SINH HOẠT TƯ TƯỞNG

Không vì chạy theo thành tích…

09:43 - Thứ Tư, 13/01/2021 Lượt xem: 5600 In bài viết

ĐBP - Dịp cuối năm các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tổ chức tổng kết đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ sau 1 năm làm việc; bàn thảo phương hướng chương trình, nhiệm vụ của năm sau. Cùng với việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị ấy thì việc bình xét các danh hiệu thi đua đối với từng tập thể, cá nhân còn nhiều chuyện… đáng bàn.

Cậu X. thở dài, nói: Chi bộ tớ vừa họp tổng kết cuối năm. Trong rất nhiều thành tích mà cả tập thể chi bộ đạt được đó là đã lãnh đạo cơ quan và các đoàn thể chính trị - xã hội cơ quan hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trên cơ sở các thành tích đã đạt được, các đảng viên trong chi bộ đã biểu quyết nhất trí cao với việc đề nghị đảng bộ cấp trên công nhận chi bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ðiều đó là đúng vì kết quả, nỗ lực ấy của cả tập thể cần được ghi nhận, biểu dương. Song điều khiến tớ băn khoăn mãi việc đồng chí bí thư chi bộ trao đổi nội bộ tại cuộc họp hôm ấy. “Vì chỉ tiêu đề ra mỗi năm phải kết nạp từ 2 đảng viên trở lên nên để đạt chỉ tiêu đó chi bộ đã thống nhất làm hồ sơ đề nghị với cấp trên và đã kết nạp 2 đồng chí, trong đó 1 đồng chí còn hơi “non”. Việc phấn đấu còn lừng khừng, chưa rõ nét. Nhưng nếu không kết nạp thì chi bộ lại chưa hoàn thành chỉ tiêu này, trong khi các chỉ tiêu, nhiệm vụ khác chi bộ chúng ta đã hoàn thành rất tốt”…

Câu chuyện ở cơ quan cậu X., không phải là hiếm mà thực tế đã và đang xảy ra ở không ít các cơ quan, đơn vị, địa phương; biểu hiện ở nhiều nội dung, khía cạnh khác nhau. Thế mới có chuyện xảy ra khi một cá nhân ở cơ quan nọ vừa được “xướng tên” có mặt trong “top” đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở tại hội nghị tổng kết cơ quan thì bên dưới xuất hiện những lời xì xào bàn tán không đáng có. Như cá nhân đó có thực sự xứng đáng, có thực sự tiêu biểu để cán bộ, công chức viên chức, lao động học tập, noi theo…

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Thi đua không phải là ganh đua”. Chính vì vậy không thể vì thành tích mà bất chấp để đạt được bằng mọi giá vì mục đích, ý nghĩa cao nhất của thi đua là để thu hút mỗi cá nhân có thể phát triển tài năng, sáng kiến của mình qua đó học hỏi điều hay giúp nhau cùng tiến bộ. Do đó, thi đua thiết thực sẽ thực sự là “liều thuốc” tinh thần hữu hiệu, cổ vũ, động viên mỗi cá nhân phát huy năng lực của mình, ra sức lao động, sản xuất; sáng tạo góp phần xây dựng cơ quan, đoàn thể, đơn vị, địa phương vững mạnh toàn diện.

Minh Thùy
Bình luận
Back To Top