“Dân vận khéo” tạo sức mạnh đổi thay quê hương

09:08 - Thứ Sáu, 05/02/2021 Lượt xem: 4968 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, hàng trăm mô hình điển hình dân vận khéo ở nhiều lĩnh vực trong toàn tỉnh đã và đang phát huy hiệu quả, lan tỏa trong thực tiễn. Qua đó huy động sức mạnh nhân dân cùng góp sức làm đổi thay thôn, bản, giải quyết các vướng mắc, khó khăn tại cơ sở.

Trường THPT Thanh Nưa tăng cường truyền thông và nâng cao chất lượng giáo dục để thu hút tuyển sinh. Trong ảnh: Một giờ học của thầy và trò Trường THPT Thanh Nưa. Ảnh: Nguyễn Hiền

5 năm qua (2016 - 2020), toàn tỉnh có 747 mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị. Mỗi lĩnh vực đều thu hút được sự tham gia của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Trong phát triển kinh tế có 253 mô hình, điển hình tiên tiến “Dân vận khéo”. Ðặc biệt đối với việc triển khai các chương trình xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, các dự án trọng điểm, dân vận khéo bằng phương thức vận động, tuyên truyền công khai, dân chủ, lấy ý kiến nhân dân, giúp nhân dân nhận thức rõ vai trò chủ thể của mình trong các chương trình mục tiêu quốc gia đã đạt nhiều kết quả khả quan, nhiều cách làm hay, sáng tạo. Như Ðảng bộ xã Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên) vận động nhân dân dồn điền đổi thửa, phát triển sản xuất; Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Búng Lao (huyện Mường Ảng) nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, góp sức xây dựng nông thôn mới; Chi hội nghề nghiệp thôn Huổi Lóng, xã Huổi Só (huyện Tủa Chùa) vận động hội viên và người dân phát triển trồng sắn cao sản và các loại cây, con khác, tăng thu nhập cho gia đình...

Ông Quàng Văn Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quài Nưa (huyện Tuần Giáo) là một trong 3 điển hình của tỉnh vinh dự được Ban Dân vận Trung ương khen tặng với thành tích trong tuyên truyền vận động cán bộ hội viên phát triển kinh tế tập thể. Trong 5 năm qua, ông đã chỉ đạo, rà soát thành lập các nhóm sở thích, tổ hội nghề nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp. Ông Thủy cho biết: “Ðể thành lập được, tôi đã cùng các đồng chí Ban Chấp hành Hội, chi hội trưởng tổ chức các buổi sinh hoạt chi hội, kết hợp họp bản tuyên truyền, vận động người dân và nêu gương người tốt việc tốt. Từ đó giải thích các lợi ích mà kinh tế tập thể đem lại. Nhờ vậy đã thành lập được 3 chi/tổ hội nghề nghiệp với 42 thành viên, 3 nhóm sở thích chăn nuôi với 75 thành viên, 24 nhóm hộ trồng cây ăn quả với 200 hộ tham gia, 2 hợp tác xã chăn nuôi đại gia súc và sản xuất kinh doanh dịch vụ giống nông lâm nghiệp. Các mô hình kinh tế tập thể đi vào hoạt động ổn định và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2020, toàn xã có 46 hộ đạt sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, chiếm 33% toàn huyện, trong đó cấp tỉnh có 4 hộ, cấp huyện 20 hộ, cấp cơ sở 22 hộ”. Ông Thủy không chỉ là cán bộ hội nhiệt huyết, dân vận khéo mà còn là tấm gương phát triển kinh tế giỏi trên địa bàn. Bản thân ông tham gia Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh dịch vụ giống nông, lâm, nghiệp; đầu tư chăn nuôi trâu, bò vỗ béo nuôi nhốt 100%. Mô hình nuôi nhốt của gia đình ông được nhiều hộ dân trên địa bàn học hỏi và làm theo.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng được đổi mới về nội dung, phương thức vận động; đảm bảo tính đa dạng, phong phú, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Phong trào đã góp phần tích cực nâng cao nhận thức của người dân trong việc thực hiện nếp sống văn minh, từng bước đẩy lùi tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thi đua thực hiện tốt sự nghiệp giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho nhân dân…

Trường THPT Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên) là tập thể điển hình phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2016 - 2020 với mô hình “Chung tay huy động học sinh đến trường”. Tuyển sinh các xã vùng ngoài còn nhiều khó khăn của huyện Ðiện Biên, những năm qua Trường THPT Thanh Nưa đã đổi mới phương thức tuyển sinh bằng các hoạt động tăng cường truyền thông; phối hợp hiệu quả với cấp ủy, chính quyền địa phương, nhân dân địa bàn để tạo sự đồng thuận, quan tâm, hỗ trợ cho sự nghiệp giáo dục; giáo viên nhà trường trực tiếp đến từng thôn bản, từng nhà để vận động học sinh tới trường. Nhà trường cũng đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, huy động được sự quan tâm hỗ trợ của các tổ chức đoàn thể, các cơ quan, doanh nghiệp, các lực lượng vũ trang trên địa bàn cho công tác giáo dục và giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là trong các dịp lễ tết, kỳ thi THPT quốc qua. Hơn hết, nhà trường xác định chất lượng giáo dục tốt là yếu tố quan trọng thu hút học sinh. Vì vậy quan tâm nâng cao chất lượng dạy và học, nhiều năm học liên tiếp tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT của Trường đạt 100%. Bằng những hoạt động thiết thực và cụ thể đó, từ năm 2018 - 2020 chỉ tiêu tuyển sinh nhà trường luôn vượt mức ngành giao từ 19 - 32%, thêm nhiều học sinh vùng cao đến trường.

Còn rất nhiều mô hình dân vận tiêu biểu trên các lĩnh vực khác như: quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị. Các mô hình đã phát huy tác dụng tốt, có sức lan tỏa toàn xã hội, nhờ vậy nhiều kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo được đúc rút và nhân rộng. Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Lò Văn Mừng nhận định: “Các cấp, các ngành đã triển khai, thực hiện nghiêm túc, đồng bộ phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu trong toàn tỉnh. Thực tế cũng đã chứng minh các mô hình được triển khai trong thời gian qua phát huy hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân vận, giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân, những nguyện vọng, kiến nghị chính đáng, hợp pháp, tạo sự đồng thuận trong xã hội, động viên và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế, chính trị của địa phương”. Qua những điển hình đó, càng thêm khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.

Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top