Nâng cao bản lĩnh, trình độ cho đội ngũ làm báo

09:20 - Thứ Sáu, 12/03/2021 Lượt xem: 4633 In bài viết

ĐBP - Báo chí - Nghề được nhiều người biết đến và kính trọng. Nghề báo rất vinh quang, và khi được trui rèn càng thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, tinh thần cống hiến hết mình trong mỗi tác phẩm... Mỗi nhà báo là một chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa sẽ góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng giàu tính chiến đấu, chuyên nghiệp và hiện đại, vì lợi ích của đất nước và nhân dân...

Hội viên Hội Nhà báo tỉnh tác nghiệp tại Lễ hội Hoa Ban năm 2019. Ảnh: HẢI YẾN

Chi hội Nhà báo Báo Ðiện Biên Phủ hiện có 32 hội viên. Nhiệm kỳ qua, Ban Thư ký Chi hội đã quan tâm kết nạp hội viên. Bên cạnh đó là tạo điều kiện để hội viên, nhà báo được tham gia các lớp tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; kỹ năng tác nghiệp, làm báo trong môi trường mới.

Nhận thấy, làm báo trong xu thế hiện nay không dễ, nhất là khi nền kinh tế thị trường đã thâm nhập sâu vào mọi ngóc ngách của đời sống. Do vậy, mỗi hội viên, nhà báo Báo Ðiện Biên Phủ được Ban Biên tâp, Ban Thư ký “trang bị” kiến thức chuyên môn, bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, để luôn xứng đáng với 6 chữ: “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc”.

Thực tế cho thấy, trong số nhiều phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên đang làm báo trong tỉnh hiện nay, chúng ta không loại trừ có hội viên, người làm báo đang có dấu hiệu làm việc xa rời tôn chỉ, mục đích nghề báo. Công nghệ thông tin “phổ cập” đến mọi nhà, mọi người, là điều kiện thuận lợi cho các nhà báo tác nghiệp, nắm bắt thông tin. Tuy nhiên, cũng bởi lý do này, không ít nhà báo, phóng viên đút chân gầm bàn lướt mạng để cóp nhặt thông tin viết báo. Không xuống cơ sở, không thâm nhập thực tế nên nhiều thông tin phản ánh trên báo chí tính chính xác không cao, chưa đảm bảo trung thực, khách quan, thiếu hơi thở cuộc sống. Có những sự kiện, vấn đề “nhạy cảm”, nhất là việc triển khai các chương trình, dự án vì sự phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội... trên địa bàn tỉnh, khi có dấu hiệu sai phạm, bị một vài hội viên nhà báo tập trung khai thác thông tin quá sâu, quá chi tiết, gặp gỡ nhiều lần khiến người cung cấp thông tin cảm thấy bị làm phiền. Vấn đề đặt ra là, nếu nhà báo, hội viên khai thác thông tin phục vụ tốt nhất cho công tác tuyên truyền thì không sao, là hoàn toàn chính đáng. Ðằng này, hội viên nhà báo, phóng viên trong quá trình làm việc, thu thập thông tin đã đưa ra nhiều “gợi ý” để người sai phạm phải “cảm ơn, cảm tạ”, nếu không sẽ đưa thông tin lên báo. Có hội viên nhà báo trong quá trình làm việc, đặt vấn đề không thành, khi viết báo thêm nhiều thông tin không trung thực. Có vấn đề không lớn, nhưng được “cày đi, xới lại”, rút tít giật gân, câu khách, thiếu tính định hướng, làm cho bạn đọc nhiễu loạn thông tin...

Ðể phóng viên, hội viên làm việc đúng tôn chỉ mục đích, Ban Biên tập chú trọng việc “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, nghĩa là học cách làm báo của Bác Hồ. Trong quá trình tác nghiệp, phóng viên, hội viên nhà báo Báo Ðiện Biên Phủ luôn có thái độ cầu thị, thông tin chuyển tải đảm bảo tính trung thực, khách quan; khen đúng, chê đúng, không “tô hồng hay bôi đen vấn đề”. Xác định, làm báo là làm cách mạng; ngòi bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của nhà báo. Khi được trang cấp “vũ khí” thì mỗi hội viên Nhà báo Báo Ðiện Biên Phủ phải biết “phò chính, trừ tà”, phục vụ cách mạng. Phải thường xuyên mài dũa để “vũ khí” thêm sắc bén phục vụ tốt hơn cho nghề nghiệp. Nhà báo, hội viên báo chí luôn phải “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”. Cái tâm (lòng) của nhà báo quyết định thông tin tuyên truyền của tờ báo. Khi tâm không sáng thì thông tin thể hiện trong mỗi tác phẩm báo chí dễ là “màu tối”. Với bài điều tra chống tiêu cực, quan điểm viết báo của mỗi hội viên Báo Ðiện Biên Phủ là chỉ ra cho người ta cái sai để rút kinh nghiệm, có biện pháp khắc phục sai lầm kịp thời.

Phóng viên Báo Ðiện Biên Phủ tác nghiệp tại kỳ họp thứ 16, HÐND tỉnh khóa XIV. Ảnh: PHẠM QUANG

Làm báo là một nghề như bao nghề khác, tuy nhiên nghề báo có tính đặc thù là lao động trí óc. Nhà báo thay người khác phản ánh thực tại khách quan bản chất vấn đề đã, đang xảy ra tại một nơi nào đó để độc giả hiểu bản chất, sực việc. Nếu nhà báo phản ánh sai, nghĩa là cung cấp cho độc giả thông tin sai, dễ làm cho tình hình chính trị, an ninh thêm phức tạp. Chính vì vậy, 3 năm gần đây, Báo Ðiện Biên Phủ phân công phóng viên, hội viên nhà báo phụ trách địa bàn. Phóng viên thường xuyên có mặt tại các địa bàn mình phụ trách, có mối quan hệ thân thiết với cơ sở, nên mỗi khi có vấn đề mới, nóng... phóng viên khai thác, cập nhật thông tin đảm bảo tính chính thống, trung thực, khách quan, phản ánh kịp thời trên các ấn phẩm của Báo, được dư luận xã hội đánh giá cao.

Hiện nay các thế lực thù địch đang tìm mọi cách để chống phá Ðảng, Nhà nước, nói xấu, bôi nhọ chế độ cộng sản tốt đẹp của chúng ta. Do vậy, hơn lúc nào hết, mỗi nhà báo, cán bộ báo chí, người làm công tác thông tin tuyên truyền cần nhận biết rõ âm mưu xấu độc của bọn chúng, từ đó có những bài viết đấu tranh, phản bác lại. Với tỉnh Ðiện Biên, do trình độ hiểu biết của một bộ phận dân cư hạn chế. Giao thông cách trở, kinh tế khó khăn; các phương tiện truyền thông đại chúng hàng ngày đã nỗ lực phổ quát, phủ sóng thông tin cho bà con, nhưng do đặc thù riêng, nên nhiều “vùng lõm”, bản vùng cao, biên giới... bà con vẫn thiếu những thông tin chính thống. Do vậy, các thế lực thù địch luôn tìm cách xúi giục, lôi kéo nhân dân làm những việc vi phạm pháp luật. Trước thực trạng đó, Báo Ðiện Biên Phủ đã chỉ đạo phóng viên bám nắm cơ sở, khai thác thông tin để tuyên truyền kịp thời những cái được trong chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, kịp thời biểu dương điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt... tại địa phương cho nhân dân biết và yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế, xây dựng quê hương giàu đẹp. Một mặt, báo chí chỉ ra những hạn chế, thiếu sót để lãnh đạo các cấp địa phương rút kinh nghiệm, sửa sai kịp thời, lấy lại lòng tin trong nhân dân.

Ðức Tùng
Bình luận
Back To Top