Bài dự thi Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng

Xây dựng đội ngũ cán bộ vừa “hồng” vừa “chuyên”

06:29 - Thứ Sáu, 10/09/2021 Lượt xem: 4517 In bài viết

ĐBP -  Đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển cán bộ là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng đó, những năm qua, huyện Mường Ảng đã có nhiều cách làm sáng tạo, đổi mới, nhất là linh hoạt trong công tác điều động, luân chuyển cán bộ. Thực tiễn cho thấy tại huyện Mường Ảng, cán bộ sau khi được luân chuyển không những được rèn luyện, trưởng thành hơn mà còn phát huy được khả năng, trí tuệ, góp công, góp sức xây dựng bản làng ngày càng phát triển…

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Mường Ảng gặp mặt, làm việc với cán bộ luân chuyển theo định kỳ.

Bài 1: Linh hoạt trong công tác luân chuyển cán bộ

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Thấm nhuần tư tưởng của Bác và quan điểm của Đảng về công tác cán bộ, Ban Thường vụ Huyện ủy Mường Ảng đã lãnh đạo triển khai thực hiện hiệu quả công tác đánh giá, điều động, luân chuyển cán bộ, đặc biệt là luân chuyển cán bộ từ huyện về các xã, thị trấn giữ các vị trí chủ chốt, thông qua đó để đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ về mọi mặt cho đội ngũ cán bộ.

Dù có vị trí địa lý, giao thông đi lại thuận lợi (có trục quốc lộ 279 chạy qua), song nhiều năm trước, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc huyện Mường Ảng còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Không những thế, đây cũng là một trong những huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ. Trước những khó khăn chồng chất huyện xác định, muốn đưa địa phương vượt qua đói nghèo, vươn lên phát triển vững bền thì một trong những vấn đề then chốt, yếu tố hết sức quan trọng chính là phải làm tốt công tác cán bộ. Cán bộ có giỏi, năng động, linh hoạt thì mới giúp cho việc triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước đến nhân dân được hiệu quả. Trên tinh thần đó, từ năm 2009, Ban Thường vụ Huyện ủy Mường Ảng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp ủy, đội ngũ cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò của công tác cán bộ nói chung; việc quy hoạch, điều động, luân chuyển cán bộ nói riêng; xem đây vừa là nhiệm vụ trước mắt, vừa là nhiệm vụ lâu dài cần phải được thực hiện nghiêm túc, bài bản, hiệu quả, có kế hoạch, lộ trình cụ thể và phải tạo được sự đồng tình, ủng hộ của cán bộ, đảng viên, nhân dân.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Mường Ảng cho biết: Trước khi thực hiện việc điều động, luân chuyển cán bộ, huyện tiến hành rà soát quy hoạch cán bộ, đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý hiện có; xem xét năng lực, sở trường của mỗi cán bộ cũng như yêu cầu, nhiệm vụ từng địa phương để lựa chọn, dự kiến những cán bộ có năng lực, tâm huyết, trách nhiệm, kinh nghiệm đưa vào nguồn cán bộ luân chuyển. Cùng với đó, xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn và từng năm để tổ chức thực hiện theo lộ trình, kế hoạch đề ra.

“Quá trình luân chuyển cán bộ được chúng tôi thực hiện một cách thận trọng, khoa học, công khai, dân chủ, bảo đảm đúng nguyên tắc; có chú ý đến yếu tố đặc thù của từng địa phương, đơn vị để lựa chọn cho phù hợp, làm tốt công tác tư tưởng trước khi luân chuyển, nhằm phát huy hết khả năng, sở trường cán bộ. Trong thực hiện luân chuyển, huyện đặc biệt quan tâm đến cấp xã, bởi nhìn chung, đội ngũ chủ chốt cấp xã còn nhiều hạn chế. Do đó, việc đưa cán bộ, công chức lãnh đạo các phòng, ban của huyện xuống đảm nhận các chức vụ chủ chốt cấp xã nhằm tổ chức, triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh tại địa bàn” - Bí thư Huyện ủy Mường Ảng nhấn mạnh.

Chủ trương đúng, tinh thần quyết liệt, tuy nhiên, những năm đầu thực hiện, quá trình luân chuyển cán bộ trên địa bàn huyện Mường Ảng gặp không ít vướng mắc, nhất là liên quan đến chế độ, chính sách cũng như tư tưởng của cán bộ giữ chức vụ chủ chốt xã. Trước thục trạng cán bộ chủ chốt các xã đang đương chức, chưa đến tuổi nghỉ chế độ, trong khi năng lực chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bắt buộc phải điều động, luân chuyển (xã Mường Đăng, xã Ngối Cáy và xã Ẳng Tở), Ban Thường vụ Huyện ủy đã họp, bàn bạc kỹ lưỡng, thống nhất báo cáo UBND tỉnh đề xuất xin chủ trương về việc giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ cơ sở (đối với cán bộ chủ chốt cấp xã luân chuyển lên huyện đảm nhiệm vị trí công tác khác). Nhận thấy cách làm của Mường Ảng có nhiều vấn đề mới, chưa có tiền lệ và phù hợp với thực tiễn. UBND tỉnh đã đồng ý cho chủ trương để huyện Mường Ảng thực hiện theo tinh thần tại Công văn số 819/UBND-NC ngày 9/6/2009 của UBND tỉnh. Theo đó, cán bộ chủ chốt các xã sau khi thôi giữ chức vụ, lên huyện để tiếp thu thêm kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực quản lý được hưởng nguyên lương đến hết nhiệm kỳ.

Không chỉ tạo sự yên tâm cho cán bộ chủ chốt các xã luân chuyển lên các phòng, ban, đối với cán bộ luân chuyển từ huyện về xã, huyện đã tạo mọi điều kiện để cán bộ yên tâm công tác. Thực tiễn cho thấy, cán bộ luân chuyển xuống xã, do là các chức vụ bầu cử, nên một số đồng chí có tâm lý vừa làm, vừa sợ mất lòng. Chính vì thế ngại va chạm, không mạnh dạn phê bình đối với cán bộ xã người địa phương, trưởng thành tại địa phương. Đặc biệt, quá trình thực hiện nhiệm vụ, nếu không khéo léo sẽ dễ bị cô lập, mà làm khéo để vừa lòng mọi người thì công việc không hiệu quả dẫn đến khi trở về vị trí cũ đã bố trí người khác thay thế nên không yên tâm.

Khắc phục tình trạng đó, sau nhiều lần bàn thảo, phân tích kỹ lưỡng để tạo môi trường, điều kiện làm việc tốt cho cán bộ luân chuyển, Ban Thường vụ Huyện ủy quyết định thực hiện chính sách giữ nguyên lương, phụ cấp chức vụ, các quyền lợi khác (nếu có) và biên chế ở cơ quan, tổ chức, đơn vị cử đi (áp dụng theo Quyết định 70/2009/QĐ-TTG ngày 27/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về về chính sách luân chuyển, tăng cường cán bộ chủ chốt cho các xã thuộc 61 huyện nghèo) để cán bộ luân chuyển yên tâm công tác, tránh tư tưởng nể nang, né tránh khi quyết định mọi công việc theo đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, định kỳ hàng quý, Thường trực Huyện ủy tổ chức gặp mặt cán bộ luân chuyển để nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở.

Với cách làm đó, những năm qua, mỗi cán bộ được luân chuyển từ các phòng, ban cấp huyện về xã đã và đang phát huy hết khả năng, vai trò, trách nhiệm, nỗ lực hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Bài 2: Khi cán bộ về xã

Bài, ảnh: Văn Quyết
Bình luận
Back To Top