Bài dự thi Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng

Phát triển đảng viên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Điện Biên

08:43 - Thứ Hai, 06/09/2021 Lượt xem: 5047 In bài viết

ĐBP - Phát triển đảng viên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, then chốt trong công tác xây dựng Đảng, vừa tăng sức mạnh, đảm bảo tính kế thừa, vừa nâng cao năng lực lãnh đạo sức chiến đấu của Đảng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh. Là tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, những năm qua công tác phát triển đảng viên luôn được Đảng bộ tỉnh Điện Biên chú trọng và đạt những kết quả nổi bật, nhất là trong phát triển đảng viên vùng đồng bào dân tộc thiếu số. Song bên cạnh đó, công tác này cũng gặp nhiều khó khăn, trở ngại đòi hỏi các cấp ủy Đảng phải có giải pháp linh hoạt, phù hợp để thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.

Bài 1: Thành quả từ sự quyết tâm

Một buổi sinh hoạt của Chi bộ 26 (bản Tìa Ghếnh B) thuộc Đảng bộ xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông.

Với đặc thù của tỉnh miền núi biên giới đa dân tộc, đời sống nhân dân còn thấp nên công tác phát triển đảng gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, năm 2016 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về tăng cường, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ và phát triển đảng viên, tổ chức đảng ở cơ sở trực thuộc xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị chưa có đảng viên, chưa có chi bộ, giai đoạn 2016 - 2020. Sau quá trình triển khai thực hiện với sự quyết tâm cao của cấp ủy các cấp, tỉnh ta đã đạt nhiều kết quả nổi bật trong công tác phát triển đảng viên người dân tộc thiểu số.

“Xóa” thôn, bản chưa có đảng viên

Thực hiện phương châm “ở đâu có dân, ở đó có đảng viên”, các cấp ủy, tổ chức đảng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác phát triển đảng viên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm cụ thể hóa mục tiêu “xóa” thôn, bản chưa có đảng viên. Bằng nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp với từng địa phương như: Đẩy mạnh tuyên truyền để đồng bào dân tộc thiểu số hiểu đúng về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; phân công các đồng chí cấp ủy viên và bố trí đảng viên là người địa phương về sinh hoạt tại chi bộ, thôn bản để làm hạt nhân nòng cốt, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở; chú trọng tạo nguồn phát triển đảng viên... Công tác xây dựng Đảng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến rõ nét, đội ngũ đảng viên người dân tộc thiểu số không ngừng tăng cả về số lượng và chất lượng. Từ năm 2016 - 2020, toàn tỉnh kết nạp được hơn 10.990 đảng viên mới, trong đó 7.333 đảng viên là người dân tộc thiểu số (chiếm 66,7% đảng viên mới kết nạp). Riêng 6 tháng đầu năm 2021, trong tổng số 787 đảng viên kết nạp mới có đến 508 người là dân tộc thiểu số, nâng tổng số đảng viên là người dân tộc thiểu số của tỉnh lên 22.973 người (chiếm 54,2%). Kết quả đó đã góp phần thực hiện được mục tiêu “xóa” thôn, bản chưa có đảng viên, khi vào đầu năm 2016 trên địa bàn tỉnh còn 95/1.813 thôn, bản chưa có đảng viên nhưng đến nay 100% thôn, bản đều đã có đảng viên.

Ông Tạ Văn Sơn, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Mường Nhé chia sẻ: Do phần lớn người dân trên địa bàn đều là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống khó khăn, nhận thức hạn chế, giao thông cách trở nên công tác phát triển đảng viên đã khó càng thêm khó. Nhưng với quyết tâm thực hiện đạt mục tiêu đến năm 2020 không còn bản chưa có đảng viên, huyện đã thành lập ban chỉ đạo, tổ giúp việc ở những bản chưa có đảng viên, chưa có chi bộ; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Căn cứ vào điều kiện thực tế của từng địa bàn, Ban chỉ đạo đề ra các giải pháp phù hợp để phát triển đảng viên. Giai đoạn 2016 - 2020, huyện đã kết nạp được 1.185 đảng viên, trong đó 831 người là dân tộc thiểu số. Nhờ đó, Mường Nhé đã trở thành địa phương “xóa” được nhiều thôn, bản chưa có đảng viên nhất trong tỉnh với 39 bản. Hiện 114 bản, tổ dân cư đều đã có đảng viên, không còn bản chưa có đảng viên trong huyện.

Củng cố, kiện toàn chi bộ

Chú trọng công tác phát triển đảng viên người dân tộc thiểu số đã giúp tỉnh xóa được các thôn, bản chưa có đảng viên, đồng thời còn góp phần quan trọng vào việc xây dựng, củng cố, kiện toàn chi bộ. Những năm trước đây, mặc dù các bản của xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông đều có đảng viên nhưng do số lượng ít nên chưa thành lập được chi bộ, nhiều chi bộ bản phải sinh hoạt ghép. Trước thực trạng trên, đảng bộ xã đã tập trung đưa ra nhiều giải pháp nhằm phát triển đảng viên là người địa phương, thành lập mới các chi bộ bản. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ xã Keo Lôm đã kết nạp 32 đảng viên, trong đó 24 người là dân tộc thiểu số, “xóa” được 1 bản chưa có đảng viên, thành lập mới 10 chi bộ, giảm số chi bộ sinh hoạt ghép từ 5 xuống còn 3 chi bộ.

Cách đây 5 năm, cùng với huyện Mường Nhé, Nậm Pồ cũng là địa bàn có nhiều bản chưa có đảng viên, chưa thành lập được chi bộ. Vì thế huyện đã huy động sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong việc vận động quần chúng nhân dân, hội viên, đoàn viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phát triển đảng, nhất là những nơi chưa có chi bộ; chủ động phát hiện nguồn phát triển đảng tại cơ sở từ các phong trào thi đua... Nhờ đó, hàng năm số lượng đảng viên được kết nạp đều vượt xa so với chỉ tiêu đề ra. 5 năm qua, huyện không chỉ “xóa” hết số bản chưa có đảng viên trên địa bàn (37 bản) mà còn thành lập mới được 96 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, 12 chi bộ trực thuộc Huyện ủy. Đáng nói, trong tổng số 121 thôn, bản trên địa bàn huyện đã có 84 bản thành lập được chi bộ độc lập, 15 chi bộ sinh hoạt ghép và chỉ còn 22 bản chưa có chi bộ. Đây là kết quả đáng ghi nhận đối với một huyện vùng cao biên giới mới thành lập được 8 năm và còn gặp nhiều khó khăn như Nậm Pồ.

Ông Phạm Khắc Quân, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: Tính đến hết tháng 6/2021, toàn tỉnh có 622 tổ chức cơ sở đảng, trong đó 234 đảng bộ cơ sở, 388 chi bộ cơ sở, số chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở là 2.627. Tổng số thôn, bản, tổ, đội trên địa bàn tỉnh là 1.445, trong đó 1.332 thôn, bản có chi bộ độc lập; 49 chi bộ thôn, bản sinh hoạt ghép. Hiện toàn tỉnh chỉ còn 64 thôn, bản chưa có chi bộ (giảm 264 thôn, bản so với năm 2016). Theo đồng chí Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, việc thành lập được các chi bộ thôn, bản nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới đã kịp thời lãnh đạo, đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân, thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, xóa bỏ những phong tục tập quán lạc hậu, làm thất bại những âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo của các thế lực thù địch thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Mặt khác, đã phát huy được vai trò, tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên trên mọi lĩnh vực công tác, tích cực đi đầu trong vận động, tuyền truyền quần chúng nhân dân...

 Bài 2:  Còn nhiều khó khăn, trở ngại

Bài, ảnh: Đức Linh
Bình luận
Back To Top