Tiến độ giao đất, giao rừng và cấp GCNQSDĐ giai đoạn 2019 – 2023 còn chậm

11:01 - Thứ Sáu, 12/03/2021 Lượt xem: 4921 In bài viết

ĐBP - Sáng nay (12/3), UBND tỉnh tổ chức hội nghị về kết quả triển khai thực hiện giao đất, giao rừng và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) lâm nghiệp giai đoạn 2019 – 2023 trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo giao đất, giao rừng và GCNQSDĐ chủ trì hội nghị.

Đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kết luận hội nghị.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2019 – 2023, toàn tỉnh phải triển khai thực hiện rà soát, hoàn chỉnh việc giao đất, giao rừng, cấp GCNQSDĐ đất lâm nghiệp hơn 366.626ha; trong đó, đất lâm nghiệp có rừng là hơn 31.772ha, đất lâm nghiệp chưa có rừng hơn 334.854ha. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh thực hiện giao đất, giao rừng, cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp cho 633 tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân với tổng diện tích hơn 27.017ha (đạt 85% kế hoạch). Kết quả giao đất, giao rừng và cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp chưa có rừng và có rừng cho tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình tích lũy đến nay đạt 5.269 trường hợp với diện tích hơn 355.143ha. Đối với diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng hiện nay các huyện mới đang lập, hoàn thiện phê duyệt phương án kỹ thuật, dự toán kinh phí.

Tại hội nghị, một số ý kiến chỉ ra những khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện kế hoạch, như: Công tác chỉ đạo triển khai thực hiện của một số đơn vị cấp huyện còn chậm; việc phê duyệt phương án kỹ thuật, dự toán kinh phí rà soát, hoàn chỉnh thủ tục giao đất, giao rừng, cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp giai đoạn 2019 – 2023 chưa thực hiện. Về định mức kinh phí đo đạc, lập hồ sơ không vượt quá 200 nghìn đồng/ha là thấp. Đối với diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng chủ yếu đất luân canh nên người dân mong muốn không chuyển thành đất lâm nghiệp. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, tập huấn…

Đồng chí Lò Văn Tiến đánh giá tiến độ thực hiện việc giao đất, giao rừng, cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp còn chậm, đặc biệt là nội dung giao đất lâm nghiệp chưa có rừng chưa thực hiện được. Nguyên nhân là do trách nhiệm vào cuộc của UBND các cấp chưa cao. Thời gian tới tất cả diện tích đất lâm nghiệp được quy hoạch nhưng chưa có rừng phải được đo đạc, quy chủ (riêng diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ giữ nguyên). Về định mức kinh phí thực hiện tỉnh sẽ bàn, thống nhất. Hướng thực hiện là làm cuốn chiếu, các huyện phân kỳ từng năm, không làm dàn trải; cấp huyện sẽ chọn huyện Mường Nhé và cấp xã chọn xã Phu Luông (huyện Điện Biên) làm điểm. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp và các chính sách để người dân hiểu, tham gia. Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu Ban Chỉ đạo đạo tỉnh kiện toàn Ban Chỉ đạo; trong đó, dự kiến phân công một số ngành giúp Ban chỉ đạo đôn đốc, kiểm tra, giám sát các huyện thực hiện. Đối với Sở Tài chính tiếp thu ý kiến các đại biểu, nghiên cứu, xem xét tham mưu UBND tỉnh về kinh phí thực hiện và định mức kinh phí đo đạc, quy chủ. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương chỉ đạo quyết liệt giao diện tích rừng tăng thêm. UBND các huyện sớm dứt điểm bàn giao diện tích rừng tăng thêm để người dân được hưởng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng; rà soát, kiện toàn lại Ban Chỉ đạo cấp huyện; xây dựng kế hoạch năm 2021 và gửi về cơ quan thường trực của tỉnh; mỗi huyện trong năm 2021 ít nhất phải đo đạc, quy chủ được 3 xã.

Tin, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top