Tuần Giáo trăn trở “bài toán” thiếu nước sinh hoạt

09:08 - Thứ Hai, 11/01/2021 Lượt xem: 5456 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, huyện Tuần Giáo đã có nhiều nỗ lực đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt (NSH) nông thôn tập trung, song do nhiều nguyên nhân, đến nay vấn đề NSH vẫn đang là nỗi trăn trở của người dân ở nhiều xã, bản trên địa bàn. Ðể có nước sử dụng, người dân phải đi lấy nước xa khu vực dân cư hoặc tự làm đường ống tạm đưa nước từ các khe suối về nhưng lượng nước không đủ và khó đảm bảo vệ sinh.

Ðường ống nước sinh hoạt do người dân tự đầu tư tại bản Nậm Cá, xã Nà Sáy.

Không đảm bảo nước sinh hoạt

Hơn 10 năm nay, gia đình ông Lò Văn Thương, bản Nậm Cá, xã Nà Sáy (huyện Tuần Giáo) đã đầu tư khoảng 5 triệu đồng làm đường ống đưa nước từ các khe suối về sử dụng. Do chi phí khá cao, nhiều hộ dân khó khăn ở Nậm Cá không đủ tiền làm đường ống nên phải xin nước từ các gia đình có đường ống dẫn nước như hộ ông Lò Văn Thương. Ở Nậm Cá, đã nhiều năm nay, đa số các hộ dân đều sử dụng NSH tại các khe dưới chân đồi cao su nên ai nấy đều rất lo lắng về chất lượng nước không đảm bảo, ảnh hưởng tới sức khỏe.

Ông Lò Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã Nà Sáy cho biết: Hiện nay, bản Nậm Cá có 110 hộ dân với 533 nhân khẩu, sinh sống tại 5 cụm dân cư. Từ năm 2006, các hộ dân Nậm Cá đã được Nhà nước đầu tư công trình NSH bằng nguồn vốn Chương trình 134/CP, tuy nhiên đến nay công trình này không còn hoạt động. Trong số 5 cụm dân cư, có 1 cụm gần khu vực điểm trường tiểu học và mầm non Pa Cá đã được đưa vào hệ thống cấp nước công trình Trung tâm xã Nà Sáy và các bản lân cận (đang trong giai đoạn thi công). 4 cụm dân cư còn lại, người dân tự mua ống dẫn nước từ các khe suối về sinh hoạt. Trong số đó có khoảng 70 hộ dẫn nước tại các khe có mặt bằng thấp hơn khu vực trồng cao su nên có những nghi ngại về chất lượng nước không đảm bảo. Tình trạng thiếu NSH, NSH không đảm bảo vệ sinh ở Nậm Cá đã diễn ra nhiều năm nay, bởi vậy việc sớm đầu tư xây dựng công trình cấp NSH cho người dân là rất cần thiết.

Ðối với 68 hộ dân, gần 300 nhân khẩu ở bản Chế Á, xã Tỏa Tình thì NSH cũng đang là vấn đề người dân trăn trở nhiều năm nay. Ðược biết, năm 1995 từ nguồn vốn Chương trình 135/CP, bản Chế Á đã được đầu tư công trình cấp NSH song đến nay đã hư hỏng, không hoạt động. Ðể có nước sử dụng, một số hộ dân tự đầu tư dẫn nước bằng đường ống. Tuy nhiên, nguồn nước chỉ đảm bảo về mùa mưa, còn mùa khô thì người dân phải xuống tận khe gạn nước rồi chở về...

Tương tự, hệ thống cấp NSH bản Hua Xa B được đầu tư từ năm 2004, đến nay đã xuống cấp (đập đầu mối bị vùi lấp, đường ống bằng kim loại một số đoạn bị đứt gãy). Ðể có NSH phục vụ nhu cầu gia đình, người dân Hua Xa B đã tích cực đóng góp tiền, ngày công lao động phối hợp với Tổ quản lý công trình (do bản thành lập) để khắc phục sửa chữa. Tuy nhiên, qua nhiều lần khắc phục nhưng công trình vẫn hoạt động kém hiệu quả, lượng nước không đảm bảo.

Thiếu vốn đầu tư

Theo rà soát của UBND huyện Tuần Giáo, hiện nay huyện có 140 công trình NSH nông thôn tập trung, trong đó 12 công trình hoạt động tốt, 29 công trình hoạt động trung bình, 32 công trình kém hiệu quả và 67 công trình không hoạt động. Hầu hết các công trình NSH tập trung trên địa bàn huyện được xây dựng trước năm 2010 nên nhiều công trình bị xuống cấp và hư hỏng nặng, không còn hoạt động, hết thời gian khấu hao, việc sửa chữa cũng không còn hiệu quả.

Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Văn Ðức, Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết: Ðể đảm bảo công trình NSH phát huy hiệu quả, hàng năm UBND huyện triển khai thực hiện việc đánh giá Bộ chỉ số NSH theo quy định. Trước thực trạng người dân thiếu NSH, chất lượng NSH không đảm bảo như phản ánh, vừa qua UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn kiểm tra hiện trạng sử dụng NSH trên địa bàn. Qua đó cho thấy việc đầu tư xây dựng các công trình NSH cho người là rất cần thiết. Tuy nhiên, do ngân sách hạn hẹp nên không thể bố trí đầu tư xây dựng, nâng cấp sửa chữa tất cả công trình NSH. Về lâu dài, khi được cấp nguồn vốn UBND huyện sẽ bố trí kế hoạch đầu tư xây dựng công trình cấp NSH đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Còn trước mắt, UBND huyện đã xem xét ưu tiên xây dựng 4 công trình NSH trong kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn chương trình mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 như: Công trình NSH tại bản Nậm Cá (xã Nà Sáy), bản Xá Tự và bản Thẩm Nậm (xã Tênh Phông)... Ðồng thời, lập tờ trình về việc đề xuất dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng thủy lợi nhỏ và hệ thống cấp NSH lồng ghép với sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc các tỉnh miền núi phía Bắc thích ứng với biến đổi khí hậu” (vốn WB); trong đó, huyện Tuần Giáo đã lập danh mục nâng cấp, sửa chữa công trình NSH trung tâm xã Tênh Phông và các bản lân cận. Ðối với khu vực dân cư sống tập trung có nguồn NSH, huyện ưu tiên đầu tư các công trình cấp nước cho 1 hoặc liên bản. Còn với vùng dân cư phân tán, huyện sẽ đầu tư loại hình cấp nước nhỏ, lẻ như: Giếng đào, giếng khoan, bể chứa nước mưa, bể lọc nước nhằm giảm suất đầu tư. Qua khảo sát thực tế, nhu cầu sử dụng NSH trên địa bàn rất lớn, trong khi ngân sách huyện hạn hẹp, chủ yếu do ngân sách tỉnh hỗ trợ. Bởi vậy, Tuần Giáo chỉ có thể cân đối được một phần kinh phí để ưu tiên sửa chữa cấp bách đối với một vài công trình. Ðối với các công trình bị hư hỏng nhỏ, chính quyền địa phương tuyên truyền người dân tự khắc phục sửa chữa nhằm đảm bảo phục vụ nước sinh hoạt, ổn định cuộc sống.

Bài, ảnh: Ðỗ Quyên
Bình luận
Back To Top