UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 4 (lần 1)

12:54 - Thứ Bảy, 17/04/2021 Lượt xem: 5092 In bài viết

ĐBP - Trong 2 ngày (16 - 17/4), UBND tỉnh tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 4 (lần 1). Đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp. Dự họp có đồng chí Lò Văn Phương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô kết luận các nội dung tại phiên họp UBND tỉnh tháng 4 (lần 1).

Đánh giá thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh  tháng 3, quý I, UBND tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện các chương trình, giải pháp chỉ đạo điều hành. Kết quả: GRDP 3 tháng đầu năm ước đạt 2.762,406 tỷ đồng (tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020). Trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản đạt 299,730 tỷ đồng (tăng 3,26%); công nghiệp – xây dựng đạt 562,951 tỷ đồng (tăng 5,26%); dịch vụ đạt 1.791,486 tỷ đồng (tăng 4,3%); các lĩnh vực giáo dục – đào tạo; y tế - dân số và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân đạt mục tiêu kế hoạch đề ra; quốc phòng -  an ninh được giữ vững, ổn định. Thực hiện nhiệm vụ quý II/2021, UBND tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt, sát sao các ngành, các cấp triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2021, đảm bảo phấn đấu thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch.

Tham gia ý kiến vào nội dung này, các đại biểu đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục: Một số chỉ tiêu về lĩnh vực dịch vụ, xuất nhập khẩu đạt thấp so với kế hoạch năm; tình hình triển khai một số dự án trọng điểm còn chậm, chưa đảm bảo lộ trình đề ra; tình trạng di cư tự do, tuyên truyền đạo trái phép... vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp; tình hình tội phạm về ma túy ngày càng tinh vi và manh động…

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô ghi nhận kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh quý I. Để hoàn thành nhiệm vụ quý II và những tháng cuối năm, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao ý thức cảnh giác, phòng chống dịch Covid-19; tập trung phối hợp, bàn giải pháp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án, nhất là các dự án trọng điểm của tỉnh; cần quy hoạch các điểm mỏ, đảm bảo đủ nguồn vật liệu xây dựng phục vụ các công trình, dự án trên địa bàn; tăng cường quảng bá và kích cầu khách du lịch đến với Điện Biên. Bên cạnh đó bảo đảm tiến độ thu ngân sách, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp... phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Tại phiên họp này, UBND tỉnh đã thông qua nội dung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, tổng nguồn vốn dự kiến được Thủ tướng Chính phủ thông báo là 11.927,82 tỷ đồng, trong đó: Vốn ngân sách địa phương là 4.578,8 tỷ đồng và vốn ngân sách Trung ương 7.349,02 tỷ đồng (chưa bao gồm các chương trình MTQG). Nguồn ngân sách địa phương phân bổ chi tiết cho ngân sách cấp huyện quản lý là 1.008,369 tỷ đồng và ngân sách cấp tỉnh quản lý là 2.657,712 tỷ đồng.

Đại diện các huyện, thị xã, thành phố đề nghị UBND tỉnh bám sát các nguyên tắc ưu tiên vốn, sử dụng vốn ngân sách nhà nước và các quy định tại các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh ưu tiên nguồn vốn ngân sách địa phương đầu tư một số dự án trọng điểm cấp huyện, như: Dự án hồ chứa nước Ẳng Cang; Trung tâm Hội nghị huyện Mường Ảng; các dự án chỉnh trang đô thị TP. Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên; Trung tâm Hội nghị và sân Quảng trường huyện Tuần Giáo; hạ tầng ngoài hàng rào chợ thị trấn Tuần Giáo; đường trung tâm huyện Nậm Pồ đi Nà Khoa, Chà Cang…

Đối với nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô đề nghị các ngành và các địa phương căn cứ các nghị quyết của HĐND tỉnh tiếp tục rà soát, điều chỉnh lại kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025. Tuy nhiên khi thay đổi, điều chỉnh phải thuyết minh được sự cấp thiết đối với sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa bàn, chậm nhất đến ngày 20/4 phải hoàn thành để Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình UBND tỉnh. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng hoàn chỉnh báo cáo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 để UBND tỉnh phê duyệt và trình HĐND tỉnh.

Theo nội dung tờ trình thành lập mới các bản thuộc huyện Mường Nhé và sáp nhập, đổi tên, chuyển bản thành tổ dân phố thuộc huyện Tủa Chùa, huyện Mường Nhé đề nghị thành lập mới 4 bản: Nậm Là 2, Tân Phong (xã Mường Nhé), Mường Toong 6, Mường Toong 7 (xã Mường Toong); huyện Tủa Chùa đề nghị sáp nhập bản Tân Phong và tổ dân phố Quyết Thắng để thành lập tổ dân phố Tân Phong; chuyển 8 bản mới sáp nhập vào thị trấn thành tổ dân phố; đổi tên và chuyển bản Đông Phi 2 thành tổ dân phố Háng Sáng và đổi tên tổ dân phố Bản Cáp thành tổ dân phố Quyết Tiến (thị trấn Tủa Chùa); đổi tên thôn Đông Phi 1 thành thôn Đông Phi (xã Mường Báng).

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô thống nhất hoàn tất các thủ tục để trình HĐND tỉnh về việc thành lập 4 bản thuộc huyện Mường Nhé. Đối với huyện Tủa Chùa, UBND tỉnh thống nhất việc sáp nhập bản Tân Phong và tổ dân phố Quyết Thắng để thành lập tổ dân phố Tân Phong; việc đổi tên các thôn bản huyện Tủa Chùa hoàn thiện các thủ tục để trình HĐND tỉnh; giữ nguyên tên 8 bản mới sáp nhập vào thị trấn Tủa Chùa.

Tin, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top