Bài dự thi Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng

Phát triển đảng viên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Điện Biên (bài 3)

06:24 - Thứ Sáu, 10/09/2021 Lượt xem: 5752 In bài viết

Bài 3: Cần những giải pháp đồng bộ

ĐBP - Phát triển đảng viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới đã và đang đứng trước những khó khăn, thách thức. Do đó, đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức đảng phải sớm đưa ra giải pháp đồng bộ nhằm từng bước khắc phục khó khăn, thực hiện tốt công tác phát triển đảng, nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển đảng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Bài 1: Thành quả từ sự quyết tâm

Bài 2: Còn nhiều khó khăn, trở ngại

Thông qua hoạt động, phong trào thi đua của các hội, đoàn thể, nhiều đoàn viên, hội viên đã được xem xét, bồi dưỡng kết nạp Đảng. Trong ảnh: Đoàn viên thanh niên xã Mường Luân (huyện Điện Biên Đông) giúp người dân bản Trung Tâm làm đường bê tông nội bản.

Nâng cao nhận thức và trách nhiệm

Với quyết tâm tiếp tục thực hiện tốt công tác phát triển đảng trong nhiệm kỳ mới, ngày 7/5/2021 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, góp phần củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, mục tiêu cụ thể được tỉnh đặt ra là phấn đấu mỗi năm kết nạp 2.500 đảng viên (mỗi chi bộ có quần chúng bồi dưỡng kết nạp từ 1 - 2 đảng viên trở lên); phấn đấu năm 2021 có 29 thôn, bản trở lên thành lập được chi bộ độc lập, sau đó cứ mỗi năm giảm từ 20 - 25% số thôn, bản chưa có chi bộ; đến năm 2025, 100% thôn, bản, trạm y tế thành lập được chi bộ độc lập; trên 90% trưởng thôn, bản, tổ dân phố là đảng viên.

Theo đồng chí Phạm Khắc Quân, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, để thực hiện được mục tiêu trên, giải pháp quan trọng hàng đầu là phải nâng cao nhận thức cho cấp ủy và đội ngũ cán bộ, đảng viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên người dân tộc thiểu số ở cơ sở. Trước hết, phải giúp các cấp ủy và đảng viên nhận thức rõ quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển đảng viên, thấy được việc kết nạp đảng viên người dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên nhằm đảm bảo tính kế thừa, phát triển liên tục, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng ở cơ sở. Tăng cường giáo dục, bồi dưỡng nhận thức chính trị, nâng cao trình độ dân trí để quần chúng là người đồng bào dân tộc thấy rõ việc phấn đấu trở thành đảng viên là một vinh dự, trách nhiệm, cơ hội để họ phát triển và cống hiến tốt hơn cho thôn, bản và cho sự nghiệp xây dựng quê hương giàu mạnh. Chính việc làm tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng, tuyên truyền, vận động sẽ tác động trực tiếp vào nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về Đảng, về mục tiêu lý tưởng của Đảng, tránh việc do thiếu hiểu biết mà nhiều người từ chối khi được giới thiệu vào Đảng. Cùng với đó, cấp ủy cơ sở phải có biện pháp phòng, chống các luồng tư tưởng gây ảnh hưởng tiêu cực tới tư tưởng của quần chúng, giúp đồng bào hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trong việc kích động, lôi kéo, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Chú trọng tạo nguồn phát triển đảng

Để thực hiện mục tiêu phát triển tổ chức đảng, đảng viên tại các thôn, bản nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, công tác tạo nguồn phát triển đảng đóng vai trò quyết định. Vì thế để làm tốt công tác này, đồng chí Phạm Khắc Quân cho rằng các cấp ủy cần tập trung củng cố các tổ chức đoàn thể như: Thanh niên, phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh... tại các thôn, bản, tổ dân phố để thực sự là nơi tập hợp quần chúng, tạo điều kiện cho đoàn viên, hội viên cùng học tập, giao lưu, tham gia các hoạt động để tạo nguồn phát triển đảng viên. Đảng ủy cơ sở phải thường xuyên bám sát nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng ở địa phương để phát động các phong trào thi đua; quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ cho đoàn viên, hội viên tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế từ các chương trình, dự án được đầu tư; thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: Đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hỗ trợ sản xuất để người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Thông qua đó, kịp thời phát hiện, lựa chọn đối tượng quần chúng ưu tú như trưởng thôn, trưởng bản, trưởng ban công tác mặt trận, đoàn viên, hội viên, công nhân lao động, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi để bồi dưỡng kết nạp đảng.

Cùng chung quan điểm, đồng chí Mùa A Vảng, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Huyện ủy Điện Biên Đông bổ sung giải pháp đối với các tổ chức đảng ở các xã, thôn, bản mà nhiều năm không kết nạp được đảng viên hoặc kết nạp được ít cần phải giao chỉ tiêu cụ thể để khắc phục dứt điểm tình trạng trên. Đồng thời, phân công cấp ủy viên phụ trách cơ sở, địa bàn trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên dự sinh hoạt với chi bộ để nắm tình hình và chịu trách nhiệm trước cấp ủy cấp mình về chất lượng hoạt động của chi bộ, về công tác phát triển đảng viên, phát triển tổ chức đảng ở địa bàn được phân công. Mặt khác, tiếp tục thực hiện tốt chủ trương đưa cán bộ, đảng viên là người địa phương có kinh nghiệm trong công tác Đảng, có uy tín, am hiểu về phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số xuống thôn, bản để làm nòng cốt, vận động quần chúng tích cực tham gia các hoạt động, phong trào thi đua để lựa chọn quần chúng ưu tú bồi dưỡng kết nạp Đảng. Đặc biệt, các cấp ủy đảng phải thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt việc nâng cao chất lượng đảng viên và công tác kết nạp đảng viên theo Kế hoạch số 63-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 21/1/2019 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi đảng. Công tác kết nạp đảng viên và công nhận đảng viên chính thức phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục kết nạp đảng viên theo quy định; làm tốt công tác sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm về công tác phát triển đảng viên để đánh giá rõ việc làm được, những hạn chế, thiếu sót cần khắc phục; động viên, khen thưởng kịp thời những nơi làm tốt công tác phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số. Có như vậy công tác phát triển đảng viên mới thực sự đi vào chiều sâu, giúp các tổ chức cơ sở đảng thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển tổ chức đảng, đảng viên là người dân tộc thiểu số, góp phần xây dựng và củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh.

Bài, ảnh: Đức Linh
Bình luận
Back To Top