo luận trực tuyến về dự thảo Luật Bảo vệ môi trường và Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; nghe trình bày tờ trình và báo cáo thẩm tra về 4 dự án luật khác.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên dự họp trực tuyến.

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) các nội dung cơ bản được sửa đổi, bổ sung, gồm: Chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường; các quy định bảo vệ môi trường nước, đất, không khí; phân loại dự án đầu tư có tác động đến môi trường; việc phòng ngừa, ứng phó với sự cố môi trường; các quy định cụ thể về chính sách thuế, phí về bảo vệ môi trường, chi trả dịch vụ hệ sinh thái... Đã có trên 20 lượt ý kiến thảo luận và tranh luận trực tuyến của các ĐBQH tại các điểm cầu. Phần lớn ý kiến tập trung vào việc đề nghị bổ sung, thay đổi, làm rõ một số từ ngữ, bố cục của dự thảo luật; trách nhiệm của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân gây ô nhiễm, sự cố và suy thoái môi trường; bổ sung trách nhiệm của hộ gia đình đối với nội dung giảm thiểu, phân loại, hạn chế sử dụng nhựa dùng 1 lần; tăng cường hoạt động kiểm toán môi trường nhằm nâng cao năng lực quản lý môi trường của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nhận biết và có giải pháp điều chỉnh hoạt động quản lý môi trường được hiệu quả hơn.

Tham gia thảo luận dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, về xây dựng lực lượng được quy định tại Điều 7 của dự thảo nghị quyết, một số ý kiến cho rằng, báo cáo đánh giá tác động và dự thảo nghị quyết chưa xác định cụ thể, thống nhất mô hình tổ chức, bảo đảm hoạt động để xây dựng lực lượng trước khi tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, trong đó có vai trò của Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam về việc tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện, thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan. Do đó, đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ, quy định cụ thể cho thống nhất, dễ thực hiện; bổ sung quy định về tập huấn, bồi dưỡng kiến thức văn hóa, phong tục, tập quán nước sở tại cho cá nhân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Đối với chế độ chính sách quy định tại Điều 14, một số ý kiến đề nghị nghiên cứu, quy định cụ thể hơn (hoặc quy định mang tính nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết) về chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia để tạo thuận lợi trong triển khai tổ chức thực hiện. Ngoài ra, các đại biểu còn tập trung thảo luận vào một số nội dung về: thẩm quyền quyết định việc cử, điều chỉnh, rút lực lượng quy định tại Điều 10; nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ quy định tại Điều 15 và nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, ngành Trung ương  quy định tại Điều 16 của dự thảo nghị quyết.

Trong phiên làm việc chiều nay, Quốc hội nghe trình bày tờ trình và báo cáo thẩm tra về 4 dự án luật, gồm: Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Lực lượng an ninh tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Tin, ảnh: Đức Huy
Bình luận
Back To Top