Thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược, quyết tâm xây dựng Ðiện Biên phát triển nhanh và bền vững

09:44 - Thứ Ba, 26/01/2021 Lượt xem: 4732 In bài viết

ĐBP - Ðồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ðoàn Ðại biểu Quốc hội tỉnh Ðiện Biên có cuộc trả lời phỏng vấn về phương hướng phát triển của tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, đặc biệt là những giải pháp trọng tâm để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra. Báo Ðiện Biên Phủ trân trọng giới thiệu nội dung trả lời phỏng vấn của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy.

Ðồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Ðại biểu Quốc hội tỉnh trao đổi với Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, lãnh đạo huyện Mường Nhé trong chuyến thăm và làm việc tại Mường Nhé. Ảnh: Sầm Phúc

PHÓNG VIÊN (P.V): Thưa đồng chí, Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra mục tiêu “Quyết tâm xây dựng tỉnh Ðiện Biên phát triển nhanh và bền vững”. Ðể thực hiện mục tiêu này, Ðiện Biên có thuận lợi và khó khăn gì?

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thắng: “Quyết tâm xây dựng tỉnh Ðiện Biên phát triển nhanh và bền vững” là một trong những thành tố quan trọng của chủ đề Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh Ðiện Biên lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Chủ đề của Ðại hội mang thông điệp phát triển, thể hiện quyết tâm chính trị, khát vọng vươn lên mạnh mẽ của toàn Ðảng bộ, đồng thời cũng chính là nguyện vọng của nhân dân các dân tộc tỉnh Ðiện Biên. Ðây là mục tiêu cao, đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực to lớn của toàn Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Ðiện Biên trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Ðể thực hiện mục tiêu này, thách thức đối với Ðiện Biên là không nhỏ. Vị trí địa lý của Ðiện Biên cách xa các trung tâm kinh tế lớn của cả nước; địa hình đồi núi có độ dốc lớn; quy mô nền kinh tế nhỏ; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chậm phát triển và thiếu đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông... Những khó khăn này ảnh hưởng lớn tới việc thu hút đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư lớn. Bên cạnh đó một số trở ngại đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: Chất lượng nguồn nhân lực thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao; thu ngân sách trên địa bàn thấp, nhu cầu cho đầu tư phát triển rất lớn, trong khi đó nguồn vốn ngân sách từ Ðiện Biên và hỗ trợ từ ngân sách Trung ương còn hạn chế so với nhu cầu phát triển… Thêm vào đó, dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân, tiếp tục có những diễn biến khó lường và ảnh hưởng sâu rộng hơn.

Tuy nhiên, Ðiện Biên cũng có nhiều lợi thế, bản sắc riêng mang tính chất nền tảng để có thể thực hiện thắng lợi mục tiêu “Xây dựng tỉnh Ðiện Biên phát triển nhanh và bền vững”. Ðó là truyền thống anh hùng cách mạng với chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; đó là sự đoàn kết, nhất trí, đồng sức, đồng lòng của toàn Ðảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân 19 dân tộc anh em. Trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, Ðiện Biên có lợi thế về phát triển du lịch, dịch vụ - nhất là du lịch lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm bản sắc văn hóa các dân tộc. Bên cạnh đó, Ðiện Biên còn có lợi thế về phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp với nhiều loại cây trồng chủ lực, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của Ðiện Biên như: Lúa gạo đặc sản, các loại cây công nghiệp (mắc ca, chè shan tuyết cổ thụ, cà phê...), cây lâm nghiệp, cây dược liệu, cây ăn quả... Ðiện Biên cũng có tiềm năng phát triển thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang, lối mở A Pa Chải. Ðây là sức mạnh then chốt và chủ lực để Ðiện Biên tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

P.V: Như vậy dù có cơ sở và động lực để Ðiện Biên phấn đấu thực hiện mục tiêu 5 năm tới; song khó khăn và thách thức cũng không nhỏ. Theo đồng chí, Ðiện Biên cần tập trung thực hiện những giải pháp nào để đạt được mục tiêu đề ra?

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thắng: Khi đặt ra mục tiêu phấn đấu cho cả nhiệm kỳ, Ðảng bộ tỉnh đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Theo đó, Ðiện Biên tiếp tục thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược gồm: Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và đô thị đồng bộ theo hướng hiện đại; tập trung nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách đặc thù tạo động lực thu hút mạnh nguồn lực cho đầu tư phát triển; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển. Ðồng thời, tập trung xây dựng và triển khai thực hiện 12 chương trình trọng điểm; 8 nhiệm vụ trọng tâm cùng các giải pháp chủ yếu trong từng lĩnh vực.

Ðể thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra, với “quyết tâm đưa Ðiện Biên phát triển nhanh và bền vững”; trước mắt cần tập trung tập trung xây dựng Quy hoạch tỉnh Ðiện Biên giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với chất lượng cao nhất, làm cơ sở, nền tảng để phát triển bền vững. Ðồng thời, tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt 3 khâu đột phá chiến lược mà Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh đã đề ra, phù hợp với điều kiện của tỉnh, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thắng thăm thực địa Dự án trồng mắc ca tại huyện Tuần Giáo. Ảnh: Phạm Trung

Về hạ tầng: Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại, trọng tâm là: Triển khai thực hiện Dự án Nâng cấp, mở rộng Cảng Hàng không Ðiện Biên; các dự án hạ tầng du lịch; Ðề án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Ðiện Biên Phủ; các dự án giao thông kết nối các địa phương trong tỉnh và với các tỉnh lân cận. Thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội tại TP. Ðiện Biên Phủ, đặc biệt là Dự án đường 60m, Dự án Hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng dọc sông Nậm Rốm, các tuyến đường kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm thuộc vùng kinh tế động lực dọc trục quốc lộ 279 và quốc lộ 12. Ðồng thời, tập trung nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia và Ðề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 để đầu tư cơ sở hạ tầng cho các địa bàn vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước giải quyết các vấn đề xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững.

Về thể chế: Tiếp tục rà soát quy chế, quy định, tăng cường phân cấp, phân quyền; cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, gọn nhẹ, nhằm thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tập trung nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù để khai thác tiềm năng, phát huy mọi nguồn lực, thu hút đầu tư trong lĩnh vực kinh tế du lịch và kinh tế nông nghiệp. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn trong công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các chương trình, dự án, đảm bảo tiến độ, phát huy hiệu quả. 

Về phát triển nguồn nhân lực: Nâng cao năng lực dự báo cung - cầu lao động, chuẩn bị tốt nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai; gắn đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực với thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Mở rộng các hình thức đào tạo nghề, trọng tâm là đào tạo các ngành, nghề phù hợp nhu cầu nhân lực và thị trường lao động. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ, đạo đức, nhiệt huyết với công việc.

P.V: Với vai trò là người đứng đầu Ðảng bộ tỉnh, xin đồng chí cho biết Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thời gian tới, trước mắt là trong năm 2021 sẽ tập trung lãnh đạo những nội dung gì để sớm đưa Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh vào cuộc sống?

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thắng: Ðể sớm đưa các nội dung Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 vào cuộc sống, cần tập trung thực hiện một số nội dung sau:

Một là, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh tới cán bộ, đảng viên và nhân dân. Từ đây tạo sự thống nhất về quan điểm, nhận thức và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh, xây dựng Ðảng, củng cố hệ thống chính trị. Các cấp, các ngành bám sát các nghị quyết chuyên đề, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh, để xây dựng chương trình, kế hoạch hành động, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Ðại hội đã đề ra.

Hai là, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ; kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết. Lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao vai trò chỉ đạo điều hành của các cấp, các ngành từ tỉnh tới cơ sở, gắn nhiệm vụ cụ thể với trách nhiệm cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu; chủ động nắm tình hình cơ sở, sát dân, lắng nghe, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc ngay từ cơ sở.

Ba là, cả hệ thống chính trị phải tập trung, quyết liệt hành động vì sự phát triển chung của tỉnh, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân. Bằng những hành động thiết thực, hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân, để người dân thấy được động lực mới, khí thế mới và nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân được đảm bảo, thì Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh sẽ sớm đi vào cuộc sống và được đông đảo nhân dân hưởng ứng, tích cực tham gia thực hiện, để xây dựng tỉnh Ðiện Biên ngày càng giàu đẹp.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Bí thư Tỉnh ủy!

Hà Anh (thực hiện)
Bình luận
Back To Top