Sự kiện & Bình luận

"Luồng gió mới" trong công tác cán bộ

14:35 - Thứ Sáu, 18/06/2021 Lượt xem: 4253 In bài viết

ĐBP - Cán bộ là cái gốc của mọi vấn đề. Cán bộ tốt thì mọi công việc sẽ tốt, suôn sẻ, trôi chảy. Ngược lại, cán bộ yếu thì kết quả công việc không cao, trì trệ. Cán bộ nào thì phong trào đó...

Công tác cán bộ càng được chú trọng, quan tâm hàng đầu, khi đất nước ta đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, công dân thời đại số.

Với tỉnh ta, việc xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ quản lý, lãnh đạo các cấp có chất lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong công cuộc đổi mới là vấn đề quan trọng và cấp thiết; có vai trò quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Chính vì vậy, trung tuần tháng 4 vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra Thông báo số 161-TB/TU về chủ trương xây dựng Đề án thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý các sở, ban, ngành tỉnh. Trước mắt, sẽ thực hiện thí điểm tại một số sở, ban, ngành: Sở Giao thông vận tải; Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo; Y tế, Tư pháp và Trường Chính trị tỉnh, sau đó đánh giá rút kinh nghiệm và có chủ trương, kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo.

Việc thi tuyển cán bộ lãnh đạo sở, ngành cấp tỉnh; lãnh đạo các cục, vụ, viện... (thuộc các Ban, Bộ, ngành Trung ương) là không mới. Đi đầu trong áp dụng chủ trương thi tuyển cán bộ lãnh đạo cấp sở, ngành là tỉnh Quảng Ninh. Sau đó, một số tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ... cũng đã thực hiện. Việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương thực hiện Đề án thí điểm thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo cấp sở, ngành được xem là "đột phá", là "luồng gió mới" thổi vào bộ máy tổ chức của Đảng, Nhà nước, với mục đích tìm ra được những người có trình độ chuyên môn giỏi, tâm huyết với công việc, có đủ đức, đủ tài; dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm, mục tiêu vì phát triển chung của tỉnh.

Mặc dù là Đề án thí điểm, lại đang trong quá trình xây dựng dự thảo, xin ý kiến các sở, ban, ngành... nhưng tin rằng, cách làm này sẽ thành công và nhận được sự nhất trí, đồng thuận cao của đại bộ phận cán bộ, công chức và người dân. Lý do, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thắng, nguyên là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - Nơi đặt "nền móng" vững chắc cho việc thực hiện Đề án thi tuyển cán bộ quản lý, lãnh đạo cấp sở, ngành... đã thành công và được nhân rộng ra nhiều tỉnh, thành khác. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy sẽ có nhiều kinh nghiệm trong chỉ đạo, lãnh đạo chủ trương này; đồng thời cùng tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy "chèo lái" Đề án thí điểm thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo cấp sở, ngành tỉnh "cập bến vinh quang".

Được biết, đối tượng tham gia thi tuyển gồm cán bộ, công chức, viên chức đang giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng, ban, đơn vị trực thuộc cấp sở và tương đương, đủ tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, nằm trong quy hoạch của chức danh tuyển chọn (gồm cả nhân sự tại chỗ và nhân sự từ cơ quan, đơn vị khác). Nghĩa là cán bộ, công chức đủ các điều kiện bổ nhiệm từ các cơ quan, đơn vị khác có thể tham gia thi tuyển, chứ không "đóng khung, cát cứ" như trước đây. Đây là điểm mới, cách làm hay để lựa chọn được người thực tài, am hiểu chuyên môn, nghiệp vụ, có tố chất lãnh đạo, dám đổi mới vì việc chung vào bộ máy công quyền của Đảng, Nhà nước. Điểm đáng lưu ý nữa là, trong thi tuyển đảm bảo nguyên tắc có số dư. Nghĩa là có ít nhất 2 người tham gia dự tuyển 1 chức danh. Trường hợp không có đủ ít nhất 2 người tham gia đăng ký dự tuyển 1 chức danh thì Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ đề cử thêm người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia dự thi. Tỉ lệ "chọi" ít nhất là 50/50, như vậy sẽ phá được thế "độc quyền" về công tác cán bộ theo nếp cũ. Những cán bộ khi muốn tham gia thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp sở, ngành phải xác định rõ chuyên môn nghiệp vụ của mình. Việc trang bị kiến thức chung, kiến thức chuyên ngành phải "thực chất" chứ không thể qua loa, đại khái được.

Qua hai vòng thi: kiến thức chung (vòng 1) và thuyết trình, bảo vệ đề án (vòng 2); hội đồng thi tuyển gồm 10 - 15 thành viên, là các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các sở ngành chuyên môn tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ... nên kết quả thi tuyển sẽ đảm bảo trung thực, khách quan, minh bạch, đúng các quy định của Đảng, Nhà nước.

Thực tế, công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ của nước ta thời gian qua tuy có nhiều đổi mới, sáng tạo, tuân thủ các quy định của Đảng, Nhà nước, nhưng đâu đó vẩn còn những tồn tại, hạn chế, thậm chí là tiêu cực. Câu nói "4 ệ" (Tiền tệ, huynh đệ, quan hệ, trí tuệ) vẫn được người dân truyền tai nhau mỗi khi nghe thông tin về công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ.

"Con sâu làm rầu nồi canh", do vậy, khi thực hiện Đề án thí điểm thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo sở, ngành cấp tỉnh lần này, kỳ vọng sẽ khắc phục triệt để những hạn chế, khuyết điểm như dư luận đồn thổi. Mặt khác, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, chủ động phát hiện, thu hút, tạo điều kiện cho những người thực sự có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực quản lý, điều hành, có khả năng truyền cảm hứng, quy tụ cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo tại các sở, ngành cấp tỉnh. Cùng với đó, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ có triển vọng, cán bộ từ bên ngoài cơ quan, đơn vị có bản lĩnh, năng lực nổi trội cùng tham gia tuyển chọn, bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo; đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác cán bộ như thời gian qua. Mục tiêu là nhằm từng bước nghiên cứu, đổi mới công tác cán bộ, tiến tới xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có chất lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong công cuộc đổi mới đất nước.

Tùng Lĩnh
Bình luận
Back To Top