Công khai, minh bạch trong xét tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư

09:17 - Thứ Ba, 15/12/2020 Lượt xem: 4187 In bài viết

Hội đồng Giáo sư nhà nước (HĐGS NN) vừa công bố kết quả phiên họp (lần thứ 6) thảo luận, bỏ phiếu đối với kết quả xét giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) năm 2020. Năm nay, để bảo đảm quá trình tổ chức xét công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS đạt hiệu quả, ngay từ đầu năm, HĐGSNN đã thông báo lịch và các bước xét cụ thể ở từng cấp: HĐGS cơ sở, HĐGS ngành, liên ngành, HĐGSNN; triển khai tập huấn các bước lập hồ sơ, xét duyệt…

Kết quả có 542 hồ sơ ứng viên đăng ký và nộp hồ sơ xét công nhận đạt tiêu chuẩn tại 87 HĐGS cơ sở; trong đó có 77 hồ sơ ứng viên GS, 465 hồ sơ ứng viên PGS. Quá trình xét tại các HĐGS cơ sở, có 457 ứng viên (67 ứng viên GS, 390 ứng viên PGS) đủ điều kiện chuyển lên xét tại các HĐGS ngành, liên ngành (sau đó có một ứng viên GS và sáu ứng viên PGS xin rút). Tại 28 HĐGS ngành, liên ngành có 357 ứng viên đủ điều kiện chuyển đề nghị xét tại HĐGSNN. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Văn phòng HĐGSNN đã phối hợp các đơn vị chức năng kiểm tra, rà soát các minh chứng của toàn bộ hồ sơ ứng viên. Sau khi có ý kiến rà soát, 14 ứng viên xin rút hồ sơ không xét tiếp, còn 343 ứng viên. Tại phiên họp, HĐGSNN đã thảo luận công khai hồ sơ từng ứng viên, bầu ban kiểm phiếu và tiến hành bỏ phiếu. Kết quả có 339 ứng viên đạt đủ số phiếu tín nhiệm theo quy định gồm 39 ứng viên GS, 300 ứng viên PGS.

Với kết quả chỉ có 50,65% ứng viên GS và 64,52% ứng viên PGS đạt tiêu chuẩn so với số lượng đăng ký ban đầu (là một trong những năm có tỷ lệ  % đạt thấp nhất so với đăng ký) và quá trình xét qua các hội đồng có tới 21 ứng viên xin rút hồ sơ đặt ra nhiều vấn đề. Bởi việc xét đạt tiêu chuẩn GS, PGS vốn thu hút sự chú ý, quan tâm của dư luận xã hội nhiều năm qua. Trong đó, có những năm quá trình xét chưa minh bạch; còn nể nang; hồ sơ của ứng viên khai không đúng sự thật; không bảo đảm các điều kiện tiêu chuẩn theo quy định, nhưng vẫn được cho qua… 

Tuy nhiên, năm 2019 quy chế xét tiêu chuẩn GS, PGS được ban hành mới và năm 2020 được bổ sung, hoàn thiện. Vì vậy, mọi tiêu chí, tiêu chuẩn và hệ thống biểu mẫu rành mạch hơn không chỉ giúp các hội đồng làm việc thuận lợi, các ứng viên dễ soi chiếu mà còn tạo điều kiện để xã hội giám sát tốt hơn. Đáng chú ý, việc công khai hồ sơ các ứng viên (điều mà trước đây không có) đã tác động đáng kể đến việc xét đạt tiêu chuẩn GS, PGS. Việc công khai đã giúp xã hội giám sát, phản biện, phát hiện được những sai sót, hạn chế của mỗi ứng viên qua từng cấp hội đồng, giảm tình trạng khiếu kiện. Điểm đáng chú ý nữa chính là việc các thành viên hội đồng ngành, liên ngành sẽ thay đổi hằng năm chứ không theo nhiệm kỳ 5 năm như trước đây cũng phát huy được hiệu quả tích cực. Bởi với việc thay đổi hằng năm giúp cho tính năng động, trách nhiệm của mỗi thành viên hội đồng tăng lên.

Có thể nói, việc xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS càng công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho giám sát phản biện xã hội càng lớn thì hiệu quả, chất lượng càng cao. Mặc dù quá trình xét năm 2020 tỷ lệ đạt tiêu chuẩn thấp so với đăng ký nhưng sẽ tạo được niềm tin trong xã hội về chất lượng GS, PGS…

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top