Ðẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số

08:13 - Thứ Sáu, 23/04/2021 Lượt xem: 4472 In bài viết

ĐBP - Thực hiện “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” theo Quyết định số 749/QÐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh ta đang nỗ lực tập trung mọi nguồn lực để đẩy mạnh phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh và nền kinh tế số.

Tài chính - Ngân hàng là 1 trong 8 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Agribank chi nhánh Ðiện Biên.

UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 1905/KH-UBND ngày 2/7/2020 về triển khai thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, 8 lĩnh vực được xác định ưu tiên chuyển đổi số, gồm: Y tế; giáo dục; tài chính - ngân hàng; nông nghiệp; giao thông vận tải và logistics; năng lượng; tài nguyên môi trường; sản xuất công nghiệp. Triển khai thực hiện các sở, ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực và đã đạt được những kết quả tích cực.

Y tế là một trong những lĩnh vực thực hiện có hiệu quả chương trình chuyển đổi số. Ðến nay ngành Y tế đã cung cấp các dịch vụ công đáp ứng cấp độ 2, 3 trên cổng thông tin điện tử ngành; triển khai 80/176 thủ tục hành chính đang thực hiện trong ngành y đạt mức độ 3, 4 đáp ứng nhu cầu của người dân. Trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh, tất cả các cơ sở đều thực hiện khai thác ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chuyện môn, như: Phần mềm quản lý khám chữa bệnh; quản lý tiêm chủng; kiểm tra chất lượng bệnh viện; quản lý bệnh viện; chẩn đoán hình ảnh (PACS/RIS)... Ðến nay đã có 1 đơn vị triển khai các hệ thống phần mềm quản lý xét nghiệm (LIS) đạt mức cao, 13 đơn vị đạt mức cơ bản; triển khai hệ thống chẩn đoán hình ảnh - lưu trữ và truyền hình ảnh có 3 đơn vị đạt mức cơ bản. Toàn ngành có 26,6% cơ sở khám chữa bệnh có hệ thống Telehealth phục vụ công tác hội chẩn trong hoạt động khám chữa bệnh từ xa. Trong lĩnh vực quản lý, có 9 đơn vị thực hiện triển khai hệ thống quản lý hồ sơ công việc trong chỉ đạo điều hành đến các khoa phòng, trạm y tế xã, phòng khám đa khoa khu vực; 80% đơn vị trực thuộc được trang bị hệ thống giao ban trực tuyến. Tất cả các trung tâm chuyên khoa triển khai phần mềm ứng dụng chuyên khoa trong thực hiện chuyên môn; các cơ sở khám chữa bệnh từ tuyến xã đến tỉnh có hệ thống đường truyền cáp quang, hạ tầng mạng LAN, phòng máy chủ…

Ðánh giá chung toàn tỉnh, trong chuyển đổi số đã đạt được một số kết quả, như: 100% cơ quan hành chính Nhà nước từ cấp tỉnh đến xã triển khai phần mềm Cổng Dịch vụ công trực tuyến và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh, phục vụ công tác tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”. Hiện nay, Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh công khai 1.668 thủ tục hành chính và 581 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

Về phát triển kinh tế số, cơ bản các doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh, như: Tất cả các doanh nghiệp sử dụng internet, sử dụng thư điện tử, tham gia các website để mua bán các sản phẩm hàng hóa; 10% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử hoạt động thường xuyên; trên 40% siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở phân phối hiện đại sử dụng phương thức thanh toán điện tử. Trong việc phát triển hạ tầng, nền tảng số phục vụ chuyển đổi số, toàn tỉnh hiện có 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính với 167 điểm phục vụ bưu chính công cộng; 89 tuyến đường thư; 80% khu vực dân cư sinh sống, làm việc (thôn, bản, tổ dân phố) được kết nối internet băng rộng cố định (cáp quang) và gần 98% thôn, bản được phủ sóng điện thoại di động. Hết năm 2020, toàn tỉnh có trên 95% cơ quan Nhà nước cấp tỉnh, trên 90% cấp huyện và 60% cấp xã đã được cấp thiết bị ký số dạng E-token (ký số trên máy tính); cấp hơn 1.500 chứng thư số cá nhân cho các cá nhân và tổ chức giao dịch trên môi trường mạng…

Mục tiêu của tỉnh đến năm 2025 là phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động với 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều thiết bị phương tiện khác nhau; 90% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước được thực hiện thông qua môi trường và hệ số thông tin của cơ quan quản lý. Phấn đấu phát triển kinh tế số chiếm 10% GRDP; trên 50% dân số có tài khoản thanh toán điện tử; hạ tầng mạng băng thông rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình và 100% các xã.

Ðể đạt được mục tiêu đề ra, UBND tỉnh chỉ đạo tập trung triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp: Chuyển đổi nhận thức; kiến tạo thể chế; phát triển hạ tầng số; phát triển nền tảng số; tạo lập niềm tin, bảo đảm an toàn, an ninh mạng; hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số. Theo đó, người đứng đầu các sở, ngành, địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách; tổ chức phổ biến, quán triệt nâng cao nhận thức của các cấp ủy Ðảng, chính quyền, người dân và doanh nghiệp về sự cần thiết của chuyển đổi số. Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của các cấp, ngành. Ðối với cấp huyện, chủ động lựa chọn một xã, phường để thử nghiệm công tác truyền thông, phổ biến các kỹ năng số cơ bản cho người dân, như: Truy cập và sử dụng internet, thư điện tử, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử, dịch vụ công trực tuyến.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top