Bài dự thi Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng

Phát triển đảng viên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Điện Biên (bài 2)

08:30 - Thứ Tư, 08/09/2021 Lượt xem: 5123 In bài viết

Bài 2: Còn nhiều khó khăn, trở ngại

ĐBP - Mặc dù đã đạt nhiều kết quả nổi bật trong công tác phát triển đảng viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số khi chỉ tiêu kết nạp đảng hàng năm đều đạt, thậm chí vượt kế hoạch đề ra. Song trong quá trình thực hiện công tác này tại các địa phương còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại do thiếu nguồn kết nạp đảng, đảng viên bỏ sinh hoạt... làm ảnh hưởng tới số lượng, chất lượng kết nạp đảng viên. Đây cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ đảng viên người dân tộc thiểu số còn thấp so với tỷ trọng cơ cấu dân số của tỉnh.

Bài 1: Thành quả từ sự quyết tâm

Lãnh đạo Đảng ủy xã Nà Tấu, TP. Điện Biên Phủ trao đổi, bàn giải pháp khắc phục khó khăn trong phát triển đảng viên người dân tộc thiểu số.

Thiếu nguồn kết nạp đảng

Thực tế tỉnh ta đã đạt mục tiêu nhiệm kỳ 2015 - 2020 là, mỗi năm kết nạp 2.000 đảng viên. Tuy nhiên, quá trình thực hiện gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do thiếu nguồn kết nạp đảng; đặc biệt là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của bà con dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa, biên giới còn hạn chế, đa số có trình độ văn hóa thấp; một số người theo đạo chưa được Nhà nước công nhận; nhiều trường hợp vi phạm pháp luật, vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình nên không đủ tiêu chuẩn để kết nạp theo quy định. Đặc biệt, do là tỉnh nghèo không có nhiều công ty, doanh nghiệp, khu công nghiệp dẫn đến tình trạng thanh niên trong độ tuổi lao động đi làm ăn xa quê ngày càng nhiều; đội ngũ học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp và dạy nghề cũng không muốn trở về địa phương vì khó tìm việc làm hoặc có việc làm nhưng thu nhập thấp cũng gây khó khăn cho công tác tạo nguồn phát triển đảng. Số thanh niên ở lại lao động tại địa phương thì học vấn không “tinh” hoặc không có tư tưởng, nguyện vọng phấn đấu vào Đảng, ngại va chạm và tham gia các hoạt động xã hội, đoàn thể mà chỉ quan tâm đến việc sản xuất phát triển kinh tế gia đình. Đối với lực lượng thanh niên là phụ nữ người dân tộc thiểu số thì việc kết nạp đảng càng khó khăn do tư tưởng lấy chồng sớm, chỉ biết đến việc sinh con, lo việc bếp núc gia đình nên không thiết tha vào Đảng...

Ông Bùi Xuân Trường, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Điện Biên chia sẻ: Dù là địa bàn tương đối thuận lợi nhưng công tác phát triển đảng viên người dân tộc thiểu số của huyện Điện Biên cũng gặp không ít trở ngại. Do nhận thức của một số quần chúng còn hạn chế, chưa xác định được động cơ phấn đấu vào Đảng; các đối tượng đoàn viên thanh niên do hoàn cảnh gia đình khó khăn, muốn có thu nhập ổn định nên thường xuyên đi làm ăn xa không có mặt ở địa phương.

Một số thanh niên ở lại vướng vào tệ nạn xã hội, người thì không tham gia vào các tổ chức, hoạt động đoàn thanh niên, phụ nữ, nông dân nên rất khó phát hiện để bồi dưỡng, kết nạp đảng... Tương tự là huyện Điện Biên Đông khi số lao động trên địa bàn đi làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp ngoài tỉnh chiếm số lượng lớn trong tỉnh. Một số khác, sinh nhiều con, trình độ văn hóa thấp nên không đủ tiêu chuẩn để kết nạp vào hàng ngũ của Đảng...

Đảng viên xin ra khỏi Đảng

Đi cùng với khó khăn trong việc tạo nguồn kết nạp đảng viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số là tình trạng đảng viên ở khu vực nông thôn xin thôi hoặc bỏ sinh hoạt Đảng. Theo số liệu thống kê của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, từ năm 2015 đến hết tháng 6/2021, toàn tỉnh có khoảng gần 300 trường hợp đảng viên bỏ sinh hoạt, xin ra khỏi Đảng với nhiều lý do khác nhau như: Sức khỏe yếu, gia đình khó khăn, không có thời gian sinh hoạt Đảng, đi làm ăn xa...

Trong nhiệm kỳ vừa qua, Điện Biên Đông là một trong những địa bàn có nhiều trường hợp đảng viên bỏ sinh hoạt đảng và xin ra khỏi Đảng. Từ năm 2015 đến nay, huyện có tới 46 trường hợp bị xóa tên trong danh sách đảng viên do bỏ sinh hoạt đảng, không đóng đảng phí; 21 trường hợp viết đơn xin ra khỏi Đảng. Đứng trong hàng ngũ của Đảng từ năm 2012, nhưng sau 8 năm, anh Vừ A Mua, bản Tìa Ghênh A, xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông đã viết đơn xin ra khỏi Đảng. Anh Mua chia sẻ: Do điều kiện gia đình hết sức khó khăn trong khi anh lại là lao động chính, nếu ở nhà thì không có nguồn thu nhập đảm bảo, trông cậy vào nương ngô, nương lúa thì chẳng đủ ăn. Vì thế sau vài tháng đi làm công nhân ở dưới xuôi thấy nguồn thu nhập cao, ổn định, anh đã quyết định viết đơn xin ra khỏi Đảng do không có thời gian tham gia sinh hoạt chi bộ thường xuyên.

Cùng chung hoàn cảnh như anh Mua là trường hợp của anh Hạng A Sáng, bản Ham Xoong 1, xã Vàng Đán, huyện Nậm Pồ. Sau khi được bồi dưỡng, kết nạp Đảng vào năm 2019, anh đi làm công nhân tại Quảng Ninh cho Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam. Do đi làm xa, không sinh hoạt Đảng đã xin ra khỏi Đảng. Anh Sáng chỉ là 1 trong số 29 trường hợp đảng viên trên địa bàn huyện Nậm Pồ bỏ sinh hoạt đảng, xin ra khỏi Đảng từ năm 2016 đến nay. Ngay cả địa bàn có nhiều điều kiện thuận lợi như huyện Điện Biên cũng có số đảng viên bỏ sinh hoạt đảng, xin ra khỏi Đảng khá đông với 60 trường hợp. Trong đó, 46 đảng viên bỏ sinh hoạt đảng, 14 đảng viên xin ra khỏi Đảng. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2021, huyện đã có 6 trường hợp đảng viên bỏ sinh hoạt, xin ra khỏi Đảng. Điều này đã làm ảnh hưởng tới số lượng đảng viên, chất lượng sinh hoạt chi bộ, khiến nhiều thôn, bản có ít đảng viên đứng trước nguy cơ tái “trắng” đảng viên, một số nơi có nguy cơ tái “trắng” chi bộ thôn, bản.

Bài 3: Cần những giải pháp đồng bộ

Bài, ảnh: Đức Linh
Bình luận
Back To Top